Hiện nay đột quỵ não là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao. Bệnh được nhận định là bệnh cấp tính, xảy ra đột ngột và đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời, đúng cách. Cùng theo dõi bài viết sau đây để tìm hiểu cách phòng bệnh đột quỵ não.
Menu xem nhanh:
1. Đột quỵ não là tình trạng khẩn cấp
Đột quỵ não có tên gọi khác là tai biến mạch máu não, là tình trạng máu không lưu thông ảnh hưởng đến một vùng não bộ. Đột quỵ xảy ra sau khi mạch máu bị tắc nghẽn hoặc vỡ. Từ đó khiến các tế bào thần kinh thiếu oxy và chất dinh dưỡng cần thiết nên các tế bào này chết dần trong vài phút. Điều này khiến mọi hoạt động của cơ thể bị đình trệ.
Bệnh đột quỵ được phân thành 2 loại như sau:
– Đột quỵ thiếu máu cục bộ (chiếm 85% trường hợp): nguyên nhân thường do tắc nghẽn động mạch trong não (do cục máu đông, mảng xơ vữa động mạch, sự tích tụ cholesterol trên thành động mạch. Tình trạng này còn được gọi là nhồi máu não, làm phá hủy một hoặc nhiều vùng não được tưới máu bởi động mạch.
– Đột quỵ xuất huyết: là kiểu một động mạch bị vỡ trong não hoặc ở ngoại vi não. Nguyên nhân gây ra đột quỵ xuất huyết thường do huyết áp cao, vỡ phình động mạch hoặc một túi máu nhỏ trên động mạch bị suy yếu.
Hơn một nửa số người bệnh đột quỵ đối mặt với các di chứng sau đó. Mức độ nghiêm trọng của di chứng phụ thuộc vào yếu tố vùng não bị ảnh hưởng, vùng thiếu oxy càng lớn thì di chứng càng nghiêm trọng. Sau cơn đột quỵ, nếu may mắn sống sót, người bệnh có thể gặp các biến chứng như:
– Chứng mất ngôn ngữ – khó nói hoặc viết
– Có vấn đề về trí nhớ
– Hạn chế vận động hoặc bại liệt hoàn toàn
2. Các dấu hiệu đột quỵ não cần biết
Đột quỵ thường xảy ra đột ngột, dấu hiệu cảnh báo mờ nhạt, xảy ra nhanh rồi biến mất. Do đó, việc nhận biết triệu chứng cảnh báo sớm căn bệnh này vô cùng cần thiết:
2.1. Đau đầu là một trong những dấu hiệu đột quỵ dễ bỏ qua
Đau đầu là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý thần kinh trong đó có đột quỵ não. Tuy nhiên đau đầu do đột quỵ thường đau dữ dội một bên. Đi kèm với triệu chứng này bạn có thể buồn nôn, chóng mặt.
2.2. Tê, yếu nửa người hoặc nửa mặt
Đột nhiên cảm thấy một nửa người tê yếu, tay chân khó nhấc lên, không thể đứng vững thì bạn cần chú ý. Ở khuôn mặt, triệu chứng cảnh báo thường mặt bị tê liệt một bên, khó nói chuyện và thể hiện cảm xúc.
2.3. Giảm thị lực
Thị lực suy giảm đột ngột cũng là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ. Bạn có thể nhìn mờ dần một mắt hoặc hai mắt, mắt đau mỏi và tầm nhìn ngoại biên hạn chế.
2.4. Liệt mặt
Lưu ý khi đột nhiên mặt không cân xứng, miệng méo, nhân trung lệch hẳn sang một bên, nếp mũi má biến mất. Đặc biệt, miệng người bệnh khi cười lệch hẳn sang một bên, không nhắm kín được mắt.
2.5. Nói ngọng
Những bất thường trong giọng nói, khuôn miệng cũng là dấu hiệu đột quỵ não. Cụ thể là nói ngọng bất thường, môi lưỡi tê cường, khó mở miệng. Thậm chí, nhiều người còn nói những câu ngớ ngẩn, dùng từ không phù hợp và không hiểu đối phương đang nói gì.
