Có polyp ở đại trực tràng xử lý như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Các trường hợp thực hiện nội soi tiêu hóa phát hiện có polyp ở đại trực tràng, khi có chỉ định cắt, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ ngay trong quá trình nội soi để ngăn ngừa nguy cơ phát triển ác tính sau này. 

1. Tìm hiểu thông tin polyp đại trực tràng

1.1. Polyp ở đại trực tràng là gì?

Polyp đại trực tràng là những tổn thương lồi bất thường, những tổ chức tổn thương tân tạo phát triển bất thường ở đại trực tràng. Polyp đa phần đều là lành tính nhưng theo thời gian nếu không được theo dõi có thể âm thầm tăng sinh kích thước to dần hoặc biến đổi tế bào. Các trường hợp này sẽ có nguy cơ trở thành ung thư nên tuyệt đối không thể chủ quan.

Polyp ở đại trực tràng là gì?

Polyp là những khối lồi phát triển bất thường ở thành đại trực tràng.

1.2. Triệu chứng khi có polyp ở đại trực tràng

Hầu hết các polyp đại trực tràng không gây ra nhiều triệu chứng nên nhiều trường hợp được tình cờ phát hiện thông qua kiểm tra định kỳ hoặc từ chẩn đoán một bệnh khác. Tuy nhiên, ở một số trường hợp có polyp sẽ dẫn tới một số triệu chứng xuất hiện như sau:

Chảy máu từ trực tràng: Người bệnh đi ngoài ra máu hoặc máu dính trên đồ lót hoặc giấy vệ sinh. Đây có thể là dấu hiệu của polyp đại trực tràng, ung thư hoặc các bệnh khác ví dụ như bệnh trĩ hay bị nứt hậu môn.

Thay đổi thói quen đại tiện: Người bệnh bị táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài hơn một tuần có thể nghi ngờ về sự hiện diện của một polyp to ở đại  trực tràng.

Đau bụng, buồn nôn hoặc nôn (triệu chứng hiếm gặp): Một polyp đại trực tràng lớn có thể gây cản trở đường ruột và dẫn đến đau quặn bụng cùng cảm giác buồn nôn và ói mửa (tắc ruột).

Thiếu máu: Tình trạng chảy máu từ polyp có thể xảy ra từ từ. Chảy máu mạn tính sẽ gây thiếu sắt, thiếu máu. Nếu thiếu máu nặng sẽ khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi và khó thở.

2. Polyp ở đại trực tràng có nguy hiểm không?

Thông thường polyp đại trực tràng đều lành tính và không gây ra những ảnh hưởng rõ rệt. Nhưng không vì thế mà người bệnh có thể mặc kệ, chủ quan. Theo thống kê, có khoảng 90% trường hợp ung thư đại trực tràng được phát triển từ polyp. Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến hàng đầu gặp phải ở cả nam và nữ.

Vì vậy, với các trường hợp nghi ngờ về polyp đại tràng, có máu trong phân, đột ngột bị tiêu chảy hoặc táo bón bất thường và kéo dài trong nhiều ngày thì bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác bệnh cũng như lên phương án điều trị đúng cách.

Sự có mặt của polyp đại tràng liên quan mật thiết với sự phát sinh ung thư đại trực tràng vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị sớm polyp là một biện pháp quan trọng đề phòng ngừa nguy cơ phát triển ung thư sau này.

3. Cần làm gì khi có polyp

3.1. Thăm khám chuyên khoa và nội soi đại tràng

Khi gặp phải những dấu hiệu bất thường nghi ngờ về polyp đại trực tràng, người bệnh nên chủ động thăm khám chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác về bệnh.

Nội soi đại tràng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tiêu chuyển giúp phát hiện mọi bất thường cũng như bệnh lý đường tiêu hóa. Ống nội soi mềm quan sát kỹ càng bên trong thành đại trực tràng, trong trường hợp có polyp, bác sĩ có thể trực tiếp cắt bỏ ngay trong quá trình nội soi khi có chỉ định.

