Chỉ số AST là gì trong xét nghiệm máu?

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Lê Công Dần

Bác sĩ Xét nghiệm

AST là một trong những chỉ số xét nghiệm máu phổ biến và quan trọng. Những thông tin về AST là gì, AST tăng cao nguyên nhân do đâu,… là quan tâm của rất nhiều người.

1. AST là gì? Đọc kết quả xét nghiệm AST?

1.1. AST là gì?

AST là gì? AST (Alanine Aminotransferase) là một trong 4 loại men gan (enzyme) đóng vai trò quan trọng trong phản ánh tình trạng của tế bào gan. AST tìm thấy chủ yếu ở tế bào gan, thận, một lượng nhỏ hơn của nó cũng được tìm thấy trong cơ tim và cơ bắp.

Ở người khỏe mạnh, chỉ số AST trong máu thấp. Khi gan bị hư hại, AST phóng thích vào máu, tăng trước khi có triệu chứng và nhất là khi có các tổn thương gan. Ở người bình thường, chỉ số AST thường ở mức dưới 40Ui/ml.

Xét nghiệm AST là gì?

Chỉ số AST (SGOT) phản ánh tình trạng tế bào gan và giúp đánh giá các bệnh lý về gan.

1.2. Chỉ số AST bao nhiêu là bình thường

Chỉ số AST được cho là trong mức bình thường sẽ có sự khác nhau giữa nữ giới, nam giới và độ tuổi:

– Ở nữ giới: từ 9 đến 32 đơn vị/lít (< 35 U/L)

– Ở nam giới: từ 10 đến 40 đơn vị/lít (< 50 U/L)

– Ở trẻ sơ sinh và trẻ em: < 60 U/L.

Trên đây chỉ là mức định lượng tham khảo, khi có kết quả của chỉ số AST, người bệnh cần trao đổi chi tiết với bác sĩ về chỉ số này để hiểu tình trạng bệnh cụ thể rõ hơn.

2. Nguyên nhân khiến chỉ số AST tăng

Không ít người xét nghiệm máu được bác sĩ kết luận có chỉ số AST tăng cao hơn bình thường tỏ ra lo lắng và không biết nguyên nhân AST tăng là gì. Các bác sĩ cho biết, có rất nhiều nguyên nhân làm cho tình trạng men gan tăng. Sự gia tăng men gan cảnh báo gan đã bị tổn thương ở một mức độ nào đó. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng men gan tăng là:

2.1. Do bệnh viêm gan

Trong số các nguyên nhân gây tăng men gan thì viêm gan do vi rút là phổ biến và nguy hiểm hơn cả. Tình trạng nhẹ chỉ số men gan có thể tăng 1 – 2 lần, trung bình 2 – 5 lần và nặng tăng trên 5 lần. Tế bào gan bị phá hủy càng nhiều thì men gan càng tăng cao. Có những trường hợp viêm gan cấp tính, ung thư gan, men gan có thể lên tới 5000 U/l.

2.2. Nguyên nhân AST tăng là gì? – Do uống nhiều rượu bia

Lượng men gan tăng trong máu người uống rượu bia tùy thuộc vào lượng rượu vào máu và chất lượng rượu. Giá trị của AST thường tăng cao 2 – 10 lần khi gan bị tổn thương do rượu.

Nguyên nhân AST tăng

Uống nhiều bia rượu là một trong những nguyên nhân chính khiến men gan tăng.

2.3. Do bị sốt rét

Men gan cũng có thể tăng cao ở bệnh nhân sốt rét do ký sinh trùng sốt rét, đặc biệt là sốt rét ác tính vì tế bào gan.

2.4. Do bệnh đường mật

Mắc các bệnh lý về đường mật như viêm đường mật, viêm túi mật, sỏi đường mật trong gan, teo đường mật bẩm sinh, áp xe gan đều là những nguyên nhân có thể làm men gan tăng cao.

2.5. Một số nguyên nhân khác

Bên cạnh những nguyên nhân chính kể trên, chỉ số men gan có thể tăng cao đến từ tình trạng ứ sắt, viêm gan tự miễn, bệnh lý tự miễn ở ruột non hay đến từ tác dụng phụ thuốc điều trị một số bệnh,…

3. Xét nghiệm AST chỉ định khi nào và cần lưu ý những gì?

3.1. Khi nào cần thực hiện xét nghiệm

Bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm AST cùng với ALT – một chỉ số men gan khác để đánh giá các triệu chứng rối loạn chức năng gan như:

– Mệt mỏi

– Ăn không có cảm giác ngon miệng

– Nôn mửa thường xuyên

Đau bụng vùng mạn sườn phải

– Vàng da

– Nước tiểu sẫm màu

– Phân nhạt màu

– Ngứa,…

Ngoài ra, AST, ALT cũng được kết hợp với các xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh gan ở một số đối tượng nghiện rượu nặng, có tiền sử tiếp xúc với vi rút viêm gan, người thừa cân, mắc bệnh tiểu đường,…

AST là gì? Khi nào cần xét nghiệm

Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, mỗi người cần chủ động thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán đúng bệnh.

3.2. Những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm

– Với xét nghiệm này, bạn không cần phải nhịn ăn trước khi thực hiện.

– Nên ngưng sử dụng rượu bia và nhóm các loại thuốc điều trị trước khi đi xét nghiệm trong khoảng vài ngày.

– Sau khi lấy máu xong, bệnh nhân nên được nghỉ ngơi, tránh các thao tác mạnh hoặc mang vác các vật nặng.

– Kết quả xét nghiệm có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu mẫu máu bị vỡ hồng cầu, huyết thanh bị đục hoặc do tác dụng của một số thuốc, sản phẩm dẫn tới ảnh hưởng đến hoạt độ của men AST.

– Khi xét nghiệm AST cho ra kết quả tăng bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh cần làm thêm một số xét nghiệm liên quan khác để đưa ra kết luận chính xác như xét nghiệm ALT (Alanine aminotransferase), xét nghiệm GGT (Gamma glutamyl transferase), xét nghiệm ALP (Alkaline phosphatase), xét nghiệm Albumin, Bilirubin, xét nghiệm tiểu cầu, thời gian prothrombin (PT),…

Như vậy, hiểu về xét nghiệm AST là gì cũng như nguyên nhân khiến chỉ số AST tăng sẽ giúp mỗi người chủ động hơn trong việc điều chỉnh chế độ ăn, lối sống thêm khoa học. Đồng thời, với những trường hợp có nguy cơ sẽ thực hiện thăm khám khi cần để được chẩn đoán, điều trị bệnh từ sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital