Ngày nay, chụp cắt lớp đang được sử dụng rất rộng rãi trong lĩnh vực y tế nhằm hỗ trợ công tác chẩn đoán và phát hiện rất nhiều bệnh lý khác nhau trên cơ thể người liên quan đến các mô mềm, các mạch máu não cho đến các bệnh lý vùng đầu mặt cổ, tim, ngực, bụng, chậu, xương khớp, đặc biệt là vùng sọ não. Vậy bạn hiểu như thế nào về chụp cắt lớp não?
Menu xem nhanh:
1. Chụp cắt lớp não là thế nào?
Chụp cắt lớp não còn được gọi là chụp CT sọ não, là kỹ thuật sử dụng các tia bức xạ như tia X để chiếu liên tục qua vùng đầu và mặt nhằm kiểm tra và ghi lại những hình ảnh chi tiết về mô não cũng như cấu trúc hộp sọ.
Kết quả thu được sau quá trình chụp sẽ cung cấp thông tin về các bộ phận như mắt, xương mặt, khoang chứa khí trong xương gần mũi (xoang) và tai trong. Nhờ đó, bác sĩ có thể xác định những tổn thương và đánh giá được các bệnh lý vùng sọ não.
Chất lượng hình ảnh ghi lại khi chụp cắt lớp não phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị được sử dụng, máy chụp có số lát cắt càng cao thì hình ảnh trên phim càng sắc nét, độ phân giải càng cao. Chụp CT sọ não có thể mang đến kết quả rất chính xác và chi tiết mà không phải phương pháp chẩn đoán hình ảnh nào cũng thực hiện được.
2. Các trường hợp chỉ định và chống chỉ định chụp CT sọ não
2.1. Chỉ định chụp cắt lớp não
Chụp cắt lớp sọ não thường được chỉ định thực hiện để chẩn đoán trong các trường hợp sau đây:
– Dị tật bẩm sinh ở đầu và não
– Dị dạng mạch máu não
– Nhiễm trùng não, áp xe, viêm não, viêm màng não
– Chấn thương sọ não, nghi ngờ có dị vật hoặc tổn thương chảy máu trong não, lún sọ
– Nghi ngờ mắc các bệnh lý nội sọ: dịch lỏng tích tụ trong não, khối u não,
– Thông động tĩnh mạch
– Co giật, động kinh, chóng mặt, đau đầu
– Đột quỵ hoặc chảy máu não
– Tai biến mạch máu não
Ngoài ra, chụp CT sọ não còn giúp xác định nguyên nhân dẫn đến một số triệu chứng như đau đầu, ngất xỉu, suy giảm thị lực – thính lực, gặp khó khăn khi nuốt thức ăn hoặc giao tiếp.
2.2. Các trường hợp chống chỉ định
Chụp cắt lớp não là phương pháp chẩn đoán phổ biến cho nhiều đối tượng, tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp chống chỉ định. Cụ thể, người bị chứng sợ không gian hẹp, người không thể nằm yên, người dễ bị kích thích và phụ nữ có thai không được thực hiện kỹ thuật này.
3. Quy trình thực hiện chụp cắt lớp sọ não
3.1. Chuẩn bị trước khi chụp
– Tháo bỏ các vật dụng, trang sức bằng kim loại
– Mặc quần áo thoải mái hoặc thay trang phục bệnh viện cung cấp
– Thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai
– Trao đổi với bác sĩ nếu bạn có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch, hen suyễn, tiểu đường, bệnh thận
– Nếu phải sử dụng thuốc cản quang, bạn cần nhịn ăn uống trước khi chụp vài tiếng tùy theo chỉ định của bác sĩ
3.2. Thực hiện chụp cắt lớp não
Người bệnh sẽ được nằm lên bàn có thể di chuyển và gắn với máy chụp cắt lớp, lúc này đầu bạn cũng được giữ cố định tại đúng vị trí cần chụp bởi băng đeo.
Khi bắt đầu chụp, chiếc bàn sẽ chạy vào trong vòm tròn của máy, máy chụp xoay quanh đầu bạn để chiếu các tia X nhằm ghi lại hình ảnh từ các góc độ và vị trí khác nhau, mỗi góc chụp cho ra một mặt cắt.
Tổng thời gian cho mỗi lần chụp kéo dài khoảng 10-20 phút, trong suốt quá trình này, người bệnh cần tuyệt đối nằm yên, không có bất cứ cử động nào để tránh ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra.
Hình ảnh thu được từ máy chụp sẽ được truyền ngay về máy tính, sau đó được in ra để bác sĩ đọc kết quả.
3.3. Sau khi chụp xong
Nếu không sử dụng thuốc cản quang thì sau khi hoàn thành thao tác chụp cắt lớp não, người bệnh có thể hoạt động bình thường.
Nếu sử dụng thuốc cản quang thì người bệnh có thể sẽ được yêu cầu uống nước để loại bỏ hết thuốc cản quang ra khỏi cơ thể.
Khi có kết quả chụp cắt lớp, bác sĩ sẽ giải thích tỉ mỉ và đưa ra những lời khuyên cũng như gợi ý hướng điều trị cho người bệnh.
4. Chụp cắt lớp não có gây nguy hiểm không?
Chụp CT sọ não là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh tương đối an toàn, ít nguy cơ và tác dụng phụ.
Mặc dù máy chụp cắt lớp sử dụng tia X nên có thể gây nhiễm xạ nhưng lượng bức xạ trong mỗi lần chụp thường chỉ ở mức tối thiểu và nằm trong giới hạn cho phép nên khó gây hại cho người bệnh. Hơn nữa, hầu hết các máy chụp CT được sử dụng hiện nay đều áp dụng công nghệ tân tiến nên có thể giảm tối thiểu tối đa ảnh hưởng của tia X.
Với đối tượng người bệnh là trẻ em, thao tác chụp CT não cần được thực hiện dưới chỉ dẫn kỹ lưỡng của bác sĩ và kỹ thuật viên. Gia đình và người thân của trẻ nhỏ cũng nên trao đổi với bác sĩ về những yêu cầu như việc sử dụng thuốc an thần trước khi cân nhắc thực hiện kỹ thuật này.
Các trường hợp chống chỉ định chụp CT sọ não, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần thông báo với bác sĩ để lựa chọn phương pháp thay thế phù hợp, tránh bức xạ ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Trên thực tế, chụp cắt lớp não có tính ứng dụng và ý nghĩa quan trọng nhưng người bệnh không nên lạm dụng mà chỉ thực hiện khi có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Trong quá trình chụp, nếu có yêu cầu nào từ bác sĩ, người bệnh cần tuân thủ để có được kết quả chính xác nhất.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên lựa chọn những bệnh viện hoặc phòng khám uy tín có trang bị máy móc hiện đại và đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn để hạn chế rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thăm khám.