Đậu mùa và thủy đậu ở trẻ là 2 bệnh khác nhau. Thế nhưng, không ít phụ huynh vẫn nhầm lẫn 2 bệnh thủy đậu và đậu mùa là một. Điều này dẫn đến sai lầm tai hại: áp dụng sai cách điều trị khiến bệnh của bé không khỏi, thậm chí dễ tăng nặng. Do đó, bài viết dưới đây sẽ giúp bố mẹ phân biệt rõ ràng hai bệnh đậu mùa và thủy đậu thường hay gặp ở trẻ nhỏ.
Menu xem nhanh:
1. Những điểm giống và khác nhau cơ bản 2 bệnh đậu mùa và thủy đậu
1.1. Điểm giống nhau
Do có nhiều điểm tương đồng nên 2 bệnh đậu mùa và thủy đậu bị rất nhiều phụ huynh nhầm lẫn là cùng 1 bệnh. Dưới đây là những điểm giống nhau của bệnh thủy đậu và bệnh đậu mùa:
– Triệu chứng mắc bệnh: Trẻ nhỏ khi mắc bệnh thủy đậu hay đậu mùa đều trải qua thời gian ủ rồi mới phát bệnh với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, cơ thể mệt mỏi, chán ăn.. Cùng với đó, các nốt mụn nước sẽ xuất hiện, lớn dần, vỡ ra, khô lại, bong vảy và bé dần hết bệnh.
– Khả năng lây nhiễm: Cả bệnh thủy đậu lẫn đậu mùa đều có khả năng lây nhiễm nhanh chóng và dễ bùng thành dịch. Trẻ có thể dễ dàng bị lây lan hai bệnh này thông qua con đường tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp (dùng chung đồ, chạm vào bề mặt có dính giọt bắn chứa virus gây bệnh…) với người bệnh.
– Biến chứng: Khi mắc 1 trong 2 bệnh này, trẻ nhỏ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới biến chứng nặng. Hệ quả khiến bệnh kéo dài thời gian điều trị, có thể để lại những tổn thương sâu vĩnh viễn trên da bé, kể cả khi đã hết bệnh.
1.2. Điểm khác nhau
Bên cạnh những điểm giống, 2 bệnh thủy đậu và đậu mùa cũng có những điểm khác nhau nhất định. Bố mẹ có thể dựa vào những điểm khác nhau này để phân biệt và nhận biết trẻ đã mắc phải bệnh nào:
– Nguyên nhân gây bệnh: Dù cùng do virus gây ra nhưng tác nhân gây bệnh thủy đậu là do virus Varicella Zoster, còn tác nhân gây bệnh đậu mùa là do virus Variola.
– Thời gian ủ bệnh: Nếu bệnh thủy đậu có thời gian ủ bệnh từ 10 -21 ngày, thì bệnh đậu mùa có thời gian ủ bệnh ngắn hơn, chỉ từ 7-14 ngày.
– Triệu chứng của bệnh: Dù đều có triệu chứng nổi mụn nước nhưng trẻ mắc bệnh thủy đậu sẽ nổi mụn nước to hơn, chứa lượng dịch nhiều hơn, dễ vỡ hơn.
– Mức độ nguy hiểm khi bệnh biến chứng nặng: Nhiều nghiên cứu bệnh đậu mùa có khả năng gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ mắc bệnh cao hơn hẳn bệnh thủy đậu. Trung bình, tỷ lệ gây chết người ở bệnh nhân mắc đậu mùa chiếm khoảng 15 – 20%. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là Tổ chức Y tế Thế giới WHO thống kê từ năm 1978 đến nay, bệnh đậu mùa đã không còn xuất hiện và gần như sẽ không quay trở lại.
– Cách thức chẩn đoán bệnh: Để xác định bệnh thủy đậu ở trẻ, bác sĩ có thể chỉ cần khám lâm sàng và tiến hành xét nghiệm mụn nước. Thế nhưng, muốn xác định bệnh đậu mùa, trẻ cần làm xét nghiệm dịch mụn nước và sự gia tăng số lượng tế bào thông qua việc nuôi cấy mô.
– Vắc xin phòng ngừa bệnh: Bệnh thủy đậu và đậu mùa đều có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm phòng, song vắc xin ngừa 2 bệnh thủy đậu và đậu mùa là khác nhau, thời điểm và cách thức tiêm phòng cũng không giống nhau.
