Tai biến mạch máu não là bệnh lý cấp tính có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người. Điều đáng nói, tình trạng này đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ. Vậy, tai biến mạch máu não ở người trẻ có những dấu hiệu cảnh báo nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ những thông tin hữu ích về căn bệnh tai biến, từ đó có cách xử lý kịp thời và đúng cách.
Menu xem nhanh:
1. Tai biến ở người trẻ và những điều cần biết
Tai biến mạch máu não thường xảy ra khi mạch máu não bị vỡ hoặc tắc nghẽn. Lúc này, não bộ sẽ không đủ oxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào. Do đó chỉ sau vài phút sẽ xảy ra hiện tượng tế bào não ngừng hoạt động và chết dần. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong ngay lập tức.
Trong những năm gần đây, bệnh lý này đang có xu hướng gia tăng ở những người trẻ tuổi. Thống kê của Tổ chức Đột quỵ tại Mỹ cho biết, có khoảng 15% người mắc tai biến có độ tuổi dao động từ 18 – 45 tuổi.
Cơn tai biến ở người trẻ bao gồm:
– Tai biến do thiếu máu não cục bộ: Chiếm khoảng 85%, xảy ra khi cục máu đông xuất phát từ tim di chuyển lên não hoặc lượng cholesterol tích tụ làm ngưng trệ quá trình cung cấp máu tới não.
– Tai biến do xuất huyết: Tình trạng này chỉ chiếm 15% số người mắc nhưng nguy cơ khiến người bệnh tử vong thường rất cao. Tai biến do xuất huyết xảy ra khi thành động mạch bị xơ cứng, có vết nứt và làm rò rỉ máu ra ngoài, từ đó dẫn đến hiện tượng xuất huyết não.
– Tai biến do thiếu máu não thoáng qua: Xảy ra khi lượng máu cung cấp lên não bị suy giảm đột ngột. Trong một thời gian ngắn, người bệnh sẽ thấy xuất hiện những triệu chứng bất thường, đây là dấu hiệu cảnh báo cơn tai biến không nên chủ quan.
2. Dấu hiệu cảnh báo cơn tai biến ở người trẻ
Cơn tai biến ở người trẻ thường xuất hiện đột ngột và ít có khả năng liên quan tới các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường… Đây cũng là lý do khiến người trẻ có thái độ chủ quan, thờ ơ với những dấu hiệu cảnh báo sớm. Tuy nhiên, điều người bệnh cần biết đó là tế bào não sẽ mất khả khả năng hồi phục chỉ sau khoảng 6 phút thiếu oxy. Với một cơ quan đầu não bị mất chức năng thì chắc chắn các hoạt động sống còn lại đều bị rối loạn. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, cuộc sống và tâm lý của những người trẻ tuổi.
Những dấu hiệu cảnh báo cơn tai biến ở người trẻ bao gồm:
2.1 Thường xuyên đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi
Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi là những triệu chứng xuất hiện đầu tiên ở người bị tai biến. Vốn không phải là triệu chứng đặc trưng hay quan trọng nhất nhưng đây lại là dấu hiệu chính giúp nhận biết sớm cơn tai biến mạch máu não.
Đối với bệnh tai biến mạch máu não, các triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột, không liên quan tới việc gắng sức hay tính chất công việc. Đặc biệt, tình trạng đau đầu có thể diễn ra ở mọi thời điểm, thậm chí ngay trong khi người bệnh đang nghỉ ngơi.
Ngoài ra, các dấu hiệu này thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như rối loạn tiền đình, thiếu máu lên não… Vì vậy, người bệnh cần chú ý theo dõi để phát hiện và xử trí kịp thời cơn tai biến mạch máu não.
