Tích lũy từ đầu năm đến cuối tuần 39/2023, cả nước ghi nhận 100.210 trường hợp mắc tay chân miệng, so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 91,6%. Dấu hiệu bị tay chân miệng ở trẻ tương đối giống thủy đậu. Vậy, làm thế nào để phân biệt 2 bệnh truyền nhiễm cấp tính này? Nếu đây là vấn đề bố mẹ quan tâm, đọc ngay bài viết sau của Thu Cúc TCI để biết câu trả lời, bố mẹ nhé!
Tay chân miệng và thủy đậu đều là bệnh truyền nhiễm cấp tính phát sinh do virus. 2 bệnh này dễ lây và dễ bùng phát thành dịch. Trẻ có thể mắc tay chân miệng và thủy đậu khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc sinh hoạt trong môi trường chứa mầm bệnh. Về cơ bản, cả hai đều lành tính. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, chúng vẫn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng rất nguy hiểm. Chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng và trẻ mắc thủy đậu có một số khác biệt. Chính vì vậy, nhận biết chính xác chúng là vô cùng cần thiết. Điều đáng nói ở đây là biểu hiện của 2 bệnh truyền nhiễm cấp tính này nhìn thoáng qua thì có một số điểm tương đồng, rất dễ gây nhầm lẫn. Ví dụ như cả 2 đều có chung triệu chứng là các sang thương da. Bởi thế, bố mẹ cần hết sức chú ý những khác biệt chi tiết dưới đây, để phân biệt rõ ràng tay chân miệng và thủy đậu.
Menu xem nhanh:
1. Thời điểm bùng phát
Thủy đậu xuất hiện rải rác quanh năm với cao điểm là mùa đông – xuân. Trong khi đó, tay chân miệng có hai đỉnh dịch là tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 11.
2. Độ tuổi của đối tượng nguy cơ cao
Thủy đậu xuất hiện ở đa lứa tuổi, tuy nhiên, đối tượng mắc thủy đậu phổ biến nhất là trẻ em từ 1 – 14 tuổi (chiếm 90% trong tổng số trường hợp mắc thủy đậu). Tay chân miệng xuất hiện tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tuổi.
3. Phương thức lây nhiễm
Cả thủy đậu và tay chân miệng đều lây qua tiếp xúc hoặc gián tiếp với dịch mũi, dịch họng, dịch phỏng nước của người bệnh. Tuy nhiên, với tay chân miệng, trẻ còn có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc với phân người bệnh.
4. Phân biệt dấu hiệu bị tay chân miệng ở trẻ, phân biệt với thủy đậu
Ngoài sang thương da dạng phỏng nước và sốt – là hai trong số các triệu chứng phổ biến của thủy đậu, trẻ mắc tay chân miệng còn có thể đau họng, tiêu chảy,… Bệnh cạnh đó, quan sát cẩn thận, chúng ta cũng sẽ thấy một số điểm khác biệt giữa sang thương da do bệnh truyền nhiễm tay chân miệng và sang thương da do bệnh truyền nhiễm thủy đậu.
– Sang thương da do thủy đậu: Có kích thước từ 5 – 10 mm. Sang thương tồn tại dưới nhiều hình thái như ban đỏ, nốt sần, phỏng nước trong, phỏng nước đục, nốt có vảy. Chúng mọc đồng đều trên toàn thân và gây cảm giác đau, ngứa, khó chịu.
– Sang thương da do tay chân miệng: Có kích thước nhỏ hơn sang thương thủy đậu, chỉ từ 2 – 3 mm, hình bầu dục và chỉ mọc ở một số vị trí đặc thù trên cơ thể. Ở môi, lợi, lưỡi, má trong, họng, sang thương dễ vỡ, tạo thành các vết loét, gây đau, làm trẻ tăng tiết nước bọt, biếng ăn, lười bú, quấy khóc. Còn ở lòng bàn tay, mông, đầu gối, lòng bàn chân, chúng không đau, không ngứa, ít vỡ và sẽ teo lại và biến mất sau 7 – 10 ngày.
Sang thương của cả thủy đậu và tay chân miệng đều không để lại sẹo, vết thâm, trừ trường hợp chúng bội nhiễm. Lúc này, sang thương do thủy đậu để lại sẹo lõm còn sang thương do tay chân miệng để lại vết thâm.
Phân biệt rõ ràng tay chân miệng – thủy đậu và chăm sóc theo chế độ phù hợp, sau khoảng 1 tuần, trẻ sẽ hồi phục. Tuy nhiên, dự phòng tay chân miệng và thủy đậu không khó, nên tốt nhất là bố mẹ nên chú ý đến các vấn đề sau, để hạn chế nguy cơ trẻ mắc bệnh:
– Trẻ và gia đình cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và cho trẻ đi vệ sinh,…
– Giữ gìn vệ sinh không gian sống và đồ đạc sinh hoạt: Đồ chơi, vật dụng trẻ hay cầm, nắm phải thường xuyên được vệ sinh bằng xà phòng/dung dịch diệt khuẩn. Sàn nhà nên được lau mỗi ngày bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác thường xuyên.
– Hạn chế cho trẻ đến nơi công cộng trong thời điểm dịch bùng phát; hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, nếu cần tiếp xúc phải cho trẻ đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng sau đó.
– Riêng đối với thủy đậu: Hiện tại, thủy đậu đã có vắc xin. Bố mẹ cần tiêm đầy đủ vắc xin thủy đậu cho trẻ.
Tóm lại, hai bệnh truyền nhiễm tay chân miệng và thủy đậu rất dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên, nếu chú ý quan sát, bố mẹ hoàn toàn có thể phân biệt hai bệnh truyền nhiễm cấp tính phát sinh do virus này. Đơn giản nhất là hãy dựa vào sự khác nhau trong triệu chứng của chúng. Cụ thể, thủy đậu không có sang thương niêm mạc còn tay chân miệng thì có. Sang thương da của tay chân miệng chủ yếu tập trung ở lòng bàn tay, mông, đầu gối, lòng bàn chân. Và trong hầu hết các trường hợp, chúng tồn tại dưới dạng phỏng nước. Sang thương da của thủy đậu thì phân bố rải rác trên khắp cơ thể. Chúng cũng tồn tại dưới nhiều dạng như ban đỏ, nốt sần, phỏng nước trong, phỏng nước đục, nốt có vảy; thay vì chỉ một dạng như sang thương da của tay chân miệng. Nếu nhiễm trùng, sang thương da của tay chân miệng sẽ để lại vết thâm còn sang thương da của thủy đậu sẽ để lại sẹo. Để dự phòng hai bệnh truyền nhiễm cấp tính này, quan trọng nhất là bố mẹ phải giữ gìn vệ sinh cho trẻ. Riêng đối với thủy đậu, bố mẹ có thể dự phòng đặc hiệu bằng cách tiêm vắc xin.
Phía trên là dấu hiệu bị tay chân miệng ở trẻ, phân biệt với dấu hiệu bị thủy đậu. Để biết thêm các thông tin khác về 2 bệnh truyền nhiễm cấp tính này, liên hệ ngay Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!