Ung thư dạ dày là một bệnh lý ác tính khiến ai cũng phải sợ hãi về mức độ nguy hiểm của nó. Căn bệnh này phát triển âm thầm từ những tổn thương tiền ung thư, với các triệu chứng ban đầu mờ nhạt và khó nhận biết. Khi phát hiện ra thì bệnh đã bước vào giai đoạn muộn và khó điều trị. Do đó rất nhiều người không khỏi băn khoăn: “Liệu có cách nào chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn sớm được không?”. Câu trả lời nằm trong bài viết này, cùng xem nhé!
Menu xem nhanh:
1. Làm thế nào để chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn sớm?
Vì chúng ta thường hay xem nhẹ các triệu chứng ban đầu nên rất dễ bỏ qua thời điểm “vàng” ngăn chặn ung thư tấn công. Do đó, cách tốt nhất là cần phải chủ động kiểm tra, tầm soát ung thư sớm. Hơn nữa, cần duy trì thói quen này hàng năm, thực hiện ít nhất 1 lần/năm.
Đối tượng nên lưu tâm tới sức khỏe và tầm soát ung thư dạ dày càng sớm càng tốt là:
– Người thường xuyên hút thuốc lá
– Người trên 40 tuổi, đặc biệt là nam giới
– Người có thói quen ăn chế biến sẵn, thực phẩm lên men,..; có thói quen ăn nhiều muối
– Người có tiền sử gia đình từng có người mắc ung thư dạ dày
– Người bị viêm loét dạ dày
Bên cạnh đó, nếu cơ thể bộc lộ những dấu hiệu dưới đây, bạn cần tới bệnh viện kiểm tra thay vì chủ quan:
– Chán ăn, ăn không ngon miệng vì mất khẩu vị:
– Ợ nóng: luôn cảm thấy nóng rát trong bao tử, tức ngực và buồn nôn.
– Đau bụng với tần suất thường xuyên
– Sụt cân nhanh, mất kiểm soát – đây là hậu quả từ việc chán ăn lâu dài
– Đi ngoài ra máu – một triệu chứng nguy hiểm cần đặc biệt lưu ý.
2. Các phương pháp trong tầm soát ung thư dạ dày sớm
Tầm soát ung thư là cách thức chẩn đoán ung thư dạ dày sớm. Việc làm này là vô cùng cần thiết và mang lại nhiều lợi ích như:
– Phát hiện sớm mầm mống ung thư, kể cả khi khối u còn rất nhỏ.
– Không bỏ lỡ thời điểm “vàng” để điều trị ung thư dứt điểm, giúp tăng hiệu quả điều trị và kéo dài sự sống.
– Tiết kiệm chi phí và thời gian điều trị rất nhiều so với trường hợp phát hiện bệnh muộn.
– Trang bị thêm kiến thức về lối sống lành mạnh, xây dựng thói quen tốt để phòng ngừa ung thư toàn diện.
Trong tầm soát ung thư dạ dày, có một số phương pháp sau được ứng dụng nhằm giúp cho kết quả chẩn đoán cuối cùng chính xác hơn.
2.1. Xét nghiệm máu trong chẩn đoán ung thư dạ dày
Xét nghiệm máu được đánh giá là kết quả hỗ trợ chẩn đoán đắc lực trong việc tầm soát ung thư hiện nay. Bởi nó có khả năng nhận diện dấu ấn ung thư – các protein đặc biệt do ung thư sinh ra hoặc các hormon. Dựa kết quả đó, bác sĩ có thể nghi ngờ nguy cơ cao mắc ung thư và chỉ định các danh mục khám chuyên sâu để phân tích và đưa ra kết luận chính xác nhất.
Đối với ung thư dạ dày, chất chỉ điểm ung thư phổ biến nhất là các dấu ấn như: CEA, CA19-9, CA72-4. Tuy nhiên, thực tế là không thể chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm máu để khẳng định chắc chắn mắc ung thư, bởi nồng độ tăng cao có thể do một số bệnh lý khác. Do đó, bác sĩ sẽ cần kết hợp các các kết quả thăm khám chuyên sâu khác để đưa ra kết luận.
2.2. Nội soi dạ dày – phương pháp cần thiết
Nội soi dạ dày là phương pháp tầm soát ung thư dạ dày thường được áp dụng. Phương pháp này nhằm mục đích phát hiện những khu vực xuất hiện các bất thường từ thực quản, dạ dày và tá tràng. Với ưu điểm nổi trội:
– Cho phép quan sát toàn bộ bên trong dạ dày nên kết quả sẽ chính xác hơn. Điển hình như các tổn thương: polyp, viêm teo, loét hoặc các tổn thương dạng tăng sản biểu mô tuyến.
– Đánh giá người bệnh có bị nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori – một trong những nhân tố gây nên ung thư dạ dày).
– Có thể đồng thời thực hiện sinh thiết để giải phẫu bệnh lý hoặc cắt bỏ các khối u/polyp nhỏ
2.3. Các phương pháp khác trong chẩn đoán ung thư dạ dày
Ngoài ra, chụp cắt lớp vi tính (CT) và sinh thiết cũng là phương pháp đánh giá chuyên sâu trong sàng lọc ung thư dạ dày.
Với chụp cắt lớp vi tính (CT), bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện nếu trong quá trình nội soi có phát hiện dấu hiệu bất thường nào đó. Bằng cách này giúp làm rõ tình trạng bệnh hơn. Phương pháp với hình ảnh cho ra sẽ đánh giá tình trạng tổn thương của dạ dày và đặc biệt là sự xâm lấn của khối u đến các khu vực lân cận.
Sinh thiết là phương pháp để chứng minh có hay không sự tồn tại của tế bào ung thư. Mẫu sinh thiết được lấy trong quá trình nội soi, sau đó đem đi quan sát và phân tích dưới kính hiển vi. Kết quả phân tích sẽ đánh giá được tình trạng cũng như xác định người bệnh có nhiễm vi khuẩn HP hay không.
2. Nguy cơ nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm
Ung thư dạ dày tiến triển âm thầm từ những tổn thương nhẹ ban đầu. Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp chữa trị kịp thời thì người bệnh sẽ đối mặt với tình trạng:
– Trải qua nhiều cơn đau, cơn khó chịu dữ dội
– Sức khỏe ảnh hưởng, suy yếu và mệt mỏi
– Không thể tập trung làm việc, giảm chất lượng cuộc sống
– Tỷ lệ sống sót rất thấp
Ung thư dạ dày vô cùng nguy hiểm tới sức khỏe của chúng ta. Vì vậy việc tầm soát ung thư dạ dày sớm là rất quan trọng. Dựa vào kết quả tầm soát, bác sĩ sẽ chẩn đoán được đúng nguyên nhân, giai đoạn phát triển của bệnh và có hướng điều trị phù hợp. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bạn hãy tới bệnh viện thăm khám ngay để không bỏ lỡ cơ hội điều trị bệnh dứt điểm ngay từ sớm nhé.