Viêm khớp dạng thấp là một trong những căn bệnh xương khớp phổ biến nhất hiện nay, gây nhiều bất tiện và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Cùng tìm hiểu cơ chế viêm khớp dạng thấp và cách kiểm soát căn bệnh tự miễn này.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin chung về bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn với đặc trưng là sự tổn thương của các khớp, mà cụ thể là màng hoạt dịch khớp. Tình trạng viêm gây sưng đau các khớp, thường gặp nhất là khớp bàn tay, cổ tay, khớp gối đối xứng 2 bên. Đau thường kèm theo cứng khớp. Bệnh gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày, khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi lại, cúi người, viết, mở chai lọ, mặc quần áo và mang vác đồ vật.
Tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ở các nước châu Á khoảng 0,17 – 0,3%. Tại miền Bắc Việt Nam, tỷ lệ này khoảng 0,28%. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng phổ biến ở những người trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi, tỷ lệ nữ mắc bệnh nhiều gấp 2 – 3 lần nam.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm thì có thể kiểm soát. Ngược lại, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hủy xương và biến dạng khớp.
2. Cơ chế viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn tương đối điển hình, tức là bệnh xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể gây viêm (sưng, đau). Cơ chế sinh bệnh cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên đã được các nhà nghiên cứu phân tích tương đối cụ thể.
2.2 Cơ chế viêm khớp dạng thấp theo phân tích của các nhà khoa học
Đầu tiên kháng nguyên (tác nhân gây bệnh) xâm nhập vào cơ thể sẽ được nhận biết bởi các tế bào trình diện kháng nguyên. Sau đó các kháng nguyên được trình diện cho các tế bào lympho B và T.
Tiếp đó các tế bào lympho T được kích hoạt, đồng thời sản xuất ra các lymphokin. Các lymphokin kích thích tế bào lympho B tăng sinh và biến đổi thành tương bào, đồng thời sản xuất ra các globulin miễn dịch, hay còn gọi là tự kháng thể.
Lúc này sẽ xuất hiện tình trạng lắng đọng của phức hợp kháng nguyên – kháng thể tại màng hoạt dịch khớp. Thực bào xuất hiện với bạch cầu đa nhân trung tính, tế bào mastocyt và đại thực bào. Các tế bào này tiết ra các cytokin khác như VEGF, TNF-α, IL-1,2,6, interferon… thúc đẩy quá trình viêm, tạo thành vòng xoắn bệnh lý.
VEGF gây tăng sinh mạch, cùng với sự xâm nhập của hàng loạt tế bào viêm khác tạo nên màng mạch, hay còn gọi là mảng pannus. Các mảng pannus này có thể xâm lấn và gây tổn thương các đầu xương, sụn khớp.
Trong khi đó, các enzym như elastase, collagenase, stromelysin,… sẽ tiêu huỷ tổ chức do các tế bào viêm giải phóng ra. Cùng với đó, sự xâm nhập của các nguyên bào xơ gây ra tình trạng dính khớp, phá hủy khớp và hệ quả là dẫn đến tàn tật.
2.1 Ý nghĩa của việc nghiên cứu cơ chế viêm khớp dạng thấp
Việc nghiên cứu cơ chế sinh bệnh giúp định hình được các tác nhân gây bệnh và con đường hình thành căn bệnh này, từ đó có cách “khắc chế” phù hợp.
Cụ thể, qua những phân tích trên đây có thể thấy, cơ chế bệnh sinh viêm khớp dạng thấp là sự cộng hưởng của miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Ở đó, lympho T sẽ đóng vai trò trung tâm.
Theo đó, các nhà khoa học có thể nghiên cứu ra các loại thuốc có tác dụng kiểm soát tình trạng viêm của bệnh nhân dựa trên sự ức chế từng loại tế bào và từng loại cytokin.
2. Diễn tiến qua các thời kỳ của bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý cơ xương khớp tiến triển mạn tính. Ở giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm khớp khác khiến bệnh khó được phát hiện.
Bệnh thường trải qua 2 giai đoạn là khởi phát và toàn phát với các biểu hiện khác nhau:
2.1 Giai đoạn khởi phát
Thống kê cho thấy, khoảng 85% bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp xuất hiện các triệu chứng ban đầu một cách từ từ. Chỉ có 15% trường hợp các triệu chứng xuất hiện một cách đột ngột với dấu hiệu viêm khớp.
Ở thời kỳ khởi phát, tình trạng viêm và các triệu chứng thường chỉ xuất hiện ở một khớp, thường là khớp bàn tay hay khớp gối. Giai đoạn này có thể kéo dài từ vài tuần cho tới vài tháng trước khi chuyển sang giai đoạn toàn phát.
2.2 Giai đoạn toàn phát
– Các triệu chứng ở khớp
Ở giai đoạn toàn phát, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở biểu hiện rõ ràng hơn, cụ thể là:
+ Xuất hiện đầu tiên ở các khớp chi, ở các vị trí như cổ tay, ngón tay, bàn tay, bàn chân, khớp đầu gối. Ở các khớp khác như khuỷu tay, khuỷu chân, háng, vai, đốt sống cổ… triệu chứng viêm có thể đến muộn hơn.
+ Tình trạng viêm xảy ra tại 2 khớp đối xứng nhau (2 bên đầu gối hay 2 ngón tay tương ứng của 2 bàn tay…)
+ Cứng khớp, đặc biệt khi ngủ dậy và ở các khớp nhỏ. Sưng ở vị trí viêm nhưng vẫn ít bị nóng đỏ.
+ Các ngón tay có hình thoi, thường khi ở giai đoạn muộn.
+ Biến dạng khớp.
– Các triệu chứng ngoài khớp
Khi bệnh viêm khớp dạng thấp trở nặng, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng ngoài khớp như:
+ Bao khớp bị phình to: Đây là hậu quả của tình trạng sưng viêm.
+ Xuất hiện các hạt dưới da: Các hạt này thường có đường kính khoảng 5 – 15mm, nổi lên trên mặt da, cứng chắc, không di động, không gây đau. Vị trí xuất hiện hạt thường ở xương chày, xương trụ, quanh khớp cổ tay.
+ Nổi ban đỏ: Vị trí tại lòng bàn tay và gan bàn chân. Nguyên nhân do tình trạng viêm mao mạch.
+ Viêm gân, viêm bao hoạt dịch khớp: Ảnh hưởng của tình trạng viêm khớp.
+ Viêm, co kéo, giãn dây chằng: Khi tình trạng này diễn ra, các khớp có thể trở nên lỏng lẻo.
+ Teo cơ: Do giảm vận động lâu ngày, phần cơ tại vùng quanh khớp có thể tổn thương, teo lại.
– Các triệu chứng toàn thân
Người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng toàn thân như: mệt mỏi, ăn uống kém; da và niêm mạc nhợt nhạt; mất ngủ, ngủ không ngon; gầy sút.
Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị tràn dịch màng phổi, xương mất chất vôi, tràn dịch màng tim hay rối loạn thần kinh thực vật.
Tóm lại, viêm khớp dạng thấp là bệnh có diễn biến phức tạp và dễ gây ra hậu quả nặng nề. Cần sớm điều trị nhằm làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế nguy cơ tàn phế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.