2.6. Hạn chế trong việc đi lại
Một số trường hợp có sức ở tay chân nhưng khó khăn trong việc phối hợp chúng để thực hiện các hoạt động như cầm thìa, đũa, viết, … Nguy hiểm nhất là người bệnh xuất hiện các chuyển động bất thường. Điều này khiến người bệnh mất thăng bằng, dẫn đến té ngã nguy hiểm.
2.7. Rối loạn nhận thức
Trí nhớ suy giảm, lúc nhớ lúc quên, mất khả năng nhận thức mọi vật xung quanh cũng là triệu chứng của đột quỵ.
Ngay khi cơ thể xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng trên đây, bạn cần báo với người thân để được đưa đến cơ sở y tế. Cấp cứu kịp thời và điều trị sớm giúp hạn chế biến chứng nguy hiểm, cải thiện chức năng hiệu quả hơn.
3. Các cách phòng bệnh đột quỵ dành cho tất cả mọi người
Mặc dù đột quỵ não là căn bệnh nguy hiểm nhưng chúng ta có thể ngăn ngừa bằng các thói quen, việc làm đơn giản sau.
3.1. Cách phòng bệnh đột quỵ là xây dựng thói quen vận động, tập luyện mỗi ngày
Cách phòng bệnh đột quỵ đầu tiên là kiên trì luyện tập thể dục thể thao với tần suất 5 ngày mỗi tuần. Nên chọn bài tập phù hợp với sở thích và sức bền cá nhân, có thể là đi bộ, chạy, đạp xe, bơi lội, yoga, aerobics, …
Duy trì thói quen tập thể dục sẽ giúp tăng cường sức khỏe, nâng cao khả năng lưu thông máu và ngăn ngừa đột quỵ cũng như nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
3.2. Ổn định huyết áp là cách phòng bệnh đột quỵ
Những người có huyết áp cao đối mặt với nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 lần so với người bình thường. Nếu đang ở trong tình trạng đó, hãy kiểm soát huyết áp bằng các cách sau:
– Ăn nhạt hơn, hạn chế thực phẩm có độ mặn cao.
– Tăng cường ăn trái cây, rau xanh nhất là các loại quả giàu Kali như: chuối, khoai tây, khoai lang, đậu, cà chua, …
– Tăng cường bổ sung sản phẩm làm từ sữa ít béo.
– Hạn chế dầu mỡ, giảm hấp thu mỡ bão hòa.
– Bổ sung thực phẩm dồi dào Omega-3 như cá hồi, cá thu, hạt óc chó, …
– Bổ sung chất xơ từ trái cây, rau xanh, ngũ cốc, socola đen, …
3.3. Điều trị bệnh lý liên quan
Cần điều trị các bệnh lý là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ, bao gồm:
– Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ do tim đập nhanh bất thường, không ổn định. Do đó những người mắc bệnh này cần điều trị tích cực để kiểm soát sức khỏe.
– Tiểu đường làm hủy hoại mạch máu, tăng nguy cơ hình thành nên các cục máu đông. Vì thế người bệnh cần theo dõi thường xuyên, kiểm soát đường huyết ở ngưỡng phù hợp.
– Người mắc các bệnh tim mạch khác hoặc cholesterol trong máu cao cũng cần thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp đồng thời thăm khám định kỳ.
3.4. Loại bỏ thuốc lá, đồ uống có cồn ra khỏi cuộc sống
Tránh xa khói thuốc kể cả trực tiếp hay gián tiếp đều làm giảm nguy cơ đột quỵ. Nếu gặp khó khăn khi bỏ thuốc, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.
Bên cạnh đó, cũng không nên lạm dụng bia rượu và đồ uống có cồn vì làm tăng nguy cơ đột quỵ cũng như các bệnh lý gan mật khác.
Trên đây là các cách phòng ngừa đột quỵ đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Ngay từ hôm nay, hãy cùng người thân thực hiện những cách trên để bảo vệ sức khỏe.