Chẩn đoán viêm tụy cấp và những điều cần lưu ý

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ Cao cấp, Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ CKII

Nguyễn Quang Tuấn

Bác sĩ Nội Khoa

Viêm tụy cấp có thể được chữa khỏi, song cũng có trường hợp người bệnh bị biến chứng hoặc tử vong. Do đó, cần chẩn đoán viêm tụy cấp sớm để có phương pháp điều trị phù hợp, tránh biến chứng nguy hiểm.

1. Khái quát về bệnh viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp là tình trạng tuyến tụy bị viêm hoặc sưng đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn. Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà bệnh có thể được điều trị khỏi hoặc gặp phải biến chứng nặng, dẫn tới tử vong.

Bệnh lý viêm tụy cấp là rối loạn nghiêm trọng, có tỷ lệ tử vong từ 5 – 15%. Theo thống kê ở các nước phương Tây có khoảng 20% người bệnh viêm tụy cấp có tiến triển nặng và có khoảng 10 – 30% ca nặng dẫn tới tử vong dù đã được điều trị tích cực.

Tại nước ta, những năm gần đây tỷ lệ người mắc viêm tụy cấp cũng có xu hướng gia tăng.

Dù viêm tụy cấp có tỷ lệ tử vong cao, nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh sẽ có cơ hội hồi phục cao.

Chẩn đoán viêm tụy cấp cần được thực hiện sớm ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo.

Viêm tụy cấp là bệnh lý phổ biến, xảy ra khi tuyến tụy bị sưng, viêm đột ngột.

2. Viêm tụy cấp xảy ra là do đâu?

Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm tụy cấp là do rượu bia. Men rượu bia sẽ làm rối loạn men tụy, từ đó kích thích tuyến tụy tăng tiết enzyme vào ruột non và dẫn tới viêm. Việc lạm dụng rượu bia cũng có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như suy thận, xuất huyết hoại tử….

Bên cạnh đó, việc ống tụy hay ống mật bị tắc nghẽn do giun, sỏi, dị vật hoặc khối u cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm tụy cấp.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân gây bệnh là:

– Triglyceride ở trong máu tăng cao

Triglyceride trong máu tăng sẽ kích thích quá trình phân hủy tại tuyến tụy tạo ra axit béo tự do, gây viêm tụy cấp.

– Tiền sử phẫu thuật

Người có tiền sử phẫu thuật vùng xung quanh tuyến tụy, bị chấn thương có thể là yếu tố làm tăng khả năng bị viêm.

– Rối loạn chuyển hóa

Một số rối loạn chuyển hóa hay nhiễm chất độc hóa học, nhiễm vi trùng cũng có thể là nguyên nhân gây viêm tuyến tụy cấp tính.

– Do thuốc

Một vài loại thuốc như Furosemide , 6-MP, Tetracycline, Azathioprin … cũng có thể là nguyên nhân gây viêm tụy cấp.

Ngoài ra, những người có yếu tố dưới đây cũng có nguy cơ mắc bệnh cao:

– Béo phì, thừa cân

– Tuổi trên 70

– “Nạp” từ 2 ly rượu trở lên mỗi ngày

– Sử dụng thuốc lá

– Tiền sử gia đình có người bị bệnh viêm tụy

3. Chẩn đoán viêm tụy cấp bằng những phương pháp nào?

3.1. Chẩn đoán viêm tụy cấp thông qua triệu chứng lâm sàng

Các bác sĩ có thể chẩn đoán viêm tụy cấp thông qua triệu chứng lâm sàng của người bệnh. Các triệu chứng lâm sàng là:

– Vùng thượng vị bị đau dữ dội

Đây là triệu chứng phổ biến của viêm tụy cấp. Cơn đau bụng ở người bệnh có dữ dội hơn khi dung nạp các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, giàu đạm. Đặc biệt, cơn đau có thể lan ra sau lưng và hai bên hạ sườn.

– Buồn nôn và nôn

Buồn nôn và nôn cũng là triệu chứng thường thấy ở những người bệnh viêm tụy cấp. Lúc này, bệnh nhân có thể nôn ra máu loãng hoặc nôn ra dịch nhầy.

– Cảm giác bụng bị chướng, giảm nhu động ruột, bí đại tiện…

– Tùy vào mức độ, tình trạng bệnh mà bệnh nhân còn có thể xuất hiện thêm tình trạng sốt, rối loạn ý thức, nhịp tim tăng…

Nguyên nhân gây viêm tụy cấp.

Bia rượu là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng viêm tụy cấp.

