VA là bệnh hay gặp ở trẻ em vì thế một trong những câu hỏi được nhiều cha mẹ đặt ra là có nên nạo VA cho trẻ không? Nạo VA không ảnh hưởng tới chức năng miễn dịch của trẻ nên có thể nạo VA khi bệnh tái phát nhiều lần, trẻ trên 5 tuổi…
Menu xem nhanh:
1. Viêm VA ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ
Tùy sự nhạy cảm của hệ miễn dịch của trẻ, VA có thể bị viêm và có các triệu chứng sau:
Mức độ phì đại của VA được chia thành bốn độ:
– Độ I: VA chiếm ít hơn 33% diện tích cửa mũi sau.
– Độ II: VA chiếm từ 33 – 66% diện tích cửa mũi sau.
– Độ III: VA chiếm từ 66 – 90% diện tích cửa mũi sau.
– Độ IV: VA gần như chiếm hết diện tích cửa mũi sau và chui vào trong hố mũi.
– VA phình to quá mức (phì đại) khiến trẻ nghẹt mũi kéo dài, thở khò khè, ngủ ngáy hoặc nặng hơn là có những cơn ngưng thở khi ngủ
– VA bị nhiễm trùng và có biến chứng sẽ làm chảy mũi kéo dài, dịch mũi có thể trong hoặc vàng, xanh; sốt lặp đi lặp lại do viêm mũi hoặc viêm tai giữa.
Hoặc ho kéo dài hay tái phát nhiều lần, kèm khàn tiếng do dịch viêm VA chảy xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản, viêm thanh quản. Một số ít trẻ rối loạn tiêu hóa do vi trùng từ VA đi vào đường tiêu hóa gây đau bụng, nôn ói hay tiêu chảy.
2. Có nên nạo VA cho trẻ?
Thông thường, trong những đợt viêm cấp tính, bác sĩ điều trị nội khoa bằng kháng sinh, kháng viêm, loãng dịch tiết, rửa mũi, hút mũi cho trẻ…
Trường hợp điều trị bằng thuốc không hiệu quả, người bệnh sẽ được chỉ định nạo VA. Tuy nhiên nhiều người cho rằng VA có chức năng miễn dịch và không nên nạo, vì nạo VA sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ… Trên thực tế, VA chỉ có chức năng giới hạn và không phải là cơ quan duy nhất, giúp cơ thể tạo nên miễn dịch. Mặt khác, khi VA bị viêm quá phát sẽ làm bít tắc cửa mũi sau, gây cản trở trẻ thở bằng mũi, khả năng tạo nên miễn dịch cũng bị hạn chế.
Ngoài ra, VA to gây ứ đọng dịch và mủ ở mũi trẻ, cũng là nơi trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn gây bệnh, từ đó gây ra các viêm nhiễm ở các khu vực lân cận như: mũi, xoang, họng, tai giữa, phế quản… Trẻ thường xuyên bị thiếu oxy não nên ảnh hưởng sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ… Vì thế cần nạo VA cho trẻ trong những trường hợp sau:
– Viêm VA mạn tính có nhiều đợt viêm cấp trong năm
– Viêm VA gây các biến chứng (viêm tai giữa, viêm nhiễm đường hô hấp tái diễn)
– Viêm VA có kèm theo hội chứng ngừng thở trong lúc ngủ, viêm VA gây khó thở, giọng nói khác thường, viêm VA gây dị dạng mặt.
Trước đây, nạo VA theo phương pháp gây tê, không quan sát được khối VA nên dễ bị sót lại gây tái phát. Đến nay, bác sĩ thường nạo VA qua nội soi gây mê nội khí quản giúp quá trình phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, an toàn, không gây biến chứng sau phẫu thuật và ngăn ngừa khả năng tái phát bệnh.
Cha mẹ cần tham khảo ý kiến các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng để được tiến hành nạo VA một cách nhanh chóng, hiệu quả.