2.2 Rối loạn cảm giác vận động là một trong những dấu hiệu tai biến mạch máu não ở người trẻ
Nếu người bệnh xảy ra rối loạn cảm giác vận động như liệt nhẹ nửa người, hạn chế vận động, thất diều… thì nguy cơ dẫn tới tai biến mạch máu não là rất cao. Nếu là cơn thiếu máu não thoáng qua, các triệu chứng rối loạn vận động thường sẽ tự hồi phục hoàn toàn sau khoảng 5 – 10 phút. Tuy nhiên, nếu thiếu máu cục bộ hình thành, tình trạng này có thể để lại những di chứng suốt đời. Theo một số nghiên cứu, có tới 92% người bệnh tai biến mạch máu não gặp phải di chứng này.
2.3 Rối loạn ngôn ngữ
Tai biến là một trong số ít những nguyên nhân gây ảnh hưởng nặng nề tới khả năng ngôn ngữ của người bệnh. Ở người trẻ, chỉ cần xuất hiện cảm giác khó nói hay không thể diễn đạt các nội dung bằng lời nói thì có thể coi mức độ tai biến là tương đối nặng.
2.4 Dấu hiệu tai biến mạch máu não ở người trẻ thể hiện qua suy giảm trí nhớ
Đây là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất ở người trẻ. Bởi sự thay đổi về trí nhớ sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng công việc và cuộc sống.
Hay quên, thường lẫn lộn các vấn đề với nhau… là những dấu hiệu thường gặp của suy giảm trí nhớ mà người bệnh có thể gặp phải. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự thiếu hụt máu và lượng oxy nuôi dưỡng khiến các tế bào não hoạt động chậm và kém dần.
2.5 Rối loạn cảm giác
Rối loạn cảm giác ở tay chân như tê bì hay bị châm chích, kiến bò là một dấu hiệu nhận biết tai biến theo thang điểm FAST mà tổ chức y tế thế giới khuyến cáo. Nếu rối loạn cảm giác ở tay chân diễn ra thường xuyên mà không liên quan tới các yếu tố tác động khác như thời tiết, dị nguyên… thì người bệnh cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế.
2.6 Nhìn mờ hoặc bị mù tạm thời
Việc máu không thể lưu thông bình thường rất dễ khiến não bị thiếu oxy và dưỡng chất cần thiết. Khi đó, các mạch máu cũng như dây thần kinh tại các khu vực trên cơ thể không hoạt động bình thường làm mạch máu, cơ mắt bị tổn thương và dẫn tới suy giảm thị lực rõ rệt.
Trong một số trường hợp, các vùng tổn thương não đã hình thành có thể xuất hiệu dấu hiệu mù tạm thời một bên mắt. Thường triệu chứng này có liên quan nhiều tới tình trạng thiếu máu não cục bộ thoáng qua.
3. Cần làm gì để phòng ngừa tai biến ở người trẻ?
Với tâm lý chủ quan, ít quan tâm tới sức khỏe nên tỷ lệ người trẻ mắc tai biến đang ngày càng gia tăng. Để phòng ngừa bệnh lý cấp tính này, nên điều chỉnh lối sống sinh hoạt và ăn uống hợp lý, cụ thể đó là:
– Hình thành thói quen lành mạnh, ăn uống đúng giờ và ngủ đủ giấc.
– Duy trì thời gian nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế tình trạng stress, áp lực công việc.
– Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao phù hợp với thể trạng.
– Uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và hạn chế các loại đồ ăn nhiều dầu nhỡ như nội tạng, đồ ăn nhanh…
– Từ bỏ thói quen hút thuốc, sử dụng thức uống có cồn hay các chất kích thích khác.
– Luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ để giảm bớt áp lực và căng thẳng trong cuộc sống.
– Thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ, đồng thời thực hiện các xét nghiệm cần thiết để kiểm soát các chỉ số về nhịp tim, huyết áp, lượng đường và mỡ trong máu.
Tai biến mạch máu não ở người trẻ có thể xảy ra bất cứ khi nào, do đó người bệnh nên áp dụng các phương pháp phòng ngừa trên để hạn chế tối đa nguy cơ gây hại đến sức khỏe. Bên cạnh đó, khi thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường như méo miệng, tê liệt chân tay… cần nhanh chóng đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.