3.2. Chẩn đoán viêm tụy cấp bằng cận lâm sàng

Các phương pháp bác sĩ có thể sử dụng để chẩn đoán bệnh viêm tụy cấp là:

– Xét nghiệm

Nếu bị viêm tụy cấp, nồng độ Amylase máu, đường máu, photphatase kiềm, bilirubin, LDH… của người bệnh sẽ tăng. Ngược lại, calxi máu ở người mắc bệnh sẽ giảm.

– Siêu âm

Siêu âm là phương pháp tốt để chẩn đoán bệnh và loại trừ nguyên nhân đau bụng khác như viêm túi mật, viêm ruột thừa.

– X-quang phổi

X-quang phổi được chỉ định trong trường hợp viêm tụy cấp, để đánh giá tình trạng tràn dịch màng phổi, tổn thương nhu mô phổi. Đây là một dấu hiệu cho thấy độ nghiêm trọng của bệnh, có nguy cơ tử vong cao.

Chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI)

Phương pháp này khắc phục được nhược điểm của siêu âm và cho phép đánh giá kỹ hơn về những tổn thương ở tụy cũng như biến chứng nguy hiểm của bệnh. Cụ thể như đánh giá tổn thương nhu mô, bờ tụy, độ hoại tử và đám dịch quanh tụy…

– Chụp mật tụy ngược dòng

Dù chụp mật tụy ngược dòng không có vai trò trong việc chẩn đoán viêm tụy cấp, song phương pháp này có ý nghĩa trong việc chẩn đoán phân biệt trường hợp viêm tụy cấp do bệnh lý cơ Oddi, tụy nhân đôi và điều trị cấp cứu bệnh do giun, sỏi.

– Siêu âm nội soi

Siêu âm nội soi rất nhạy trong việc phát hiện viêm tụy cấp do sỏi và rất ít khi áp dụng trong giai đoạn cấp.

4. Điều trị viêm tụy cấp tiến hành như thế nào?

Trước khi thực hiện việc điều trị, các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá độ nặng nhẹ của người bệnh bởi tiên lượng xấu của những ca viêm tụy cấp nhẹ chỉ rơi vào khoảng 1%. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong của những ca bệnh nặng không nhiễm trùng là 10 – 15% và tỷ lệ tử vong có biến chứng nhiễm trùng lên tới 30-35%.

Dựa vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị như sau:

Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh sẽ làm giảm nguy cơ biến chứng.

Cần tạo thói quen chăm sóc sức khỏe bản thân bằng chế độ ăn uống lành mạnh, thăm khám sức khỏe định kỳ.

4.1. Điều trị nội khoa

Mục đích của phương pháp này nhằm giảm đau, giảm tiết dịch tụy, phòng chống sốc, nuôi ăn và dùng khác sinh khi người bệnh xuất hiện bội nhiễm cũng như biện pháp hỗ trợ điều trị khác.

– Giảm đau: Có thể sử dụng thuốc giảm đau, giảm co thắt tiêm bắp hoặc tiêm Buscppan

– Giảm tiết dịch tụy: Một số loại thuốc chống tiết dịch vụ như ức chế thụ thể H2 (AntiH2), Octreotide 100mcg X 3 ngày, ức chế bơm proton.

– Dinh dưỡng: Đặt sonde dạ dày

– Phòng và điều trị sốc

– Chỉ định dùng kháng sinh trong trường hợp nặng. Dùng kháng sinh được áp dụng khi người bệnh mới xuất hiện nhiễm trùng huyết, người bệnh suy chức năng 2 cơ quan trở lên và có kết quả nhiễm trùng ở vị trí tuyến tụy hoặc ngoài tuyến tụy.

Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối đơn thuốc của bác sĩ đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng phụ.

4.2. Điều trị bệnh bằng phương pháp ngoại khoa

Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện điều trị bằng ngoại khoa khi:

– Xuất hiện nghi ngờ trong việc chẩn đoán và không loại được bệnh ngoại khoa khác

– Bệnh nhân mắc bệnh đường mật, kết hợp chỉ định can thiệp ngoại khoa để giải tỏa, dẫn lưu đường mật

– Tình trạng của người bệnh không được cải thiện sau khi điều trị nội khoa tích cực.

Bệnh viêm tụy cấp có thể ảnh hưởng xấu tới tính mạng của con người. Do đó, cần tạo thói quen chăm sóc sức khỏe bản thân bằng chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống tích cực. Nếu nghi ngờ bệnh, hãy tới ngay cơ cơ y tế thăm khám và điều trị để có được hiệu quả tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital