Âm đạo bị viêm là bệnh lý phụ khoa phổ biến có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và gây ra cho người bệnh nhiều triệu chứng khó chịu. Bệnh viêm âm đạo có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau nên cách điều trị cũng khác nhau. Trong bài viết này Thu Cúc TCI sẽ gửi đến bạn thông tin về dấu hiệu nhận biết bệnh viêm âm đạo, nguyên nhân và cách điều trị phù hợp.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu nhận biết tình trạng âm đạo bị viêm
Dấu hiệu nhận biết viêm âm đạo dễ thấy nhất là chảy dịch âm đạo. Bạn cần phân biệt được giữa dịch âm đạo bình thường và dịch âm đạo bất thường để dễ dàng nhận biết triệu chứng.
Khí hư âm đạo bình thường có màu trắng sữa hoặc nhầy, không có mùi, không kích ứng, không gây ngứa, có thể dẫn đến tình trạng âm đạo ẩm ướt hoặc ẩm đồ lót.
Khí hư âm đạo bất thường do âm đạo bị viêm thường có màu lạ (trắng xám, trắng như phô mai, vàng xanh,…) mùi lạ (hôi, tanh,…), lượng dịch tiết ra nhiều (loãng hoặc đặc, có trường hợp có cả bọt khí li ti,..), đồng thời đi kèm các triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu, ban đỏ, đôi khi cảm giác bỏng, đau, rát, chảy máu nhẹ.
2. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm ở âm đạo
Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm âm đạo thay đổi theo độ tuổi của bệnh nhân.
2.1 Đối với trẻ em
Nguyên nhân dẫn đến viêm âm đạo thường liên quan đến hệ vi khuẩn ở đường tiêu hóa.
Với các bé gái từ 2 đến 6 tuổi một số yếu tố góp phần gây ra bệnh viêm âm đạo thường là được vệ sinh âm đạo không đúng cách (lau từ phía sau ra phía trước sau khi đi ngoài, không rửa tay sau khi đi ngoài, gãi khi ngứa,… )
Ngoài ra trẻ bị viêm âm đạo có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân khác như:
– Hóa chất tạo bọt có trong xà phòng gây viêm
– Tiếp xúc với vật thể lạ (khăn giấy, khăn ướt,…)
– Viêm nhiễm do một mầm bệnh cụ thể: Streptococci, Staphylococci, Candida sp; đôi khi, giun kim,…
– Lạm dụng tình dục cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, bao gồm cả viêm âm đạo do trichomonas ở trẻ em.
2.2 Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
Viêm âm đạo trong độ tuổi sinh đẻ nguyên nhân thường do nhiễm trùng, phổ biến nhất là:
– Viêm âm đạo do vi khuẩn: Dịch tiết âm đạo có màu xám, mỏng, mùi tanh, không đau khi quan hệ tình dục, không thường xuyên ngứa và kích ứng.
– Viêm âm đạo do nấm Candida: Dịch tiết âm đạo có màu trắng, đặc, ngứa, kích thích, đôi khi có hoặc không có cảm giác bỏng, có thể bị đau khi quan hệ tình dục.
– Viêm âm đạo Trichomonal, lây truyền qua đường tình dục: Dịch âm đạo ra nhiều, sủi bọt, mùi tanh, màu xanh vàng, đi tiểu buốt, đau khi quan hệ, ban đỏ.
Các yếu tố có xu hướng làm tăng mầm bệnh và gây lên tình trạng nhiễm khuẩn cho âm đạo ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ có thể là:
– Độ pH âm đạo bị kiềm hóa do máu kinh nguyệt, do tinh dịch hoặc lợi khuẩn lactobacilli bị giảm.
– Vệ sinh không đúng, kém vệ sinh.
– Thụt rửa thường xuyên.
– Do vật thể lạ (tampon, bao cao su,..).
Trường hợp viêm âm đạo đơn thuần, không do nhiễm khuẩn là không thường gặp.
2.3. Đối với phụ nữ sau mãn kinh
Âm đạo bị viêm ở độ tuổi mãn kinh thường do nồng độ estrogen trong cơ thể bị giảm đi đáng kể, dẫn đến tình trạng thành âm đạo bị mỏng và làm tăng khả năng bị nhiễm trùng.
Nguyên nhân dẫn đến estrogen bị giảm có thể do:
– Một số phương pháp điều trị như phẫu thuật cắt buồng trứng, chiếu xạ vùng chậu, một số loại thuốc hóa chất,…
– Thay đổi nội tiết tố thời kỳ mãn kinh dẫn đến độ pH âm đạo kiềm hơn, vi khuẩn gây bệnh âm đạo phát triển quá mức.
– Viêm teo âm đạo.
– Vệ sinh kém ở những bệnh nhân không tự chủ hoặc nằm lâu.
Âm đạo bị viêm do vi khuẩn, do nấm candida, do trichomonal thường không phổ biến ở phụ nữ độ tuổi sau mãn kinh nhưng có thể xảy ra ở những người có các yếu tố nguy cơ cao.
3. Cách điều trị âm đạo bị viêm
Cách điều trị viêm âm đạo được chỉ định dựa trên nguyên nhân và triệu chứng bệnh. Dưới đây là những phương pháp phổ biến được sử dụng để điều trị những tình trạng viêm âm đạo thường gặp.
– Với viêm âm đạo do vi khuẩn: Người bệnh có thể sẽ được bác sĩ chỉ định cho dùng thuốc viên dùng đường uống metronidazole, sử dụng gel metronidazole hoặc sử dụng kem bôi clindamycin.
– Với viêm âm đạo do nhiễm trùng nấm men Candida: Người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc bôi hoặc những loại kem chống nấm không kê đơn (chẳng hạn như clotrimazole, butoconazole, miconazole hoặc tioconazole,..). Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê toa cho người bệnh sử dụng thuốc kháng nấm (chẳng hạn như fluconazole).
– Với viêm âm đạo do trichomonas: Trường hợp này thường bác sĩ sẽ chỉ định dùng metronidazole hoặc tinidazole đường uống. Bệnh cần được điều trị kết hợp với cả bạn tình để tránh lây truyền qua đường tình dục, tái đi tái lại nhiều lần.
Ngoài ra, người bệnh cần chú ý đến những vấn đề dưới đây để tình trạng nhanh chóng được cải thiện và tránh tái nhiễm:
– Âm đạo nên được giữ càng sạch càng tốt, hạn chế sử dụng những chế phẩm không cần thiết (như thuốc xịt vệ sinh,..).
– Có thể sử dụng túi đá lạnh hoặc bồn tắm nước ấm để giúp làm giảm các triệu chứng đau và ngứa.
– Trẻ em bị viêm âm đạo cần được chăm sóc tầng sinh môn tốt, lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh, rửa tay, tránh sờ vào tầng sinh môn.
– Người bị viêm âm đạo do nằm nhiều hoặc đi vệ sinh không tự chủ, vệ sinh tốt có thể là cách tốt giúp giảm triệu chứng.
Trên đây là những thông tin về dấu hiệu nhận biết tình trạng âm đạo bị viêm nguyên nhân và cách điều trị. Những thông tin chia sẻ về viêm âm đạo mang tính chất tham khảo, khi cơ thể có triệu chứng bất thường, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và nhận chỉ định điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
Nếu có bất cứ câu hỏi nào liên quan đến viêm âm đạo cũng như các bệnh lý phụ khoa khác. Bạn có thể liên hệ ngay với Thu Cúc TCI để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.