Bệnh suy dinh dưỡng bao gồm tình trạng thừa dinh dưỡng hoặc thiếu dinh dưỡng. Tình trạng thiếu dinh dưỡng có thể dẫn đến giảm cân nặng, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng hoặc thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Trong khi đó, thừa dinh dưỡng có thể dẫn đến thừa cân, béo phì, kèm theo thiếu các vi chất dinh dưỡng thiếu yếu như sắt, kẽm, vitamin D3… Cả hai loại suy dinh dưỡng đều làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người mắc một cách nghiêm trọng nếu không được kiểm soát kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Đôi nét về vấn đề suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể bị thiếu hụt các chất cần thiết cho sự hoạt động và phát triển của cơ thể. Thường thấy nhất là sự thiếu hụt các protein, chất khoáng và các vitamin. Hậu quả của việc suy dinh dưỡng là hoạt động của các cơ quan bị suy giảm do cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng. Việc này ảnh hưởng không tốt đối với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, có nhu cầu về dinh dưỡng cao từ 6 đến 24 tháng tuổi.
Ở trẻ em, suy dinh dưỡng thường gây ra cản trở tăng trưởng cũng như khả năng vận động của trẻ sẽ bị hạn chế. Nếu nặng hơn, bệnh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, trí tuệ cũng như nhiều kỹ năng khác của trẻ. Đồng thời bệnh cũng làm cho trẻ yếu ớt hơn, hay mắc bệnh, nhất là những bệnh liên quan đến sức đề kháng.
Thông thường người ta sẽ đánh giá khả năng suy dinh dưỡng của trẻ thông qua các yếu tố như:
– Tỷ lệ cân nặng trên chiều cao theo giới tính của trẻ
– cân nặng theo độ tuổi, giới tính của trẻ
– Chiều cao của trẻ theo độ tuổi, giới tính
Suy dinh dưỡng ở người lớn thường là đối tượng người cao tuổi hoặc những người trưởng thành mắc các bệnh liên quan đến trao đổi chất, bệnh biếng ăn người lớn,… Đối tượng người lớn nếu bị suy dinh dưỡng thì có thể gặp nhiều biến chứng như hệ miễn dịch bị suy yếu khiến cho họ hay gặp các bệnh liên quan đến truyền nhiễm, khả năng vận động bị hạn chế, rất hay ngã và cần có người chăm sóc.
2. Nguyên nhân triệu chứng của suy dinh dưỡng
2.1. Nguyên nhân gây ra bệnh suy dinh dưỡng là gì?
Theo thống kê, thông thường bệnh sẽ do hoàn cảnh sống gây ra. Cụ thể là: do điều kiện kinh tế kém không đủ điều kiện để ăn đầy đủ chất, do thói quen ăn uống không đúng, thói quen sinh hoạt không lành mạnh cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Suy dinh dưỡng thường do những vấn đề sau gây ra:
– Những nước/khu vực nghèo, kém phát triển nên bữa ăn thường nghèo về số lượng và cả chất lượng, dẫn đến thiếu chất triền miên. Phần lớn người dân, nhất là trẻ em có nguy cơ suy dinh dưỡng cao.
– Suy dinh dinh dưỡng liên quan đến yếu tố tâm thần. Người lớn có thể gặp các vấn đề như trầm cảm, chán ăn, rối loạn ăn uống làm ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của họ. Đối với trẻ em, việc bị ép ăn quá nhiều khiến trẻ sinh ra tâm lý sợ ăn, lâu dần thành chán ăn, bỏ ăn. Sự ám ảnh về thức ăn sẽ khiến cơ thể từ chối hấp thụ nhiều chất, khiến cho trẻ dần dần bị suy dinh dưỡng.
– Nhiều trường hợp trẻ sơ sinh không được bú mẹ thường xuyên và cho ăn dặm quá sớm cũng là nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu bản thân người mẹ bị suy dinh dưỡng hoặc không biết cách cho con bú thì cũng có thể khiến đứa trẻ bị suy dinh dưỡng.
