Đau nửa đầu trên hay còn gọi là đau đỉnh đầu. Cơn đau có thể nhói ở phía trên đỉnh đầu xong rồi “tan biến”, đau dữ dội ở vùng đỉnh đầu sau đó lan rộng ra cả đầu, nhưng cũng có cơn đau chỉ âm ỉ nhưng kéo dài khiến người bệnh khó chịu. Vậy đau nửa đầu phía trên nguyên nhân do đâu? Những biểu hiện đi kèm? Xử trí và phòng ngừa? Bài viết sẽ giúp bạn giải đáp tất cả những thắc mắc này.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây đau nửa đầu phía trên
Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng đau nửa đầu phía trên như: thời tiết thay đổi (thời tiết chuyển mùa nóng – lạnh hoặc mưa – nắng thất thường), căng thẳng đầu óc (căng thẳng tâm lý, lo lắng, stress, xem tivi hoặc điện thoại nhiều), thiếu ngủ hoặc mất ngủ (ngủ không đủ giấc, thức quá khuya, rối loạn giấc ngủ), môi trường sống quá ồn, dị ứng thuốc,… Bên cạnh đó, có một số bệnh lý gây tình trạng đau đỉnh đầu. Nếu không được thăm khám và điều trị hiệu quả có thể tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
1.1 Rối loạn tiền đình
Tiền đình có vai trò giữ cân thằng cho cơ thể, phối hợp với các bộ phận cử động như mắt, tay, chân, thân mình,..
Khi tiền đình bị rối loạn do một số nguyên nhân như: tắc nghẽn dây thần kinh số 8, động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương, tổn thương ở khu vực tai trong và não, quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin bị rối loạn,… khiến cơ thể mất khả năng giữ thăng bằng (hoa mắt, chóng mặt, đi đứng loạng choạng, ù tai, buồn nôn) và có thể gây tình trạng đau đỉnh đầu hoặc đau đầu.
1.2 Đau đầu vận mạch
Hay còn gọi là đau nửa đầu Migraine – do sự co thắt các mạch máu vùng đầu và vùng sọ não, thái dương. Khi các động mạch này co thắt, khiến lưu lượng máu lên não tạm thời bị giảm. Điều này làm xuất hiện cảm giác đau đầu dữ dội, cơn đau có thể xuất hiện ở đỉnh đầu, vùng thái dương đến trước trán. Cảm giác “giật thon thót” theo nhịp mạch đập. Có thể kèm theo sợ ánh sáng, tiếng động, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn,…
1.3 Thiếu máu não gây đau nửa đầu trên
Là tình trạng lưu lượng máu lên não bị suy giảm hoặc tắc nghẽn do sự hình thành của cục máu đông. Nguyên nhân do xơ vữa động mạch, thoái hóa đốt sống cổ, dị dạng mạch máu não,… khiến lượng máu cung cấp lên não không đủ, gây ra tình trạng: đau đầu (đau đỉnh đầu, đau nửa đầu bên trái hoặc bên phải, đau cả đầu), hoa mắt, chóng mặt, nặng có thể gây liệt chi, lú lẫn, hôn mê, ngất xỉu,.. thậm chí gây đột tử.
1.4 Viêm mũi xoang
Khi xoang bị bít tắc khiến dịch bị ngưng trệ không thoát được ra ngoài, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các xoang. Phản ứng viêm này làm cho các dịch nhầy được tiết ra ngày một nhiều hơn, cơ thể bạn thường có biểu hiện sổ mũi, chảy nước mũi kéo dài. Nếu không được xử trí kịp thời và hiệu quả dịch nhầy bẩn sẽ ứ đọng trong những hốc xoang, tạo áp lực lớn cho xoang, dẫn đến các biểu hiện như đau đầu (đau đỉnh đầu, đau sau gáy hoặc đau cả đầu), đau nhức hốc mắt, đau vùng mặt,…
1.5 Chấn thương vùng đầu
Khi bị va đập hoặc chấn thường do tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt,… khiến các mạch máu, dây thần kinh bên ở vùng đầu bị tổn thương, có những trường hợp va đập mạnh có thể gây tổn thương vùng sọ não. Điều này gây tình trạng đau đầu, thậm chí có thể mất trí nhớ, tai biến mạch máu não,…
1.6 U não
Khối u ở não gây chèn ép các mạch máu và dây thần kinh. Nếu ung thư (u ác tính) có thể xâm chiếm, di căn ra nhiều vùng chèn ép và phá hủy các tế bào não,… Khị bị u não người bệnh thường có biểu hiện đau đầu dữ dội, kéo dài, kèm theo buồn nôn hoặc nôn, cơ thể gầy sút, chóng mặt, suy giảm thị lực, …
2. Những biểu hiện đi kèm đau nửa đầu trên
Hiện tượng đau nửa trên đầu có thể đi kèm với một hoặc nhiều triệu chứng sau:
– Buồn nôn hoặc nôn
– Sợ ánh sáng, tiếng ồn
– Giảm thị lực
– Hoa mắt, chóng mặt
– Mất trí nhớ tạm thời,..
Tùy thuộc vào nguyên nhân, bệnh lý gây đau đỉnh đầu mà những biểu hiện đi kèm ở mỗi người cũng có thể khác nhau.
3. Xử trí cơn đau đỉnh đầu
3.1 Giảm đau bằng thuốc
Nhiều người lựa chọn thuốc giảm đau để nhanh chóng “cắt cơn đau đầu”. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Cơn đau có thể được xoa dịu bởi tác dụng của thuốc nhưng có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu chưa điều trị được dứt điểm nguyên nhân. Hơn nữa, có nhiều bệnh lý mà việc sử dụng thuốc giảm đau chỉ có tác dụng nhất thời. Hết thuốc cơn đau lại tiếp tục tái diễn làm phiền cuộc sống người bệnh. Do đó, muốn điều trị hiệu quả và dứt điểm cần điều trị trúng đích – điều trị nguyên nhân gây ra.
Muốn biết nguyên nhân gây đau nửa đầu là do tác nhân hay bệnh lý nào, bạn cần đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được khám, làm các xét nghiệm, chụp chiếu để chẩn đoán đúng. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.
Tùy thuộc vào từng bệnh lý nhưng biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị nội khoa (sử dụng thuốc). Trong trường hợp thực sự cần thiết các bác sĩ cân thắc các biện pháp can thiệp để cải thiện tình trạng và “diệt tận gốc” nguyên nhân gây đau đỉnh đầu.
3.2 Các biện pháp hỗ trợ điều trị đau nửa đầu trên
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, một số biện pháp sau cũng được các bác sĩ khuyên nên áp dụng để hỗ trợ làm giảm triệu chứng đau như:
– Nghỉ ngơi, thư giãn
– Massage đầu nhẹ nhàng
– Ăn uống hợp lý
– Tập thể dục nhẹ nhàng như thiền, yoga, đi bộ,..
– Tránh lo lắng, căng thẳng
– Ngủ đủ giấc và đúng giờ
– Môi trường sống lành mạnh tránh tiếng ồn
4. Một số biện pháp giúp phòng ngừa đau nửa đầu trên
– Ăn, uống khoa học
– Tập thể dục thường xuyên
– Kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý
– Tránh thức khuya
– Thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên
Những thông tin về bệnh đau nửa đầu trên vừa được cung cấp hi vọng đã giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh này cũng như những biện pháp xử trí và phòng tránh hiệu quả. Các biện pháp này chỉ mang tính tham khảo, có thể thay đổi tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân. Khi có dấu hiệu đau đầu, tốt nhất bạn nên thăm khám tại chuyên khoa nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị sớm.