Tìm hiểu và thực hiện đúng cách các phương pháp chữa đau dạ dày tại nhà giúp người bệnh thuyên giảm cơn đau, hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày.
Menu xem nhanh:
1. Chữa đau dạ dày tại nhà liệu có mang lại hiệu quả tốt không?
Đau dạ dày chia thành 2 giai đoạn từ đau cấp tính rồi phát triển thành đau mãn tính. Nếu ở giai đoạn cấp tính khởi phát, các tổn thương nhẹ và nông thì phương pháp chữa dạ dày có thể mang lại hiệu quả, tuy nhiên sẽ chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ giảm triệu chứng chứ không thể loại bỏ được bệnh. Sau một thời gian, nếu người bệnh không chú ý ăn uống kiêng khem đúng cách, xây dựng lối sống lành mạnh thì triệu chứng bệnh vẫn có thể quay trở lại.
Trường hợp cơn đau ở giai đoạn mãn tính, những phương pháp điều trị tại nhà vẫn có thể áp dụng nhằm mục đích hỗ trợ điều trị bệnh. Lúc này, người bệnh cần thực hiện các phương pháp đặc trị mới có thể đẩy lùi bệnh. Do đó, người bệnh cần sớm thăm khám tại những cơ sở y tế uy tín, chẩn đoán đúng tình trạng bệnh và thực hiện phác đồ điều trị phù hợp nhất.
2. Các cách chữa đau dạ dày tại nhà được áp dụng phổ biến
2.1. Chữa đau dạ dày bằng thực đơn ăn uống phù hợp
Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị bệnh dạ dày. Vậy người bị bệnh đau dạ dày nên ăn gì, hạn chế ăn những gì? Dưới đây là một số lời khuyên giúp người bệnh xây dựng thực đơn phù hợp:
– Người bị đau dạ dày nên ăn đa dạng các loại hoa quả tươi như bơ, táo, đu đủ chín,…
– Nên uống nước dừa, trà hoa cúc, nước ép nha đam, nước chè dây,…
– Nên ăn các loại rau xanh như lá mơ lông, thì là, mùi tây, cải bẹ xanh, súp lơ,…
– Bên cạnh đó, chế độ ăn của người bị đau dạ dày cần ưu tiên đồ ăn mềm, dễ tiêu hóa và tránh ăn nhiều thực phẩm chiên rán, đồ ăn cay nóng, đồ chua, hạn chế uống bia rượu hay dùng các chất kích thích, bỏ hút thuốc lá.
2.2. Sinh hoạt điều độ, cần tránh bị căng thẳng mệt mỏi
Stress, căng thẳng, mệt mỏi kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân gây đau dạ dày. Cụ thể, khi cơ thể bị các yếu tố trên tấn công sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ tiêu hóa, chán ăn, dạ dày tăng tiết dịch vị làm rối loạn quá trình co bóp ở dạ dày,.. từ đó dẫn tới các bệnh dạ dày thường gặp như đau dạ dày, viêm loét dạ dày.
Chính vì vậy, mỗi người cần xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi làm việc hợp lý, ngủ đủ giấc, tập thể dục điều độ mỗi ngày để tăng cường sức khỏe cũng như tốt cho tiêu hóa, giảm các cơn đau ở dạ dày.
2.3. Xoa bụng, ấn huyệt giảm cơn đau dạ dày
Xoa bụng, ấn huyệt là các phương pháp tác động vật lý lên vùng bụng đang bị đau. Người bệnh thực hiện xoa đều quanh vùng bụng theo chiều kim đồng hồ và kết hợp với việc ấn vào các huyệt sau để tăng hiệu quả giảm đau:
– Bấm huyệt trung quản: Nằm ở điểm trên rốn 4 thốn (1 thốn tương đương với độ dài ngón trỏ khi đã co lại)
– Bấm huyệt thượng quản: Nằm ở điểm trên đường trắng giữa bụng về phía trên rốn 5 thốn
– Huyệt thiên xu: Nằm ở điểm từ rốn sang ngang 2 thốn.
– Huyệt tuyên quang: Nằm ở trên đường trắng giữa bụng với khoảng cách từ rốn xuống 1,5 thốn.
Khi người bệnh đã xác định được các huyệt, thực hiện ấn đầu ngón tay cái day và ấn vào các huyệt này khoảng 1 phút rồi thả ra. Thực hiện động tác này nhiều lần trong ngày sẽ giúp kích thích khả năng tiêu hóa, giảm đau thượng vị, chướng bụng, khó tiêu, đầy hơi,…
2.4. Chữa đau dạ dày áp dụng các bài thuốc từ dân gian
Các bài thuốc dân gian chữa bệnh dạ dày được áp dụng phổ biến như nghệ, mật ong, hoa đu đủ đực, cây nhọ nồi,… Cụ thể:
– Cách chữa đau dạ dày bằng nghệ: Trộn đều hỗn hợp tinh bột nghệ và mật ong. Sau đó ve thành viên nhỏ khoảng 5g, mỗi ngày sử dụng 7 – 10 viên, chia theo 3 lần uống.
– Hỗ trợ giảm cơn đau ở dạ dày bằng mật ong: Hòa mật ong nguyên chất với nước ấm, nên uống vào buổi sáng là tốt nhất sẽ giúp giảm axit, xoa dịu nhanh cơn đau dạ dày.
– Hoa đu đủ đực hỗ trợ chữa bệnh dạ dày: Chuẩn bị một lượng hoa đu đủ đực đã phơi khô sau đó cho vào ấm và thêm nước lọc rồi đun sôi trong 15 phút. Khi nước nguội là có thể uống ngay, nên uống trong khoảng 1 tháng.
– Cây nhọ nồi có tác dụng hỗ trợ chữa đau dạ dày: Lá nhọ nhồi có chứa hàm lượng lớn Tanin, Ecliptin,… Những thành phần này có tác dụng trung hòa dịch axit, hỗ trợ giảm nhanh cơn đau dạ dày. Người bệnh có thể sắc nước lá nhọ nồi uống mỗi ngày sẽ rất tốt cho tiêu hóa.
3. Những lưu ý về thói quen ăn uống đúng cách cho người bệnh bị đau dạ dày
Bên cạnh thực hiện các cách chữa đau dạ dày tại nhà như đã đề cập bên trên, người bệnh cần chú ý tới thói quen ăn uống. Việc làm này giúp hỗ trợ giảm đau và phòng bệnh hiệu quả.
– Đồ ăn nên chế biến thái nhỏ, nấu chín kỹ, mềm. Nên luộc, hấp hay om kỹ thức ăn sẽ giúp người đau dạ dày dễ tiêu hóa và dễ hấp thu hơn là các món xào, rán, chiên dầu.
– Ăn chậm và nhai kỹ, cần tập trung lúc ăn. Tránh việc ăn một lần quá no hoặc để bụng đói quá lâu. Bạn nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong một ngày để duy trì lượng thức ăn trong dạ dày nhằm trung hòa được acid.
– Không nên ăn thức ăn khô cứng, không nên ăn cơm chan cùng canh, để tránh cho nhai không kỹ.
– Không ăn đồ ăn quá nóng hoặc đang quá lạnh. Nhiệt độ thích hợp nên được giữ ấm trong khoảng 40-50 độ C là tốt nhất cho việc tiêu hóa cũng như hấp thu.
– Sau ăn, không nên lao động mạnh hay chạy nhảy ngay.
Chữa đau dạ dày tại nhà với ưu điểm đơn giản, dễ thực hiện, chi phí thấp và cho hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần chủ động thăm khám khi các cơn đau có dấu trở nặng để được xử lý kịp thời.