Cảnh báo sỏi tiết niệu từ những bất thường ở đường tiểu

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

“Chào bác sĩ, dạo gần đây tôi thường đi tiểu nhiều và buốt, thỉnh thoảng có những cơn đau vùng lưng hông, nhiều người bảo có thể tôi bị sỏi tiết niệu. Bác sĩ có thể giải đáp giúp tôi những dấu hiệu của tôi có phải sỏi tiết niệu không? Sỏi tiết niệu gây ra những bất thường gì ở đường tiểu? Và ngoài ra còn có dấu hiệu nào nhận biết sỏi tiết niệu?”

Nguyễn Hoàng (Hà Nội)

Chào bạn Hoàng, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến hệ thống y tế của chúng tôi, với những thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Sỏi tiết niệu gây ra những bất thường gì ở đường tiểu

Sỏi tiết niệu là sự lắng đọng của các chất khoáng có trong nước tiểu lâu ngày tạo thành sỏi, khi những viên sỏi lớn dần có thể gây ra bế tắc ở hệ tiết niệu hoặc sỏi di chuyển, cọ xát làm rách và xước niêm mạc, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, nhiễm khuẩn đường tiết niệu… sẽ gây ra những bất thường ở đường tiểu như:

Tiểu buốt

Tiểu buốt có thể là cuối bãi (tiểu gần xong thấy đau buốt ngược từ niệu đạo trở lên bàng quang) hoặc tiểu buốt toàn bãi (trong toàn bộ bãi tiểu bệnh nhân có cảm giác đau tại niệu đạo do sỏi nằm tại niệu đạo).

Cảnh báo sỏi tiết niệu từ những bất thường khi đi tiểu

Sỏi tiết niệu có thể dẫn đến tình trạng tiểu buốt, tiểu khó, tiểu ra máu (ảnh minh họa)

Tiểu ngắt ngừng

Đang tiểu thì tự nhiên dòng nước tiểu dừng lại, sau đó thay đổi tư thế lại tiểu được (đây có thể là triệu chứng của sỏi nhỏ trong bàng quang).

Tiểu khó

Khó tháo nước tiểu trong bàng quang ra ngoài, khi đi tiểu bệnh nhân phải rặn, huy động thêm các cơ thành bụng làm tăng áp lực lên ổ bụng.

Bí tiểu

Bàng quang căng đầy nước nước tiểu, mót đi tiểu dữ dội và liên tục ngày một tăng, nhưng không thể tiểu được.

Tiểu máu

Có thể tiểu máu vi thể (mắt thường không thấy màu đỏ), hoặc máu đại thể (có thể nhìn thấy rõ nước tiểu có màu hồng nhạt).

Dấu hiệu của sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu có thể gây ra hiện tượng tiểu buốt, tiểu khó… Ngoài ra, sỏi có thể có những biểu hiện sau:

Đau vùng thắt lưng

Dấu hiệu sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu có thể gây ra những cơn đau âm ỉ kéo dài hoặc những đau đột ngột ở vùng lưng hông (ảnh minh họa)

Đau vùng thắt lưng là biểu hiện đầu tiên, hay gặp nhất và là lý do chính khiến người bệnh phải đi khám bệnh. Tùy theo vị trí và bản chất của sỏi có thể gây ra những cơn đau như sau:

– Đau âm ỉ kéo dài căng tức vùng hố thận hay vùng mạn sườn thắt lưng, có xu hướng tăng lên sau đợt vận động gắng sức hoặc đau quặn thận.

– Cơn đau xuất hiện đột ngột hoặc sau khi vận động, bắt đầu đau ở vùng mạn sườn thắt lưng, đau lăn lộn, dữ dội, lan ra trước, đau lan xuống vùng bẹn và cơ quan sinh dục cùng bên.

Những cơn đau thường kéo dài vài phút hoặc hơn, sau đó đỡ dần nếu dùng thuốc giảm đau và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu không được điều trị triệt để bệnh có thể gây ra những cơn đau kéo dài và nhiều nguy hiểm khác như suy thận…

Sốt và ớn lạnh

Sỏi tiết niệu dễ khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu, điều này khiến người bệnh bị sốt và ớn lạnh.

Buồn nôn và nôn

Khi bị sỏi tiết niệu có thể gây ra những ảnh hưởng tới đường tiêu hóa và khiến bạn bị buồn nôn và thậm chí là nôn. Nếu bạn cảm thấy buồn nôn thường xuyên thì có thể là do sỏi struvite gây ra, một loại sỏi hình thành khi bị nhiễm trùng đường tiểu.

Đi khám ngay khi có những dấu hiệu của sỏi tiết niệu để được tư vấn biện pháp điều trị phù hợp, kịp thời

Đi khám ngay khi có những dấu hiệu của sỏi tiết niệu để được tư vấn biện pháp điều trị phù hợp, kịp thời

Những dấu hiệu bạn Hoàng đã nói rất có thể là biểu hiện của sỏi tiết niệu, tuy nhiên đây là một bệnh lý phức tạp và có thể gây ra biến chứng. Vì vậy, ngay khi có những biểu hiện nghi ngờ có mắc bệnh, bạn cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa tiết niệu để được tư vấn và có biện pháp điều trị phù hợp.

Tùy tình trạng bệnh, mà bác sĩ sẽ chỉ định nhưng phương pháp điều trị phù hợp như phương pháp tán sỏi không xâm lấn (Tán sỏi ngoài cơ thể), phương pháp tán sỏi ít xâm lấn (Tán sỏi nội soi qua da, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser)…

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital