Chụp CT não là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được áp dụng phổ biến hiện nay đối với các trường hợp gặp tổn thương ở vùng não. Việc sử dụng tia X tiếp xúc trực tiếp với cơ thể khiến không ít người thắc mắc chụp CT não có nguy hiểm không, khi nào cần thực hiện chẩn đoán? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1.Tại sao cần thực hiện kỹ thuật chụp CT não?
Não là một trong những bộ phận quan trọng và phức tạp nhất của con người. Khi xuất hiện tổn thương có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm do các tổn thương nằm sâu bên trong, khó phát hiện qua các triệu chứng hay khám tổng quát bên ngoài. Chính vì vậy y khoa cần đến phương pháp chẩn đoán hình ảnh chụp CT não để tìm kiếm và phát hiện những tổn thương kín bị che khuất bởi các mô não.
Chụp CT não sử dụng tia X chiếu liên tục xung quanh não, các tín hiệu thu được được xử lý vi tính, tái tạo thành các hình ảnh chân thực, rõ nét về cấu trúc hộp sọ và các mô não bên trong.
Ưu điểm lớn nhất của kỹ thuật chụp CT não hiện nay đó là chất lượng hình ảnh chi tiết và rõ nét hơn nhiều so với chụp X-quang. Hình ảnh chụp CT não tạo ra nhiều hình cắt ngang theo nhiều hướng và có thể dựng hình 3 chiều. Bên cạnh đó, tốc độ chụp CT não cũng rất nhanh, thích hợp cả trong các trường hợp cấp cứu khẩn cấp hay các đối tượng người già, trẻ em không thể giữ nguyên tư thế.
2. Chụp CT não có gây ảnh hưởng không?
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, chụp CT não được cho là phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn với người bệnh. Mặc dù không thể tránh hoàn toàn rủi ro trong quá trình chụp nhưng vẫn có thể kiểm soát được.
Khi thực hiện chụp CT não, người bệnh sẽ được kỹ thuật viên và bác sĩ tại phòng chụp tư vấn, theo dõi và nhắc nhở trong suốt quá trình chụp để đảm bảo hình ảnh thu được rõ nét, chân thực và an toàn nhất. Ngoài ra, chụp CT não theo đúng chỉ định của bác sĩ thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, đủ điều kiện cơ sở vật chất tiêu chuẩn thì bệnh nhân thường sẽ không gặp phải những tác động xấu về sức khỏe. Tuy nhiên, chụp CT não vẫn có khả năng ảnh hưởng tới một số đối tượng đặc biệt, cụ thể đó là:
2.1 Đối tượng nhạy cảm với tia X chụp CT não có nguy hiểm không?
Mặc dù đã được kiểm soát lượng bức xạ của X ở mức tối thiểu nhưng ở đối tượng phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì tia X vẫn có thể gây tác động xấu. Vì vậy, những trường hợp này thường được bác sĩ cân nhắc là lựa chọn những phương pháp an toàn hơn như: siêu âm, chụp cộng hưởng từ MRI… Nếu trong trường hợp bắt buộc phải chụp CT não cũng sẽ có các biện pháp bảo vệ, hạn chế tối đa tia bức xạ và có quy trình kiểm tra đầy đủ trước và sau khi chụp.
Bên cạnh đó, lượng bức xạ tia X chỉ được cho là an toàn khi tiếp xúc ít. Nếu người bệnh chụp CT quá nhiều trong thời gian ngắn có thể đối mặt với nguy cơ ung thư. Do năng lượng cao từ tia bức xạ tác động xấu, gây biến đổi tế bảo và nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng khác tới sức khỏe con người.
2.2 Đối tượng nhạy cảm với thuốc cản quang chụp CT não có nguy hiểm không?
Đối với kỹ thuật chụp CT não, việc sử dụng thuốc cản quang chỉ áp dụng trong trường hợp cần đánh giá chi tiết hơn các tổn thương hoặc vùng nghi ngờ có khối u, tụ máu… Một số bệnh nhân vẫn có thể gặp phải các phản ứng phụ hay dị ứng nhẹ sau khi tiêm thuốc cản quang như: ngứa, phát ban, mẩn đỏ trên da… Tình trạng này sẽ hết nhanh chóng và không quá nguy hiểm nếu được xử lý y tế kịp thời.
Các trường hợp chụp CT nếu tiêm thuốc cản quang nên ở lại theo dõi khoảng 30 phút sau khi chụp. Ngoài ra, người bệnh cũng cần thông báo với bác sĩ trước khi thực hiện chụp CT não tiêm thuốc cản quang về tình trạng sức khỏe đang gặp như: tiền sử dị ứng thuốc, bệnh hen suyễn, tim mạch, tiểu đường…
Thuốc cản quang cũng có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến các bệnh nhân mắc bệnh thận, làm bệnh tiến triển nặng hơn hay thậm chí dẫn tới suy thận và những biến chứng nguy hiểm khác. Vì vậy, nhóm đối tượng này cần được bác sĩ tiến hành đánh giá chức năng thận đầy đủ cũng như mức độ ảnh hưởng trước khi quyết định chụp và tiêm thuốc cản quang.
3. Khi nào người bệnh cần thực hiện chụp CT não?
Chụp CT não được đánh giá là phương pháp chẩn đoán an toàn, song vẫn tiềm ẩn những rủi ro nên kỹ thuật này chỉ được tiến hành khi có chỉ định của bác sĩ. Một số trường hợp được chỉ định chụp CT não bao gồm:
– Bệnh nhân bị chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nghi ngờ có xuất huyết hoặc tổn thương vùng não. Chụp CT não lúc này được coi là phương pháp chẩn đoán nhanh chóng nhất để định hướng xử trí kịp thời.
– Xác định vị trí của khối u hoặc cục máu đông do nghi ngờ qua các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán khác.
– Phát hiện chảy máu não, cần chụp CT não để đánh giá tình trạng chấn thương và can thiệp các biện pháp xử lý nhanh.
– Hướng dẫn hình ảnh trong thực hiện phẫu thuật, sinh thiết não và điều trị bức xạ.
4. Chụp CT não chống chỉ định trong trường hợp nào?
– Người có sức khỏe bình thường muốn kiểm tra tình trạng sức khỏe. Do chụp CT não là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu nên đối với khám sức khỏe thông thường không cần thực hiện kỹ thuật này.
– Người bị tổn thương não đã xác định nguyên nhân do u não, nhũn não, rối loạn chuyển hóa… không thể xác định rõ qua phương pháp chụp CT.
– Người có chống chỉ định với thuốc cản quang, cụ thể như bệnh nhân suy chức năng gan nặng, suy thận, sốt cao, dị ứng với thuốc cản quang…
– Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ không nên chụp CT mà nên cân nhắc lựa chọn các kỹ thuật chẩn đoán khác. Bởi thời điểm này thai nhi vô cùng nhạy cảm với các động bên ngoài, đặc biệt là tia bức xạ có thể gây dị tật thai nhi.
Chụp CT não có nguy hiểm không còn phụ thuộc lớn vào từng đối tượng khác nhau. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý chụp CT não khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, trang bị điều kiện vật chất và máy móc hiện đại để có kết quả chính xác và an toàn nhất.