Ngoài ra trẻ có tình trạng miễn dịch kém, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, virus, kí sinh trùng đường ruột như giun, sán,… cũng dễ bị suy dinh dưỡng.
2.2. Triệu chứng bệnh suy dinh dưỡng
Để đánh giá một đứa trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không cần xét đến các chỉ số: cân nặng, chiều cao theo độ tuổi, giới tính và tỉ lệ cân nặng với chiều cao.
Theo từng mức độ và thể suy dinh dưỡng mà trẻ sẽ có các dấu hiệu khác nhau và được phân ra những loại suy dinh dưỡng khác nhau.
Thông thường sẽ chia ra làm 3 thể suy dinh dưỡng ở trẻ như: suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân và gầy còm.
– Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là cân nặng của trẻ thấp hơn so với mức tiêu chuẩn trong cùng độ tuổi và giới tính. Khi đó giá trị cân nặng của trẻ sẽ nằm dưới mức -2SD.
– Suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ là khi chiều cao thấp hơn mức chiều cao tiêu chuẩn của những đứa trẻ cùng giới tính và độ tuổi. Giá trị về chiều của của trẻ sẽ nằm dưới mốc -2SD. Có thể coi đây là thể suy dinh dưỡng mãn tính vì biểu hiện thấp còi là hậu quả của một quá trình suy dinh dưỡng kéo dài, thậm chí có nhiều trường hợp là ngay trong bụng mẹ. Trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi thường mắc các bệnh nhiễm trùng kèm theo.
– Suy dinh dưỡng thể gầy còm là loại cấp tính xảy ra ở thời gian ngắn mới đây. Tỉ lệ chiều cao cân nặng nằm dưới đường biểu diễn -2SD. Trẻ bị thể này thường có cơ và mỡ bị teo đi nhiều.
3. Phòng bệnh suy dinh dưỡng cho trẻ em như thế nào?
Có nhiều biện pháp có thể phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ em như:
– Cho trẻ sơ sinh được bú đủ nguồn sữa mẹ đủ chất. Để làm được điều này, bản thân bà mẹ cũng cần phải ăn uống đầy đủ chất, không nên kiêng khem quá nhiều. Duy trì lượng sữa mẹ cho con bú ít nhất đến 6 tháng tuổi để con được nhận nguồn sữa mẹ nhiều nhất có thể vì sữa mẹ là loại thực phẩm phù hợp nhất đối với hệ tiêu hóa của trẻ, cũng khiến cho trẻ có thể hấp thu được nhiều dưỡng chất nhất.
– Cần cho trẻ sơ sinh ăn đủ cữ trong một ngày và đủ lượng sữa trong một cữ bú.
– Thường xuyên thay đổi các loại thức ăn khác nhau với mùi vị khác nhau để kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn.
– Tăng cường cho trẻ hoạt động, vận động thể chất để kích thích ăn uống hơn.
– Nếu trẻ bị các bệnh lý về tiêu hóa thì cần điều trị triệt để
– Trong trường hợp trẻ bị biếng ăn tâm lý cần ngừng việc ép trẻ ăn và tham khảo các chuyên gia tâm lý để được tư vấn và chữa trị chứng biếng ăn ở trẻ.
– Chia nhỏ các bữa ăn nếu bé ăn nhiều mà không thấy tăng cân.
Trên đây là thông tin về bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em, nếu thấy trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng (trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, chậm tăng chiều cao, da xanh, môi nhợt, ngủ không ngon giấc,…) cha mẹ nên cho trẻ đi khám để được tư vấn dinh dưỡng thích hợp. Hy vọng thông tin trên sẽ hữu ích đối với những bậc cha mẹ đang trên hành trình tìm cách cải thiện vấn đề dinh dưỡng cho trẻ, đảm bảo cho trẻ phát triển đầy đủ cả thể chất và trí tuệ.