“Đến phòng khám phụ khoa kiểm tra tổng quát định kỳ 6 tháng 1 lần” là lời khuyên bác sĩ thường nói với chị em. Sức khỏe phụ khoa là vấn đề vô cùng quan trọng đối với mọi người phụ nữ. Tuy nhiên, ở những lần đầu, nhiều chị em vẫn còn e ngại và lúng túng trong việc thăm khám, không nắm rõ quy trình khám phụ khoa tổng quát gồm những gì.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao cần đến phòng khám phụ khoa định kỳ?
Khám phụ khoa định kỳ là việc làm cần thiết giúp phát hiện sớm và phòng ngừa các bệnh lý phụ khoa nguy hiểm. Thống kê của bộ Y tế năm 2014 cho thấy, 90% phụ nữ mắc bệnh lý về phụ khoa ít nhất 1 lần trong đời. Trong khi đó, rất nhiều bệnh không có triệu chứng trong giai đoạn đầu, nhưng lại dễ biến chứng nguy hiểm. Cách tốt nhất để bảo vệ mình là kiểm tra sức khỏe phụ khoa tổng quát định kỳ, nhằm:
– Phát hiện sớm các bệnh lý như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u vú
– Tầm soát ung thư trong bộ phận sinh dục
– Hiểu rõ thực trạng khả năng mang thai của bản thân và tìm hiểu các biện pháp tránh thai an toàn.
– Điều trị các rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, các vấn đề viêm nhiễm phụ khoa
– Nhận tư vấn về các vấn đề liên quan đến tình dục và sinh sản
Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ nên đi khám phụ khoa ít nhất 6 tháng/lần nếu không có triệu chứng bất thường và 3 tháng/lần nếu đang điều trị bệnh phụ khoa.
2. Những lưu quan trọng trước khi đến phòng khám phụ khoa
Khi đi khám phụ khoa định kỳ, bạn đừng quên chuẩn bị những điều sau đây:
– Mang theo sổ, bút hoặc vật dụng hỗ trợ ghi lại các bất thường của cơ thể (nếu có).
– Nếu đã khám và xét nghiệm trước đó, cần cầm theo sổ khám và kết quả xét nghiệm.
– Trước khi khám phụ khoa, bạn cần kiêng quan hệ tình dục 24 – 48 giờ.
– Không thụt rửa âm đạo trước khi tiến hành thăm khám.
– Nếu đến ngày hành kinh, cần lùi lịch khám qua sau ngày sạch kinh.
– Nên chọn trang phục thoải mái, tiện lợi cho việc thăm khám phụ khoa.
Khám phụ khoa hầu như không phải nhịn ăn sáng. Tuy nhiên, nếu có lưu ý riêng từ phía bệnh viện, bạn nên thực hiện đúng theo hướng dẫn.
3. Quy trình khám phụ khoa tại Khoa Phụ sản, Thu Cúc TCI
Quy trình khám phụ khoa ở Khoa Phụ sản TCI về cơ bản gồm các bước sau đây:
3.1. Khám lâm sàng
Cũng tương tự như khi đến phòng khám phụ khoa khác, bạn sẽ cần chia sẻ với bác sĩ một số thông tin cá nhân và tiền sử bệnh, như là: Tình trạng kinh nguyệt, quan hệ tình dục, các triệu chứng bất thường… Đây là cơ sở để bác sĩ đánh giá tình trạng ban đầu của bạn.
Tiếp theo, bác sĩ sẽ khám vú để phát hiện các bất thường, đặc biệt là khối u (nếu có).
Kế đến là khám phụ khoa. Bước này bao gồm quan sát bên ngoài âm hộ, môi lớn và môi bé, khám bên trong âm đạo với dụng cụ y tế (mỏ vịt) nhằm đánh giá tình trạng thành âm đạo, cổ tử cung. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ dùng tay để kiểm tra tử cung, buồng trứng, xác định bất thường.
3.2. Khám cận lâm sàng
Tùy theo tình trạng thực tế, bạn có thể được chỉ định tiến hành một số xét nghiệm như sau:
– Xét nghiệm Pap smear: Đây là xét nghiệm quan trọng giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Bác sĩ sẽ lấy một lượng nhỏ tế bào từ cổ tử cung để xét nghiệm dưới kính hiển vi. Xét nghiệm này nên được thực hiện định kỳ 3 năm/lần đối với phụ nữ từ 21-65 tuổi.
– Xét nghiệm dịch âm đạo: Xét nghiệm này giúp phát hiện các vi khuẩn, nấm gây viêm nhiễm âm đạo. Bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch âm đạo để nuôi cấy và xác định loại vi khuẩn gây bệnh.
– Xét nghiệm HPV: Xét nghiệm này nhằm xác định có hay không, sự hiện diện của virus HPV trong cơ thể, từ đó có biện pháp theo dõi và điều trị kịp thời, ngăn ngừa virus tấn công, gây ung thư cổ tử cung.
– Xét nghiệm máu: Đây là xét nghiệm kiểm tra hormone, chức năng gan thận, tình trạng thiếu máu và xác minh một số bệnh lây qua đường tình dục…
– Siêu âm phụ khoa: Siêu âm giúp đánh giá tình trạng tử cung, buồng trứng, phát hiện các khối u, nang buồng trứng hoặc dị dạng bẩm sinh. Phương thức siêu âm là dùng đầu dò để phát hiện bệnh lý ở tử cung, phần phụ(nếu đã quan hệ tình dục; siêu âm tử cung, phần phụ (đối với người chưa quan hệ tình dục).
4. Các vấn đề phụ khoa thường gặp
Đa phần các chị em đi khám phụ khoa khi phát hiện các triệu chứng bất thường về khí hư, chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, thực tế, khi đi khám, bác sĩ lại chỉ ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn mà chúng ta có thể đã mắc phải mà chưa biết.
– Viêm âm đạo: Đây là tình trạng phổ biến ở phụ nữ, gây ra các triệu chứng như ngứa, rát, tiết dịch bất thường. Bệnh thường do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng tồn tại bên trong, làm mất cân bằng môi trường âm đạo.
– Viêm cổ tử cung: Viêm cổ tử cung có thể gây ra các triệu chứng như đau khi quan hệ, chảy máu bất thường. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh này có thể dẫn đến tình trạng vô sinh thứ phát.
– U xơ tử cung: Đây là khối u lành tính, âm thầm phát triển trong hoặc trên thành tử cung. U xơ có thể gây ra các triệu chứng thông thường như đau bụng, rối loạn kinh nguyệt. Vì vậy, đa phần chúng ta không cảnh giác, bất ngờ phát hiện bệnh trong quá trình thăm khám định kỳ.
– Nang buồng trứng: Nang buồng trứng là tình trạng phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Hầu hết các nang lành tính và tự biến mất, nhưng một số trường hợp cần được theo dõi và điều trị.
– Rối loạn kinh nguyệt: Bao gồm các vấn đề như kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh dữ dội, rong kinh…, có thể phản ảnh bệnh phụ khoa nghiêm trọng, có liên quan.
Các bác sĩ TCI khuyến cáo, đến phòng khám phụ khoa kiểm tra sức khỏe định kỳ là việc làm cần thiết, chị em phụ nữ nên làm. Chị em nên chủ động thăm khám định kỳ 6 tháng 1 lần hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ (trong trường hợp có bất thường). Khoa Phụ sản TCI hội tụ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa công tác hàng chục năm trong ngành, cùng với các trang thiết bị tiên tiến sẽ đồng hành cùng chị em phát hiện và xử lý sớm các vấn đề phụ khoa, giúp cuộc sống thêm trọn vẹn hơn.