Ung thư vú và điều trị ung thư vú luôn là chủ đề được đông đảo người bệnh quan tâm. Với sự phát triển của y học hiện đại, chúng ta có nhiều lựa chọn trong việc chữa ung thư vú hiệu quả và phẫu thuật là phương pháp điển hình được áp dụng chính.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về ung thư vú
1.1. Ung thư vú là gì?
Ung thư vú là sự hiện diện của các khối u ác tính phát triển ở các tế bào vú. Các tế bào ác tính này có thể sinh sôi rất nhanh và lan ra ở các mô xung quanh, hoặc có thể lan rộng ra (di căn) các bộ phận khác trong cơ thể.
Ung thư vú có thể xảy ra ở cả nam và nữ như chủ yếu là nữ giới. Đây là loại ung thư phổ biến thứ 2 ở nữ giới (chỉ sau ung thư da).
1.2. Các giai đoạn của ung thư vú
Bệnh ung thư vú có 5 giai đoạn phát triển bao gồm giai đoạn 0 (zero) là thời kỳ ung thư biểu mô ống chưa xâm lấn tại chỗ (DCIS) và giai đoạn I đến IV (1 đến 4) được sử dụng cho ung thư vú đã xâm lấn. Cụ thể:
– Giai đoạn 0 – giai đoạn tiền ung thư: Các tế bào ung thư không có tính xâm lấn, chỉ bắt đầu tăng trưởng bất thường trong các ống dẫn sữa (ung thư biểu mô ống dẫn sữa).
– Giai đoạn I – giai đoạn xâm lấn: Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư vú đã không còn ở yên vị trí xuất phát mà bắt đầu lan sang các mô vú khỏe mạnh (ung thư vú giai đoạn đầu).
– Giai đoạn II – giai đoạn phát triển: Khối u vú lớn hơn nhưng ung thư chưa lan (di căn) tới phần xa của cơ thể (ung thư vú giai đoạn đầu).
– Giai đoạn III – giai đoạn lan rộng: Các tế bào ung thư vú đã phát triển và di chuyển đến các hạch bạch huyết (ung thư vú tiến triển cục bộ).
– Giai đoạn IV – giai đoạn di căn: Các tế bào ung thư vú đã lan (di căn) tới các khu vực khác của cơ thể. Ung thư vú thường lan tới các xương, não, gan, và phổi (ung thư vú giai đoạn cuối).
1.3. Ung thư vú có thể được chữa khỏi không?
Nhắc đến ung thư nói chung hay bất kỳ một loại ung thư nào khác, nhiều người bệnh thường mang tâm lý “cầm sẵn án tử hình” trong tay. Tuy nhiên, không phải loại ung thư nào cũng là “vô phương cứu chữa” và ung thư vú cũng là một trong số đó.
Nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư vú, tỷ lệ chữa khỏi sau ung thư vú đã tăng lên, số ca tử vong liên quan đang giảm dần. Như vậy, ung thư vú có thể được chữa khỏi và phần lớn là do các yếu tố như phát hiện bệnh sớm, phương pháp điều trị phù hợp và hiểu biết đúng về căn bệnh này.
2. Tìm hiểu về phẫu thuật chữa ung thư vú
Phẫu thuật ung thư vú là một dạng điều trị ngoại khoa phổ biến. Bác sĩ sẽ chỉ định loại phẫu thuật phù hợp dựa theo những đánh giá về tình trạng bệnh, loại ung thư vú, giai đoạn phát triển, kích thước khối u và độ mô học của bệnh,..
2.1. Các loại phẫu thuật chữa ung thư vú thường được áp dụng
– Phẫu thuật cắt bỏ khối u
Đây là một loại phẫu thuật bảo tồn vú hoặc cắt đi phần khối u rộng rãi. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ khối u cùng một phần rìa nhỏ của các mô lành xung quanh. Sau phẫu thuật bảo tồn người bệnh cần kết hợp điều trị xạ trị bổ trợ.
– Phẫu thuật cắt đi hoàn toàn tuyến vú
Loại phẫu thuật này bao gồm việc cắt bỏ toàn bộ tuyến vú, nạo vét hạch nách thành một khối, có bảo tồn cả cơ ngực lớn, cơ ngực bé và thần kinh. Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú giúp tiết kiệm da và đây cũng là phương pháp phổ biến ngày càng được nhiều người bệnh lựa chọn.
– Phẫu thuật loại bỏ phần hạch bạch huyết
Chỉ định phẫu thuật này được áp dụng với các trường hợp ung thư vú đã di căn tới hạch bạch huyết. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ cắt bỏ những hạch gần, hạch đã di căn hoặc nguy cơ di căn cao và thực hiện bảo tồn các hạch còn lại.
2.2. Phẫu thuật chữa ung thư vú có thể áp dụng trong trường hợp nào?
Phẫu thuật là phương pháp điều trị bệnh ung thư vú đầu tiên và cũng là phương pháp phổ biến được chỉ định, nhất là ở những trường hợp ung thư chưa có di căn, cụ thể:
– Giai đoạn 0: Thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u
– Giai đoạn I: Phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc toàn bộ tuyến vú.
– Giai đoạn II: Phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc toàn bộ tuyến vú.
– Giai đoạn III: Thường áp dụng phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú
Bên cạnh việc phẫu thuật, với từng trường hợp và giai đoạn phát triển cụ thể của khối u, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị kết hợp cùng các phương pháp khác như điều trị bằng thuốc, điều trị xạ trị, điều trị hóa trị, liệu pháp hocmon,… Trên hết, người bệnh cần thăm khám trực tiếp, tiến hành các xét nghiệm và sinh thiết tế bào để xác định chính xác tình trạng bệnh và được chỉ định điều trị đúng cách.
3. Phẫu thuật ung thư vú có nguy hiểm không?
Tất các các chỉ định phẫu thuật đều có những mức nguy hiểm và rủi ro nhất định. Biến chứng của phẫu thuật chữa ung thư vú sẽ phụ thuộc vào phương pháp được chỉ định. Thông thường, phẫu thuật ung thư vú sẽ gây đau, chảy máu, nguy cơ nhiễm trùng vết mổ và sưng cánh tay (tình trạng phù bạch huyết).
Một điều cần lưu ý đó là, tiến hành điều trị ung thư vú càng sớm thì tỷ lệ điều trị thành công càng cao và hạn chế được nguy cơ biến chứng. Chính vì thế, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là rất quan trọng. Đối với những trường hợp có nguy cơ ung thư vú cao hoặc tiểu sử gia đình có người bị ung thư vú cần chủ động thực hiện kiểm tra tầm soát ung thư để kịp thời phát hiện sớm bệnh nếu có.
Phẫu thuật chữa ung thư vú sẽ cho kết quả điều trị tốt nếu bệnh được phát hiện sớm và áp dụng đúng phương pháp. Đối với người bệnh ung thư vú điều quan trọng là cần giữ tâm lý vững vàng, suy nghĩ tích cực, hiểu đúng về bệnh để có thể vượt qua bệnh một cách tốt nhất.