Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người mắc bệnh Parkinson có thể được điều trị kết hợp với các sản phẩm hỗ trợ và tập luyện phục hồi chức năng. Cùng tìm hiểu ngay phương pháp điều trị bệnh Parkinson trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Biểu hiện của người bệnh Parkinson
Người bị Parkinson thường có 3 triệu chứng điển hình sau: run tay, chân thường là run nhỏ và run ở một bên của cơ thể; bắp cơ cứng (tăng trương lực cơ); giảm hoạt động thể lực: đi đứng chậm chạp, nuốt chậm chạp, nói chậm chạm, dáng đi gù gù,….
Khi có biểu hiện trên, người bệnh cần đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được kiểm tra, chẩn đoán xem đó có phải đó là biểu hiện của bệnh parkinson hay không, loại trừ các bệnh lý có biểu hiện tương tự, từ đó đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả.
2. Bệnh Parkinson có chữa khỏi được không?
Hiện nay, người bệnh Parkinson vẫn đang “chung sống” cùng căn bệnh này, bởi cho đến nay khoa học chưa tìm ra cách để chữa khỏi hoàn toàn cho người mắc bệnh Parkinson.
Việc điều trị bệnh là vô cùng cần thiết, để giúp người bệnh có thể hoạt động sinh hoạt gần như bình thường, tránh bị phụ thuộc vào người khác, tránh nguy cơ dẫn đến trầm cảm, liệt và đồng thời kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Nếu bỏ mặc hoặc trì hoãn không điều trị, người bệnh Parkinson sẽ bị hạn chế vận động sinh hoạt hàng ngày như khó cầm, nắm; khó ăn, uống, đi lại; không tự vệ sinh được cho bản thân; nguy cơ trầm cảm, tàn phế suốt đời, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.
3. Điều trị bệnh Parkinson bằng cách nào?
Do chưa thể chữa khỏi được nên mục tiêu điều trị cho bệnh nhân Parkinson là hạn chế tối đa các triệu chứng (giảm động tác, cứng, run chân tay) của bệnh Parkinson đến cuộc sống của người bệnh.
Phương pháp điều trị Parkinson hiện nay bao gồm:
– Điều trị nội khoa (dùng thuốc)
– Sử dụng các sản phẩm hỗ trợ điều trị
– Tập luyện phục hồi chức năng
Trong một số trường hợp, các biện pháp tác động sâu vào bên trong não có thể được thực hiện để kích thích tế bào não bị thoái hóa hoạt động trở lại.
Cần lưu ý rằng, mức độ của bệnh và phương pháp điều trị bệnh, không chỉ bệnh Parkinson mà còn rất nhiều bệnh lý khác, phải tùy thuộc vào thể trạng, mức độ đáp ứng ở mỗi người bệnh. Không có phương pháp nào dùng chung cho toàn bộ người bệnh. Bệnh Parkinson thường xuất hiện ở người cao tuổi – đối tượng thường mắc rất nhiều bệnh lý kèm theo như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh lý đường tiêu hóa, bệnh tuyến giáp, tiểu đường… Do đó, muốn cải thiệnbệnh Parkinson cần điều trị hiệu quả, tích cực các bệnh lý này.
3.1 Điều trị nội khoa – phương pháp chính điều trị bệnh Parkinson
Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Không tự ý dùng thuốc, bỏ thuốc hay tăng liệu lượng thuốc. Nếu có biểu hiện khác như ảo giác,… cần đi thăm khám lại với bác sĩ và lắng nghe chỉ định của bác sĩ. Hiện nay có một số nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh Parkinson. Khi sử dụng thuốc cần lưu ý tuân theo đúng chỉ định của thầy thuốc và cần phối hợp thuốc trong điều trị, không sử dụng một loại thuốc đơn lẻ.
Một điểm cần lưu ý nữa khi sử dụng thuốc đó là, thuốc chỉ sử dụng để hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt mà các bệnh Parkinson gây ra. Như người bệnh run nhiều dẫn tới không thể ăn uống được thì có thể cho người bệnh sử dụng thuốc trước khi ăn tầm 30 phút, để hạn chế sự khó khăn khi cửa động nuốt, cử động tay chân, để người bệnh có thể ăn uống bình thường.
3.2 Điều trị bệnh Parkinson bằng các sản phẩm hỗ trợ
Trong một số trường hợp, sử dụng các sản phẩm hỗ trợ bằng đông y hoặc thực phẩm chức năng có thể có tác dụng nhất định với việc chữa bệnh Parkinson. Tuy nhiên các sản phẩm này chưa được chứng minh hiệu quả và không phải người bệnh nào cũng có thể sử dụng, nhất là những người mắc nhiều bệnh lý cùng lúc. Do đó, nếu có ý định dùng các sản phẩm này, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để tránh gặp phải các tác dụng phụ và gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
3.3 Tập luyện phục hồi chức năng
Mục tiêu tập luyện là để chống teo, cứng cơ; mềm dẻo các khớp giúp việc cử động trở nên linh hoạt hơn. Tuy nhiên người bệnh Parkinson cần tập luyện vừa sức, chỉ nên tập các bài tập nhẹ nhàng như tập thở, tập yoga, đi bộ nhẹ nhàng,… Tránh tập luyện quá sức gây phản tác dụng.
Có thể thấy Parkinson là một căn bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Vì thế, khi bản thân hoặc những người thân trong gia đình có biểu hiện bị run tay chân, co cứng cơ, giảm vận động,… thì cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.