Menu xem nhanh:
1. Những bệnh có thể gây triệu chứng đau đầu sốt
1.1 Viêm họng
Viêm họng gồm nhiều thể: viêm họng cấp tính, viêm họng mạn tính, viêm họng xung huyết, viêm họng giả mạc, viêm họng do liên cầu khuẩn. Các thể viêm họng này thường đi kèm các triệu chứng ho, sốt, có thể có đau đầu. Đặt biệt là trường hợp viêm họng cấp tính, người bệnh có thể đau đầu sốt cao khoảng 39 độ C kèm theo một số biểu hiện khác như đau rát họng, khàn tiếng, chóng mặt, ho có đờm rãi.
1.2 Viêm màng não
Đây là loại bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và xử trí hiệu quả có thể dẫn tới tử vong. Viêm màng não gây sốt và đau đầu, thậm chí bệnh gây đau đầu nghiêm trọng và sốt rất cao. Theo các chuyên gia, một cơn đau đầu dạng đáng lo ngại thường đi kèm sốt. Điều này có thể cảnh báo nhiễm trùng não, giống như bệnh viêm màng não. Nếu cơn đau và sốt đi kèm trạng thái tinh thần không ổn định như không thể nhớ con cái, có hành động khác thường,… bệnh nhân cần phải được đưa đi cấp cứu ngay.
Đau đầu do viêm màng não thường dữ dội, chóng mặt, sợ âm thanh và ánh sáng, uống thuốc giảm đau không đỡ, cổ cứng, nôn, sốt cao. Đây là dạng bệnh thường xảy ra ở trẻ em, bệnh khởi phát nhanh và khó phát hiện do trẻ em thường không biết diễn tả bệnh của mình. Viêm màng não là bệnh do virus, vi khuẩn gây ra. Nếu do virus gây nên thì bệnh có thể hồi phục trong vòng vài ngày, còn nếu là vi khuẩn gây nên thì sức khỏe bệnh nhân có thể diễn tiến trầm trọng và khả năng tử vong cao. Hiện nay đã có vắc-xin phòng ngừa một số loại viêm màng não, bạn nên tiêm phòng đẩy đủ ngay từ khi còn bé, bên cạnh đó vẫn cần phải chú ý chăm sóc sức khỏe, không được chủ quan.
1.3 Cúm gây đau đầu sốt
Cúm cũng rất nguy hiểm, có thể dẫn tới các biến chứng như viêm cơ tim, thậm chí tử vong. Biểu hiện của người nhiễm cúm là sốt cao (39-40 độ C), đau đầu (thường gặp), đau mỏi cơ, đau họng, chảy nước mũi, ho (trung bình đến nặng). Rất nhiều chủng virus cúm biến đổi hàng năm, do đó các chuyên gia khuyên bạn nên tiêm phòng vắc xin cúm mỗi năm 1 lần. Khi có biểu hiện nêu trên bạn nên đi khám chuyên khoa hô hấp để được bác sĩ kiểm tra và điều trị hiệu quả.
1.4 Sốt virus
Hay còn gọi là sốt siêu vi. Người bệnh thường sốt vừa đến sốt cao 39-41 độ C, đau đầu, đau nhức mỏi toàn thân, đau nhức mắt, ngạt mũi khó thở, nổi mẩn đỏ trên da. Khi có biểu hiện này người bệnh cần đi khám ngay, lưu ý bổ sung nước để tránh sốt quá cao dễ khiến cơ thể mất nước gây nguy hiểm.
1.5 Sốt xuất huyết gây đau đầu sốt cao
Bệnh do virus Dengue gây ra, bệnh lây qua vật trung gian là muỗi vằn chứa virus và đốt người lành. Bệnh xuất hiện theo 3 giai đoạn. Đau đầu sốt là 2 trong số các triệu chứng của bệnh này trong giai đoạn đầu mắc bệnh (giai đoạn khởi phát). Giai đoạn này thường diễn ra trong 3 ngày đầu của quá trình bệnh lý. Bệnh nhân xuất hiện sốt cao đột ngột 39-40 độ C, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức hốc mắt, đau người, có thể có viêm long đường hô hấp trên. Các triệu chứng khá giống với sốt virus.
Ngoài ra đau đầu kèm sốt, từ mức độ nhẹ đến vừa và sốt cao có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác nữa như: viêm amidan, viêm thanh quản,… Ngay khi có biểu hiện này, bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám với bác sĩ và lắng nghe những tư vấn hữu ích của bác sĩ về việc sử dụng thuốc, chế độ ăn, uống và nghỉ ngơi giúp cơ thể phục hồi, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
2. Hỗ trợ điều trị viêm màng não – căn bệnh nguy hiểm nhất gây đau đầu sốt
Đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi có các dấu hiệu bất ổn là giải pháp tốt nhất để tránh cho người bệnh gặp biến chứng xấu. Khi thăm khám, bác sĩ thường kết hợp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và có phương pháp hỗ trợ điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh sớm.
– Với bệnh nhân nghi ngờ bị viêm mang não mủ, cần được nhanh chóng soi đáy mắt, chọc ống sống thắt lưng lấy dịch não tuỷ nhuộm, soi trực tiếp và nuôi cấy vi khuẩn ngay. Sau đó cần dùng kháng sinh sớm.
– Chọn kháng sinh thích hợp với mầm bệnh và theo kháng sinh đồ. Khi chưa rõ mầm bệnh, cần chọn kháng sinh có phổ tác dụng rộng. Nên chọn loại kháng sinh ngấm tốt qua màng não. Nếu kháng sinh khuyếch tán kém vào màng não, nhưng nhạy với mầm bệnh thì phải dùng liều cao. Để có hiệu quả tốt, nên dùng kháng sinh theo đường truyền tĩnh mạch, không nên đưa thuốc trực tiếp vào ống sống.
– Tuỳ thuộc vào cơ địa của bệnh nhân, tình hình kháng thuốc tại địa phương, kinh nghiệm của bác sĩ sẽ có lựa chọn kháng sinh theo từng trường hợp đẻ có cách hỗ trợ điều trị hiệu quả…
3. Cách điều trị sốt xuất huyết
Đây là một bệnh do virus gây ra nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và kết hợp chế độ ăn uống nghỉ ngơi:
– Nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại.
– Thực hiện các phương pháp hạ sốt theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ: Khi sốt < 38,5 độ C sử dụng các phương pháp vật lý như chườm bằng nước ấm vào các vùng trán, nách, bẹn. Khi sốt từ 38,5 độ C trở lên bệnh nhân cần được chườm ấm kết hợp với thuốc theo đơn do bác sĩ kê. Chú ý nếu trẻ có tiền co giật nên sử dụng thuốc khi trẻ sốt từ 38 độ C.
– Bù nước và điện giải: Uống nhiều nước, dùng các loại dung dịch chuyên dùng để bù nước và điện giải.
– Ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu, bổ sung vitamin C bằng các loại trái cây, nên ép thành nước để uống.
– Theo dõi tiến triển bệnh thường xuyên: nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng nặng sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt, li bì, lơ mơ, nôn nhiều không uống được, đau bụng nhiều, xuất huyết bất thường như đi ngoài phân đen, nôn ra máu, băng kinh, chảy máu cam, chảy máu chân răng không cầm được…, cần được đưa đến ngay các cơ sở y tế để được hỗ trợ điều trị kịp thời, tránh biến chứng.
Ngoài ra để tìm hiểu các bệnh lý khác gây đau đầu sốt và cách điều trị các bệnh lý này tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại tư vấn hoặc hotline bên dưới để được tư vấn và đặt lịch khám cùng đội ngũ chuyên gia hàng đầu, nhiều năm kinh nghiệm tại Thu Cúc TCI.