Như vậy, bệnh đậu mùa ngày nay đã được loại bỏ, không xuất hiện trở lại. Thế nhưng, bệnh thủy đậu ở trẻ vẫn diễn ra hàng năm, thậm chí gây nhiều gánh nặng cho xã hội.
Trẻ mắc bệnh thủy đậu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ gây biến chứng khôn lường như: viêm tai. viêm thanh quản, viêm phổi, viêm não… Vì thế, bố mẹ khi thấy con xuất hiện triệu chứng nghi mắc thủy đậu không được chủ quan, hãy cho bé điều trị bệnh đúng cách, càng sớm càng tốt.
2. Hướng dẫn cách điều trị bệnh thủy đậu cho trẻ an toàn, hiệu quả
Khi nhà có trẻ nghi mắc bệnh thủy đậu, bố mẹ có thể tham khảo hướng dẫn điều trị dưới đây để bệnh của con chóng khỏe, ngăn ngừa tối đa biến chứng có thể xảy ra:
2.1. Cho trẻ nghi mắc thủy đậu khi khám bác sĩ
Trẻ khi mắc thủy đậu đều sẽ phải trải qua 4 giai đoạn: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và phục hồi. Trong giai đoạn ủ bệnh, khả năng phát hiện bệnh là không thể xảy ra, vì trẻ thủy đậu sẽ không xuất hiện bất cứ triệu chứng bất thường nào. Ở giai đoạn khởi phát, trẻ mắc thủy đậu sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, chán ăn rồi phát ban ở cuối giai đoạn này. Sau đó, giai đoạn toàn phát sẽ đến rất nhanh, chỉ 1,2 ngày sau, các triệu chứng xuất hiện nhiều rõ ràng kèm theo nguy cơ nhiễm trùng, bội nhiễm, biến chứng nặng cao. Do đó, để hạn chế tối đa nguy bệnh tăng nặng gây biến chứng nguy hiểm, bố mẹ nên cho bé nghi mắc thủy đậu đi khám sớm, từ giai đoạn bệnh khởi phát.
Tại các cơ sở y tế uy tín, trẻ nghi mắc thủy đậu sẽ được bác sĩ chẩn đoán bệnh, lên phác đồ điều trị phù hợp dựa vào tình trạng bệnh và thể trạng của trẻ. Nhờ đó, hiệu quả điều trị mang lại sẽ cao hơn và an toàn hơn khi bố mẹ tự điều trị bệnh cho con bằng kinh nghiệm của bản thân mình.
2.2. Đảm bảo cho trẻ mắc thủy đậu tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ
Sau khi đã được khám khám bệnh và chỉ định phác đồ điều trị phù hợp, bố mẹ hãy đảm bảo cho trẻ mắc thủy đậu tuân thủ uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ. Trẻ cần được uống thuốc đúng liều và đủ ngày để bệnh chóng khỏi, cơ thể trẻ được hồi phục tốt nhất.
Các nốt mụn nước gây ngứa nhiều, do đó bố mẹ hay người chăm sóc cần luôn ở bên con, kiểm soát để bé không gãi gây vỡ nốt mụn nước và xảy ra bội nhiễm. Khi nốt mụn nước đến giai đoạn vỡ ra và dần khô lại, bố mẹ hãy bôi xanh methylen vào các nốt mụn nước của bé. Mục đích để sát khuẩn, sát trùng và giúp nốt mụn nước nhanh khô hơn, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng có thể xảy ra.
Lưu ý rằng, trong thời gian mắc thủy đậu, trẻ cần được bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng đẩy lùi bệnh và giúp cơ thể chóng hồi phục. Do đó, bố mẹ chỉ nên cho trẻ kiêng những thức ăn được bác sĩ khuyến cáo. Các bữa ăn của trẻ nên được bổ sung đầy đủ cả 4 nhóm chất: chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất.
Như vậy, bài viết trên đây phân biệt rõ ràng 2 bệnh đậu mùa và thủy đậu ở trẻ, đồng thời gợi ý tới bố mẹ cách điều trị bệnh thủy đậu cho trẻ hiệu quả, an toàn. Hy vọng bài viết đã mang tới bố mẹ những thông tin hữu ích.