Điều trị sỏi mật sẽ cần xem xét vào vị trí, kích thước sỏi và tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người bệnh để đưa ra phương pháp phù hợp. Trong đó, điều trị bằng thuốc và phẫu thuật nội soi cắt túi mật là 2 phương án được áp dụng phổ biến nhất. Vậy, ở 2 phương pháp này có những ưu điểm gì, trường hợp nào được áp dụng và có lưu ý gì khi tiến hành điều trị? Hãy cùng tìm hiểu ngay.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao cần tiến hành điều trị sỏi mật?
Sỏi mật là sự kết tinh của các thành phần trong dịch mật tạo nên các khối rắn với kích thước to nhỏ khác nhau. Sỏi mật có thể hình thành ở nhiều vị trí khác nhau trong hệ dẫn mật như ở túi mật (sỏi túi mật), ống mật chủ (sỏi ống mật chủ) và ở đường dẫn mật trong gan (sỏi gan).
Sỏi mật thường diễn biến âm thầm, khó nhận biết, nên dễ sinh tâm lý chủ quan ở đại đa số người bệnh. Điều này gây cản trở không nhỏ tới việc điều trị, nhiều trường hợp khi được phát hiện, bệnh đã phát triển nặng, gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
1.1. Biến chứng do sỏi mật gây ra
– Viêm túi mật cấp và mạn tính: Khi sỏi nằm kẹt ở cổ túi mật hoặc trong ống dẫn mật khiến dịch mật bị ứ đọng. Tình trạng này kéo dài có thể gây viêm túi mật cấp tính. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh sẽ tái phát lại nhiều lần khiến cho thành túi mật bị dày, dẫn đến xơ hóa làm mất dần chức năng cô đặc và lưu trữ dịch mật. Đây chính là biểu hiện của viêm túi mật mạn tính.
– Nhiễm trùng đường mật, viêm đường mật cấp: Sỏi xuất hiện trong ống dẫn mật gây ra tình trạng tắc nghẽn, dịch mật không được lưu thông. Lâu dài sẽ gây nhiễm trùng đường mật và nguy hiểm hơn là viêm đường mật cấp.
– Viêm tụy cấp: Sỏi mật di chuyển và lọt vào ngã ba mật tụy gây ứ tắc dịch tụy và dẫn tới viêm tụy cấp.
– Tắc ruột: Sỏi mật di chuyển theo đường rò xuống tới ruột non và gây tắc ruột. Khi đó cần phải can thiệp điều trị ngay lập tức để tránh những rủi ro thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
– Ung thư túi mật: Biến chứng này tuy hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra và rất nguy hiểm.
1.2. Phương pháp điều trị sỏi mật
Như đã nói trước đó, căn cứ theo vị trí, kích thước và số lượng sỏi cùng việc xem xét thể trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường sẽ được tiến hành theo 2 phương án như sau:
– Điều trị nội khoa kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh.
– Phẫu thuật cắt túi mật.
Trên hết, người bệnh có sỏi mật cần chủ động thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chính xác tình trạng của sỏi và tiếp nhận phương pháp điều trị phù hợp.
2. Điều trị sỏi mật bằng thuốc
Điều trị bằng thuốc cho hiệu quả tốt trong các trường hợp bệnh được phát hiện sớm, sỏi mật có kích thước nhỏ và hầu như chưa gây ra các triệu chứng nghiêm trọng nào.
Đối với những viên sỏi mới hình thành có kích thước từ 6-7mm sẽ dễ dàng được làm tan bằng các loại thuốc có chứa acid mật. Bên cạnh đó, người bệnh sỏi mật cũng có thể được sử dụng thêm các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, chống viêm theo chỉ định từ bác sĩ.
Về thời gian điều trị sẽ còn tùy vào kích thước sỏi mà có thể kéo dài từ nhiều tháng tới vài năm (thường trong khoảng từ 6-24 tháng).
2.1. Chỉ định thuốc trong trường hợp
– Sỏi không lớn hơn 10mm.
– Thể tích của tất cả sỏi trong túi mật đảm bảo không lớn hơn 1/3 tổng thể tích túi mật.
– Túi mật hoạt động bình thường, không ảnh hưởng tới chức năng điều hòa dịch mật, ống dẫn mật không bị tắc.
– Người bệnh đang không sử dụng đồng thời các loại thuốc như thuốc dạ dày, thuốc giảm cân,…
2.2. Lưu ý khi tiến hành điều trị sỏi mật bằng thuốc
– Chỉ tiến hành điều trị nội khoa khi có chỉ định từ bác sĩ sau khi đã tiến hành thăm khám trực tiếp, xác định tình trạng bệnh.
– Người bệnh tuyệt đối tuân thủ yêu cầu từ bác sĩ về loại thuốc, liều lượng. Không tự ý mua thuốc, thay đổi liêu dùng hay tự ý ngưng thuốc khi không có chỉ định.
– Việc dùng thuốc có thể gia tăng gánh nặng lên gan nên không thể lạm dụng lâu dài. Người bệnh cần tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị, kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh cũng như nhanh chóng thay đổi phương án nếu điều trị nội khoa không cho hiệu quả tốt. Và khi đó, người bệnh có thể cần thực hiện phẫu thuật cắt túi mật.
3. Phẫu thuật nội soi cắt túi mật
Phẫu thuật nội soi cắt túi mật tương đối nhẹ nhàng, ít xâm lấn, ít gây đau đớn, thời gian thực hiện khoảng trên 1 giờ. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ tiếp tục được theo dõi và chăm sóc hậu phẫu trong 3-5 ngày đầu thì có thể xuất viện và ổn định sau khoảng 7 – 10 ngày.
Tuy nhiên, phương pháp này sẽ được không áp dụng với những người bệnh có sức đề kháng kém, người lớn tuổi, người bệnh béo phì hay người mắc các bệnh về gan mật phức tạp.
3.1. Chỉ định cắt túi mật
– Sỏi túi mật kích thước lớn (lớn hơn 25mm) gây chèn ép, tắc nghẽn.
– Sỏi túi mật gây đau đớn kéo dài cùng nguy cơ biến chứng như viêm túi mật mãn tính, nhiễm trùng, viêm tụy,…
– Trường hợp túi mật có nhiều sỏi hoặc sỏi túi mật đi kèm polyp túi mật kích thước lớn hơn 10mm hoặc có nguy cơ gây ung thư túi mật.
3.2. Lưu ý sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ túi mật
– Sau khi phẫu thuật cắt bỏ túi mật, mật sẽ được đổ thẳng xuống tới ruột non thay vì cơ chế trung gian như trước đây. Thời gian đầu, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng như buồn nôn, đầy bụng, tiêu chảy, nhiễm trùng đường mật,… và có thể cần điều trị thêm cho tới khi cơ thể dần thích nghi với việc không có túi mật.
– Cắt túi mật không có nghĩa là khỏi sỏi mật hoàn toàn. Trên thực tế, khoảng 50% người bệnh có thể tái sỏi tại các vị trí khác trong đường mật sau 3 năm. Chính vì thế, người bệnh sau phẫu thuật cần tái khám đều đặn để kiểm soát tình trạng bệnh tốt nhất.
Như vậy, điều trị sỏi mật bằng thuốc sẽ mang lại hiệu quả tốt với những trường hợp phát hiện bệnh sớm. Với các trường hợp sỏi mật gây triệu chứng và nguy cơ biến chứng cao thì cần phẫu thuật cắt túi mật. Người bệnh tuyệt đối không chủ quan với sỏi mật, chủ động thăm khám ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường để được chỉ định điều trị đúng cách, dứt điểm bệnh nhanh chóng.