Viêm phổi là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp có khả năng gây tử vong hàng đầu ở người già, trẻ nhỏ, người có hệ miễn dịch suy yếu. Sớm phát hiện các dấu hiệu bệnh và chẩn đoán viêm phổi kịp thời giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh, giảm bớt gánh nặng y tế.
Menu xem nhanh:
1. Khi nào cần đi khám viêm phổi?
Bệnh viêm phổi gây tổn thương tại phổi nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn các biến chứng tại nhiều cơ quan khác nhau. Trong đó suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, nhiễm trùng huyết, suy thận, suy tim… là các biến chứng có thể gây tử vong nhanh chóng. Do đó người bệnh không nên chủ quan mà cần chú ý kỹ đến những thay đổi của cơ thể.
Bạn cần đi khám chuyên khoa hô hấp khi xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu như:
– Ho: thường là triệu chứng xuất hiện sớm, mức độ ho tăng dần, lúc đầu có thể ho khan, sau ho thường có đờm đặc, màu vàng, xanh hoặc gỉ sắt. Có khi xuất hiện các triệu chứng tiêu hoá như đau bụng, chướng bụng, buồn nôn.
– Đau ngực: xuất hiện ở hầu hết các ca bệnh, đôi khi là triệu chứng điển hình.
– Khó thở: thở nhanh, tím môi đầu chi, thường xảy ra ở những người có bệnh mạn tính kèm theo.
– Sốt cao đột ngột (39-40 độ C), người rét run. Ngược lại, có thể xảy ra hiện tượng hạ thân nhiệt với người bệnh có sức đề kháng yếu.
Nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc viêm phổi như người thường xuyên hút thuốc lá, làm việc trong môi trường tiếp xúc với khí thải, khói, bụi, hoá chất đi cần kiểm tra định kỳ đề dự phòng bệnh.
2. Quy trình chẩn đoán bệnh viêm phổi tại Thu Cúc TCI
2.1 Chẩn đoán viêm phổi thông qua khám lâm sàng
Khám lâm sàng viêm phổi là bước cơ bản để đánh giá hoạt động của phổi cũng như đường hô hấp. Khám lâm sàng tại Thu Cúc TCI có thể bao gồm các bước như khai thác tiền sử bệnh lý, tiền sử gia đình của người bệnh, thói quen sinh hoạt, đặc thù nghề nghiệp, các loại thuốc người bệnh đang sử dụng (nếu có) và các triệu chứng người bệnh gặp phải.
Để phát hiện các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ thực hiện quan sát, sờ, gõ, nghe, đo… tại các bộ phận nghi ngờ. Ở người bệnh viêm phổi, khi khám phổi có thể thấy tần số thở tăng, co kéo cơ hô hấp (hoặc không); rung thanh tăng, rì rào phế nang giảm, gõ đục; ran ẩm, ran nổ vùng tổn thương. Tại các bộ phận khác có các dấu hiệu bao gồm: mạch nhanh, huyết áp bình thường. Viêm phổi diễn tiến nặng có sốc thường có mạch nhanh, nhỏ, huyết áp thấp…
Thông qua kết quả lâm sàng, bác sĩ có thể phán đoán sơ bộ các vấn đề mà người bệnh đang mắc phải, khoanh vùng bệnh lý và đưa ra các chỉ định tiếp theo.
2.2 Chẩn đoán viêm phổi bằng các xét nghiệm
Tùy vào các triệu chứng được phát hiện qua thăm khám lâm sàng mà bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định xét nghiệm phù hợp. Các xét nghiệm chẩn đoán viêm phổi được sử dụng phổ biến như:
Xét nghiệm công thức máu
Giúp kiểm tra tình trạng nhiễm trùng phổi thông qua số lượng bạch cầu. Người bệnh có biểu hiện nhiễm trùng khi số lượng bạch cầu tăng cao > 10giga/lít. Một số trường hợp bạch cầu giảm < 4,5 giga/lít có thể nghĩ tới viêm phổi do virus.
Chụp X-quang ngực (phổi)
Là xét nghiệm hình ảnh giúp bác sĩ quan sát được tổn thương nhu mô bên trong phổi. Người bệnh mắc viêm phổi trên ảnh phim sẽ xuất hiện đám trắng mờ hình tam giác, có đỉnh hướng về phía rốn phổi. Tuy nhiên có khi chỉ thấy đám mờ hoặc nốt mờ tập trung ở một vùng phổi. Một số trường hợp ít gặp có thể có đám mờ góc sườn hoành.
Nuôi cấy đờm
Người bị viêm phổi sẽ được lấy mẫu đờm từ cơn ho sâu để tiến hành xét nghiệm tìm loại vi khuẩn, nấm gây bệnh. Xác định được tác nhân gây bệnh cụ thể giúp bác sĩ tìm được loại kháng sinh tốt nhất để điều trị viêm phổi.
Chụp CT
Chụp CT (cắt lớp vi tính) giúp quan sát hình ảnh phổi rõ ràng, chi tiết hơn, có thể tìm ra các tổn thương khó thấy mà phim chụp X-quang có thể bỏ sót. Phim chụp CT cho thấy người bệnh viêm phổi có dấu hiệu phế quản hơi, thuỳ phổi viêm không giảm thể tích, bóng mờ phế nang hoặc mô kẽ mới xuất hiện ở một hoặc cả hai bên, có thể kèm theo tràn dịch màng phổi.
Xét nghiệm đo nồng độ Oxy, Cacbon trong máu
Giúp đánh giá mức độ suy hô hấp của người bệnh. Độ bão hòa oxy trong máu lý tưởng là trên 95%. Người bệnh có nồng độ cacbon trong máu tăng, nồng độ oxy giảm <90% có thể bị khó thở, cần được hỗ trợ hô hấp.
Nội soi phế quản
Là thủ thuật giúp quan sát bên trong đường dẫn khí đi vào phổi, từ đó giúp phát hiện các bệnh lý liên quan, các dị vật hoặc bất thường tại phế quản – phổi… Theo đó, bác sĩ sẽ sử dụng một ống mềm, nhỏ, có gắn nguồn sáng, camera để đưa vào thăm dò phế quản người bệnh. Phương pháp này cũng cho phép bác sĩ thu thập các mẫu mô, chất dịch hoặc tế bào trong phổi để thực hiện xét nghiệm, tìm nguyên nhân gây bệnh.
Trong các trường hợp bệnh cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện thêm các xét nghiệm cần thiết khác.
Sự kết hợp giữa khám lâm sàng và cận lâm sàng có vai trò quan trọng giúp chẩn đoán xác định hoặc chẩn đoán phân biệt bệnh viêm phổi với các bệnh lý khác như lao phổi, nhồi máu phổi, giãn phế quản bội nhiễm, ung thư phổi…
3. Lưu ý khi khám viêm phổi tại Thu Cúc TCI
Để nâng cao hiệu quả thăm khám, đồng thời tối ưu thời gian, công sức cho bệnh nhân, dưới đây là các lưu ý mà bạn cần lưu ý khi thăm khám tại Thu Cúc TCI:
– Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin bao gồm thông tin cá nhân (tên, tuổi, CMT, số thẻ BHYT và BHBL). Ngoài ra đừng quên mô tả lại các triệu chứng, tình trạng bệnh đang gặp phải cho nhân viên đăng ký khám.
– Đem theo kết quả, phim chụp, đơn thuốc (nếu có) của lần thăm khám gần nhất.
– Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cafe, thuốc lá… trước khi đến thăm khám.
– Lưu ý bạn cũng nên chọn mặc trang phục thoải mái, thuận tiện cho việc khám…
Hệ thống y tế Thu Cúc TCI với đội ngũ bác sĩ Hô hấp là các chuyên gia đầu ngành, chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm; trang thiết bị y tế hiện đại đã và đang là địa chỉ uy tín trong chẩn đoán viêm phổi. Người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn khám và điều trị bệnh viêm phổi tại đây.