Trứng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, hàm lượng dinh dưỡng cao nên trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, với người bị gan nhiễm mỡ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng nhiều hơn để cải thiện tình trạng bệnh. Người bệnh gan nhiễm mỡ có được ăn trứng không, cùng tìm câu trả lời ở bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu thông tin tổng quan về bệnh gan nhiễm mỡ
Gan là cơ quan quan trọng trong cơ thể, đảm nhận nhiều trách nhiệm quan trọng bao gồm:
– Tiêu hóa
– Lọc máu để thải độc
– Chuyển hóa các chất
– Dự trữ máu và chất dinh dưỡng quan trọng
Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan chiếm từ 2-4% tổng trọng lượng của toàn bộ lá gan. Tuy nhiên, khi lượng mỡ trong gan vượt quá 5%, nguy cơ bạn đã bị gan nhiễm mỡ.
Khi mỡ tích tụ quá nhiều trong gan sẽ làm hạn chế khả năng thải độc của gan, gây tích tụ chất độc hại trong cơ thể. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus xâm nhập cơ thể và ảnh hưởng tiêu cực đến gan và các cơ quan khác.
Nếu để lượng mỡ tích tụ vượt quá 30%, chức năng gan sẽ suy giảm nghiêm trọng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, ung thư gan.
Do đó, người bệnh cần thăm khám và điều trị sớm để ngăn chặn quá trình mỡ tích tụ thêm. Nếu ở giai đoạn đầu, bệnh có thể được cải thiện thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.
2. Giải đáp: Người bị gan nhiễm mỡ có được ăn trứng không?
2.1. Trứng có thành phần dinh dưỡng như thế nào và gan nhiễm mỡ có được ăn trứng không?
Mỗi quả trứng được chia thành 2 phần: lòng đỏ và lòng trắng, mỗi phần đều có những thành phần dinh dưỡng khác nhau:
– Lòng đỏ: cung cấp khoảng 55 calo, ít protein, dồi dào vitamin A, B6, B12 và D, kẽm, canxi, folate và omega-3, cholesterol, axit béo thiết yếu, …
– Lòng trắng: cung cấp khoảng 17 calo, không bao gồm chất béo, giàu canxi, chất đạm, axit amin, niacin, kali, riboflavin, magie – đây đều là các chất tốt cho sức khỏe tổng thể.
Trứng có vai trò quan trọng như một nguồn cung cấp protein dồi dào cho con người. Chúng cung cấp axit amin cần thiết, chất béo có lợi cùng với các khoáng chất như sắt, phốt pho, magie và các vitamin B12, acid folic, vitamin D.
Mặc dù là nguồn thực phẩm quan trọng, giàu dinh dưỡng nhưng người bị gan nhiễm mỡ không nên ăn quá nhiều trứng.
2.2. Gan nhiễm mỡ có được ăn trứng không, tần suất bao nhiêu là hợp lý?
Như đã đề cập ở trên, người bị gan nhiễm mỡ nên hạn chế ăn trứng với những lý do sau đây:
– Chỉ số cholesterol trong trứng quá cao
Trứng là nguồn cung cấp cholesterol tự nhiên trong đó phần lớn nằm ở lòng đỏ trứng. Các nghiên cứu cho thấy, việc liên tục tiêu thụ lượng cholesterol lớn từ trứng làm tăng nguy cơ tạo thành mảng bám trong mạch máu từ đó khiến tắc nghẽn mạch máu, gây nguy hiểm tới sức khỏe tim mạch.
– Hình thành mô sẹo và khiến gan suy giảm chức năng
Gan nhiễm mỡ khiến khả năng hoạt động của gan suy giảm và tăng nguy cơ viêm gan. Việc tiếp tục ăn quá nhiều chất béo từ trứng có thể làm tăng áp lực và khiến tình trạng tổn thương của gan nghiêm trọng hơn.
– Tác động tiêu cực đến cân nặng và đường huyết
Trứng rất giàu đạm và có khả năng giữ nước trong cơ thể, tạo cảm giác no lâu. Việc ăn quá nhiều trứng có thể gây tăng cân, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc tiểu đường.
– Các yếu tố khác
Nếu gan bị nhiễm mỡ cấp độ nặng, việc tiêu thụ lượng cholesterol cao từ trứng trong thời gian dài có thể làm nghiêm trọng tình trạng mỡ tích tụ ở gan. Bên cạnh đó, việc chế biến trứng bằng cách chiên rán nhiều dầu mỡ cũng khiến cơ thể hấp thụ nhiều lượng chất béo và cholesterol.
Tóm lại, người bị gan nhiễm mỡ chỉ nên tiêu thụ 1-3 quả trứng mỗi tuần, người bị gan nhiễm mỡ độ 3 nên loại bỏ trứng khỏi thực đơn ăn uống.
3. Người bệnh gan nhiễm mỡ cần kiêng ăn gì?
Bên cạnh điều trị theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh cũng cần lưu ý kiêng một số loại thực phẩm để giúp lượng mỡ trong gan giảm đi, cụ thể như sau:
3.1. Mỡ động vật và chất béo
Chất béo và mỡ động vật khi dung nạp vào cơ thể đi qua gan và bài tiết ra ngoài gan. Do đó, việc sử dụng quá nhiều các chất này sẽ đồng thời tạo áp lực cho hoạt động của gan. Lúc đó, gan sẽ không bài tiết được, tích tụ mỡ và sinh ra gan nhiễm mỡ.
3.2. Thịt đỏ
Thịt đỏ chứa rất nhiều protein và cũng được chuyển hóa tại gan nên đây cũng thuộc danh sách thực phẩm người bệnh gan nhiễm mỡ nên hạn chế. Ăn quá nhiều thịt đỏ làm tăng gánh nặng cho gan, tạo mỡ thừa và khiến bệnh tình ngày càng nghiêm trọng.
3.3. Thực phẩm giàu cholesterol
Giảm tiêu thụ các loại thực phẩm bao gồm lòng đỏ trứng, nội tạng động vật, … là điều nên làm nếu muốn giảm mỡ trong gan.
3.4. Nhóm trái cây ngọt, có hàm lượng đường cao
Dung nạp một lượng đường quá lớn trong cơ thể sẽ sinh ra nhiều bệnh như tiểu đường, béo phì hoặc gan nhiễm mỡ. Do đó, người bệnh nên hạn chế ăn trái cây chứa nhiều đường để giảm bớt gánh nặng cho gan và kiểm soát không cho bệnh gan nhiễm mỡ tiến triển nặng.
3.5. Gia vị cay nóng
Người bệnh cũng nên hạn chế nhóm gia vị cay nóng như tỏi, ớt, tiêu, gừng, … vì chúng khiến gan suy giảm chức năng, khó bài tiết chất béo, tồn đọng mỡ và khiến bệnh ngày càng nặng.
3.6. Đồ uống có cồn
Không chỉ gan nhiễm mỡ mà người mắc các bệnh lý về gan nên loại bỏ rượu. Nếu đã mắc bệnh mà vẫn tiếp tục uống rượu, bệnh sẽ nhanh chóng tiến triển thành xơ gan thậm chí ung thư gan. Không những thế, bằng việc đào thải chất độc, gan sẽ phải làm việc nhiều hơn nên tổn thương sẽ ngày càng nghiêm trọng, khó hồi phục.
Bên cạnh việc tìm hiểu gan nhiễm mỡ có được ăn trứng không người bệnh nên thăm khám để được bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Lưu ý rằng, gan nhiễm mỡ có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm. Vì vậy, nếu thấy triệu chứng cảnh báo xuất hiện, người bệnh cần thăm khám tại chuyên khoa Gan mật để có hướng xử lý kịp thời.