Nội soi đại trực tràng

Nội soi đại trực tràng giúp phát hiện mọi bất thường và bệnh lý ở đường tiêu hóa dưới.

3.2. Tiến hành cắt bỏ polyp đại trực tràng qua nội soi

Thực tế là polyp không thể tự triệt tiêu hay được điều trị khỏi bằng thuốc. Đối với các trường hợp có polyp đại tràng có chỉ định cắt, bác sĩ sẽ cắt bỏ ngay trong quá trình thực hiện nội soi để ngăn ngừa nguy cơ phát triển ác tính.

Thông thường, đối với polyp đại tràng từ 5mm trở lên, bác sĩ sẽ loại bỏ ngay trong quá trình nội soi, đồng thời thực hiện sinh thiết để xem có chứa tế bào ung thư hay không.

Đối với những polyp nhỏ hơn và không gây triệu chứng có thể chưa cần cắt bỏ ngay nhưng phải được theo dõi định kỳ qua nội soi. Cá biệt, ở một số trường hợp dù polyp đại tràng kích thước nhỏ dưới 5mm nhưng bề mặt sần sùi, sung huyết, giống khối u ác tính vẫn sẽ được chỉ định cắt bỏ ngay và làm sinh thiết.

Hiện nay, cắt polyp qua nội soi được đánh giá là phương pháp an toàn, loại bỏ nhanh khối polyp đại tràng mà không cần thực hiện mổ mở. Sau cắt polyp, hầu hết các trường hợp người bệnh không cần nằm viện, có thể về nhà ngay và sinh hoạt làm việc bình thường.

3.3. Thực hiện chế độ ăn và thói quen sinh hoạt hợp lý

Với người bệnh sau cắt polyp cần chú ý về chế độ ăn để không ảnh hưởng tới vết cắt cũng như tốt cho quá trình hồi phục. Trong 1 tuần đầu sau cắt polyp, người bệnh chỉ nên ăn thức ăn mềm như cháo, súp, không nên mang vác vật nặng hay làm việc quá sức. Sau đó có thể trở lại chế độ ăn như bình thường.

Chú ý ăn đủ lượng canxi, ăn thêm các loại rau quả, ngũ cốc. Người bệnh cần hạn chế mỡ, đồ ăn khó tiêu và rượu, bỏ thuốc lá. Bên cạnh chế độ ăn, người bệnh cần thường xuyên luyện tập thể dục, nghỉ ngơi điều độ và duy trì cân nặng bình thường.

Chế độ ăn cho người bệnh sau cắt polyp

Sau cắt polyp, người bệnh ưu tiên đồ ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp.

3.4. Tuân thủ thăm khám theo dõi định kỳ

Sau khi cắt bỏ thành công polyp đại tràng, người bệnh cần tuân thủ chế độ thăm khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ nhằm theo dõi quá trình lành vết cắt cũng như có tổn thương mới hình thành hay sót lại không.

Về lịch tái khám cụ thể được khuyến cáo như sau:

– Cắt polyp đại trực tràng sau 1 năm cần phải tiến hành nội soi lại.

– Sau 1 năm soi lại không phát hiện bất thường thì có thể soi lại sau 3 năm.

– Sau 3 năm kiểm tra lần nữa không phát hiện bất thường thì có thể 5 năm sau kiểm tra lại.

– Sau 5 năm kiểm tra lại vẫn không có bất thường gì nữa thì khuyến cáo người bệnh 10 năm kiểm tra lại.

– Sau 10 năm kiểm tra không có bất thường thì người bệnh sẽ không cần kiểm tra tiếp, nguy cơ ung thư sẽ không có nữa.

Hiện này, các trường hợp nội soi có polyp ở đại trực tràng rất phổ biến. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế đưa ra, mỗi người từ 50 tuổi cần chủ động nội soi dạ dày đại tràng kể cả khi không có triệu chứng để tầm soát tốt bệnh lý cũng như ung thư đường tiêu hóa.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital