Đặt ống sonde JJ là một là một trong những bước quan trọng cho người bệnh trong điều trị sỏi tiết niệu. Hãy cùng tìm hiểu kỹ về quá trình đặt ống sonde JJ niệu quản được sử dụng khi nào, mang đến lợi ích gì cho người bệnh, và những lưu ý về tác dụng phụ cùng cách cải thiện những triệu chứng có thể gặp phải nhé.
Menu xem nhanh:
1. Chỉ định đặt sonde JJ trong điều trị sỏi tiết niệu
– Đặt sonde JJ trước tán sỏi để giải quyết tạm thời tắc nghẽn, đảm bảo lưu thông dòng chảy nước tiểu từ thận xuống bàng quang ngay cả khi có vấn đề tắc nghẽn.
– Đặt sonde JJ trước tán sỏi nội soi ngược dòng để nong rộng niệu quản, tạo thuận lợi cho máy nội soi đi vào được niệu quản tiếp cận sỏi.
– Đặt sonde JJ sau điều trị ngoại khoa sỏi thận, niệu quản, là một bước bắt buộc cho người bệnh trong quy trình này.
2. Mục đích đặt sonde JJ trong điều trị sỏi tiết niệu
Đặt sonde JJ niệu quản có nhiều mục đích khác nhau:
– Giải quyết kịp thời tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu.
– Nong rộng niệu quản để phục vụ cho các bước tiếp theo trong quá trình tán sỏi.
– Giúp cặn sỏi, vụn sỏi nhanh chóng theo dòng nước tiểu ra ngoài sau tán sỏi.
– Bảo vệ niệu quản, giúp niệu quản phục hồi những tổn thương do viên sỏi gây ra.
– Dự phòng hẹp niệu quản sau khi có những can thiệp điều trị ngoại khoa sỏi thận, niệu quản.
3. Một số tác dụng phụ gây ra bởi sonde JJ và cách cải thiện
Khi sonde JJ được đặt vào niệu quản sao cho một đầu nằm tại bể thận, đầu cong còn lại nằm tại bàng quang, ở một số người bệnh có thể gặp một số triệu chứng gây khó chịu. Thông thường bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân theo dõi triệt để các triệu chứng nếu gặp phải và sẽ thông báo chi tiết cho bác sĩ nếu có những bất thường.
3.1 Đau vùng hông lưng sau đặt ống sonde JJ niệu quản
Cơn đau vùng hông lưng lúc này xảy ra có biểu hiện là đau âm ỉ vùng hông lưng bên đặt sonde JJ. Cơn đau có thể lan xuống bộ phận sinh dục, bẹn. Có trường hợp bệnh nhân đau quặn mức độ đau gần như đau quặn thận.
Nguyên nhân xuất hiện cơn đau này chủ yếu là do quá trình đào thải nước tiểu không diễn ra kịp thời, tăng áp lực trong bàng quang khiến dòng nước tiểu trào ngược lên thận thông qua sonde.
Giải pháp để cải thiện triệu chứng này là người bệnh khi buồn tiểu cần nhanh chóng đi tiểu ngay. Khi đi tiểu hoặc đại tiện cố gắng không rặn mạnh, tránh tác động lên sonde JJ. Ngoài ra, khi cơn đau quặn xảy ra với tần suất nhiều người bệnh nên nhanh chóng liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc quay trở lại cơ sở y tế để thăm khám lại.
3.2 Tiểu máu sau đặt ống sonde JJ niệu quản
Là một triệu chứng người bệnh có thể theo dõi bằng mắt thường. Người bệnh có thể gặp nhiều cấp độ tiểu máu khác nhau như nước tiểu có màu hồng nhạt, nước tiểu màu đỏ, nước tiểu có vẩn màu đen kèm theo máu cục…
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến triệu chứng này là do sonde JJ cọ xát vào niêm mạc niệu quản quá mức. Thông thường sau tán sỏi chỉ vài ngày bệnh nhân đã có thể trở về nhà sinh hoạt và làm việc, vì thế trong quá trình sinh hoạt bệnh nhân có thể đã làm việc quá sức nên dẫn đến hiện tượng trên.
Nếu nước tiểu màu hồng nhạt như nước rửa thịt thì bạn nên nghỉ ngơi, hạn chế đi lại để theo dõi, uống thêm nước. Thông thường nước tiểu sẽ trong lại ở lần đi tiểu tiếp theo. Nếu vẫn duy trì hiện tượng trên hoặc tiểu có màu máu đậm hơn thì bạn cần liên hệ với bác sĩ điều trị để kiểm tra lại.
Nếu nước tiểu đỏ đậm toàn bãi, người bệnh cũng nên nhanh chóng nghỉ ngơi và đến viện kiểm tra ngay để xử lý kịp thời biến chứng nếu có.
3.3 Tình trạng đi tiểu nhiều lần
Đây là một triệu chứng khá phổ biến người bệnh đi tiểu nhiều lần một ngày bởi bàng quang bị kích thích do đầu dưới của sonde JJ đặt tại bàng quang tác động vào thành bàng quang.
Người bệnh nên nghỉ ngơi, hạn chế đi lại để tránh bàng quang bị kích thích và theo dõi triệu chứng này.
Nếu đi tiểu nhiều lần gây khó chịu, ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt bạn có thể liên hệ với bác sĩ để được sử dụng thuốc phù hợp.
Nếu đi tiểu nhiều lần, trong quá trình đi tiểu có cảm thấy buốt, tiểu rắt, màu nước tiểu bất thường, sốt cao thì bạn nên đến viện để kiểm tra lại.
4. Những lưu ý trong chăm sóc người bệnh khi có sonde JJ trong niệu quản
Một số cách chăm sóc sức khỏe khi sonde JJ đặt trong niệu quản, người bệnh có thể tham khảo đó là:
– Luôn uống đủ nước mỗi ngày để việc bài xuất các loại cặn diễn ra nhanh chóng, trả lại sự thông thoáng toàn diện cho hệ tiết niệu. Điều này là một yếu tố quan trọng để giúp rút sonde JJ ra sớm.
– Không nên chơi thể thao, vận động mạnh, làm việc quá sức, chạy nhảy bởi dễ làm xô lệch ống sonde JJ niệu quản, gây va chạm vào niêm mạc niệu quản, bàng quang.
– Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ nếu có để giảm thiểu gặp các tác dụng phụ.
– Nên ăn uống khoa học, sử dụng chế độ ăn dễ tiêu hóa, nhiều rau xanh, củ quả tươi để tăng cường sức khỏe cho hệ bài tiết.
– Theo dõi sát sao sức khỏe như hướng dẫn của bác sĩ, ghi chú lại chi tiết tình trạng sức khỏe để kịp thời đến viện khi có triệu chứng bất thường.
– Đặc biệt, cần tái khám định kỳ theo đúng yêu cầu của bác sĩ để rút sonde JJ, bởi ở mỗi người thời gian rút sonde JJ là khác nhau tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi người.
– Lưu ý quan trọng nhất đối với người bệnh khi đặt sonde JJ là cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ trực tiếp điều trị, theo dõi triệt để và thông báo ngay cho bác sĩ hoặc quay trở lại nơi điều trị để kiểm tra lại khi có các dấu hiệu bất thường.