Sau khi mổ ruột thừa nội soi, tốc độ hồi phục của mỗi người là khác nhau. Nhìn chung khoảng 1 – 3 tuần sau điều trị, người bệnh có thể quay trở lại sinh hoạt bình thường. Bài viết sau sẽ cung cấp một số hướng dẫn về chế độ ăn uống, hoạt động tại nhà mà bệnh nhân mổ ruột thừa nội soi và người nhà có thể tham khảo.
Menu xem nhanh:
1. Hoạt động tại nhà
- Nghỉ ngơi bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi. Ngủ đủ giấc sẽ giúp người bệnh nhanh hồi phục sau khi mổ ruột thừa nội soi.
- Cố gắng đi bộ mỗi ngày, tăng dần tốc độ và thời gian. Đi bộ giúp làm tăng lưu thông máu, ngăn ngừa viêm phổi và táo bón.
- Trong khoảng 2 tuần sau khi mổ ruột thừa nội soi người bệnh cần tránh mang, vác nặng.
- Tránh các hoạt động gắng sức như đi xe đạp, chạy bộ hoặc tập aerobic cho tới khi bác sĩ đồng ý.
- Người bệnh có thể điều khiển xe cộ trở lại khi không cần dùng thuốc giảm đau và có thể ngồi thoải mái trong một khoảng thời gian dài.
- Phần lớn mọi người có thể quay trở lại làm việc trong 1 – 3 tuần.
2. Chế độ ăn uống
- Sau khi mổ ruột thừa nội soi, người bệnh đã có thể ăn uống bình thường. Nếu dạ dày khó chịu, hãy thử dùng các loại thực phẩm có vị nhạt, có hàm lượng chất béo thấp như bánh mì nướng, sữa chua.
- Uống nhiều nước.
- Rối loạn tiêu hóa sau mổ ruột thừa nội soi là tình trạng khá phổ biến. Để phòng chống táo bón, người bệnh nên tăng cường bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống hàng ngày. Nếu chưa thể đại tiện bình thường sau một vài ngày, có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc nhuận tràng nhẹ.
3. Sử dụng thuốc
- Với những trường hợp có sử dụng thêm thuốc điều trị các bệnh lý khác, bác sĩ sẽ cho người bệnh biết thời điểm nào có thể sử dụng lại các thuốc này sau khi mổ ruột thừa nội soi. Những bệnh nhân sử dụng thuốc làm loãng máu như warfarin (Coumadin), clopidogrel (Plavix), hoặc aspirin, cần thông báo cho bác sĩ điều trị. Bác sĩ sẽ cho biết người bệnh có nên tiếp tục sử dụng thuốc này hay không và thời điểm nào thì có thể sử dụng trở lại.
- Dùng thuốc giảm đau theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Không dùng hai hoặc nhiều thuốc giảm đau cùng một lúc, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Bởi vì nhiều loại thuốc giảm đau có chứa acetaminophen (Tylenol), chất này có thể gây hại cho gan nếu sử dụng quá liều.
- Nếu cảm thấy khó chịu khi sử dụng thuốc giảm đau, có thể uống thuốc sau bữa ăn hoặc thông báo với bác sĩ để thay thế bằng một loại thuốc giảm đau khác.
Gọi cấp cứu ngay khi:
- Bị ngất
- Đau ngực dữ dội và khó thở hoặc ho ra máu
- Nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra trong các trường hợp sau:
- Người bệnh cảm thấy khó chịu ở bụng và không thể uống nước.
- Thuốc giảm đau không có tác dụng.
- Người bệnh có dấu hiệu nhiễm trùng như vết mổ đau, sưng nóng hoặc đỏ; vết thương có mủ; sốt….
- Vết mổ bị hở
- Có dấu hiệu hình thành cục máu đông, chẳng hạn như đau ở bắp chân, đùi hoặc háng; tấy đỏ và sưng ở chân hoặc háng.