Menu xem nhanh:
1. Cảm giác buồn nôn ở cổ họng là biểu hiện của bệnh lý gì?
Cảm giác buồn nôn ở cổ họng thường gây khó chịu, nôn mửa, chán ăn khiến cơ thể suy nhược và giảm sức đề kháng. Tuy nhiên trước khi tiến hành điều trị, bạn cần xác định nguyên nhân gây ra cảm giác buồn nôn để có biện pháp khắc phục phù hợp, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp khi có cảm giác buồn nôn ở cổ họng:
1.1. Căng thẳng, lo âu quá mức
Căng thẳng, lo âu khiến bạn cảm giác buồn nôn, bởi stress có thể dẫn đến tình trạng rối loạn hoạt động của hệ thần kinh, khiến bạn nảy sinh ảo giác muốn nôn, ngoài ra căng thẳng, lo âu quá mức còn gây ra tình trạng mệt mỏi, hệ tiêu hóa hoạt động kém, dạ dày quặn lên kèm theo cảm giác buồn nôn kéo dài suốt cả ngày.
1.2. Do bệnh lý
– Rối loạn tiền đình: Bệnh làm cho bệnh nhân buồn nôn và chóng mặt khi thay đổi tư thế đột ngột, kèm theo các triệu chứng khác như mất thăng bằng, ù tai và rung giật nhãn cầu.
– Các bệnh về hệ tiêu hóa: Trào ngược dạ dày thực quản, tắc ruột, viêm dạ dày và tá tràng, tắc ruột, viêm đại tràng cấp và mạn tính… gây cảm giác buồn nôn ở cổ họng khiến cho cơ thể mệt mỏi, ăn không ngon. Viêm túi mật khiến bạn cảm thấy buồn nôn ngay cả trong bữa ăn vì bạn cảm thấy mình đang rất no và không muốn ăn, ngoài ra còn kèm theo đau bụng phía trên bên phải, ợ nóng, đầy hơi… Viêm tụy và viêm ruột thừa cũng khiến bạn cảm thấy buồn nôn ở cổ họng…
– Các bệnh viêm hầu họng: Viêm họng, viêm họng mạn tính, viêm xoang mạn tính cũng gây ra những cảm giác buồn nôn, khô ngứa họng, mũi…
– Ngoài ra các bệnh huyết áp, tim, viêm và suy thận cũng gây ra cảm giác buồn nôn ở cổ họng lúc ban đầu.
1.3. Do tác dụng của thuốc
Buồn nôn ở cổ họng có thể do tác dụng thuốc: một số loại thuốc có tác dụng phụ gây buồn nôn như Bisphosphate chữa bệnh loãng xương, thuốc chữa tiểu đường, thuốc kháng sinh… cũng cần hỏi bác sĩ trước khi dùng.
1.4. Dấu hiệu mang thai
Dấu hiệu mang thai cũng gây nên buồn nôn; ngoài cảm giác buồn nôn, ốm nghén thì mẹ bầu còn có hiện tượng đầy hơi, nôn ói, khó chịu. Đây là biểu hiện thường gặp khi ốm nghén nhưng hoàn toàn là lành tính. Trong thời kỳ đầu mang thai (thường sau 6 tuần tắc kinh) chị em sẽ có biểu hiện như kém ăn, buồn nôn, ói mửa… các biểu hiện ở đa số chị em là nhẹ, không ảnh hưởng tới sinh hoạt, công tác và hấp thụ chất dinh dưỡng và thường là sau tuần thứ 12 thì tình trạng trên dịu dần rồi hết.
2. Biện pháp xử trí khi có cảm giác buồn nôn ở cổ họng
Cảm giác buồn nôn ở cổ họng là hiện tượng thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, vì vậy nếu thấy hiện tượng buồn nôn kéo dài hoặc mẹ bầu bị buồn nôn kéo dài, nôn ra máu thì hãy chủ động đi gặp bác sĩ để có biện pháp điều trị đúng đắn, kịp thời. Tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để trị dứt điểm tình trạng buồn nôn trong cổ họng.