Cách phân loại bệnh bạch hầu, chẩn đoán và điều trị

Tham vấn bác sĩ

Bệnh bạch hầu có hai nhóm chính, được phân loại dựa theo vị trí xuất hiện triệu chứng. Trong đó, có một loại hiếm gặp nhưng lại hay xuất hiện ở vùng có khí hậu nóng hoặc mật độ dân số đông. Bài viết sau sẽ chỉ rõ cách nhận biết từng loại và phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh này.

1. Phân loại bệnh bạch hầu

Bạch hầu thuộc bệnh nhiễm độc cấp tính, có khả năng bùng phát thành đại dịch và gây tử vong với tỉ lệ từ 5 – 10%, hoặc gia tăng đột biến (chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi). Trong các thể bệnh, thể tối cấp (ác tính) thường diễn tiến cực nhanh và có khả năng khiến người bệnh mất mạng chỉ sau 24 – 48 giờ, dù đã điều trị tích cực.

Dựa theo vị trí xuất hiện triệu chứng, bệnh này được chia làm nhiều loại, mỗi loại có đặc điểm riêng và kiểu biến chứng khác nhau. Cụ thể như sau:

1.1. Bạch hầu cổ điển

Đây là thể bệnh phổ biến nhất, nó thường ảnh hưởng đến toàn bộ đường hô hấp, bao gồm cả mũi, amidan, cổ họng và dây thanh quản. Trong thể bệnh này, người ta còn chia ra nhiều loại nhỏ, dựa trên vị trí bị ảnh hưởng và triệu chứng điển hình.

Lớp giả mạc trong vòm họng là đặc trưng của thể bệnh cổ điển

Lớp giả mạc trong vòm họng

– Bạch hầu họng: Cổ họng xuất hiện lớp giả mạc dày và dai, màu trắng ngà. Giả mạc bám chắc vào amidan hoặc bao phủ vùng vòm họng, khiến bệnh nhân khó nuốt, kém ăn, người mệt mỏi. Khi bệnh diễn tiến nặng, hạch bạch huyết hình thành và sưng nề dưới hàm. Nếu nhiễm độc nặng hơn, người bệnh có biểu hiện tái mặt, người đờ đẫn, mạch nhanh dần, có thể hôn mê và tử vong sau 6 – 10 ngày.

– Bạch hầu mũi: Vị trí vùng giả mạc ăn sâu vào vòm họng trên, lan sang đường mũi. Nó làm người bệnh bị chảy dịch mũi màu hồng hoặc đỏ. Đồng thời bệnh nhân có biểu hiện tắc nghẽn đường mũi gây khó thở.

– Bạch hầu thanh quản: Lớp giả mạc hình thành tại thanh quản hoặc ở vòm họng và lan dần xuống dưới. Thể bệnh này đặc biệt nguy hiểm, nó tiến triển nhanh và có thể làm tắc đường thở của người bệnh, gây suy hô hấp và tử vong nếu không can thiệp, điều trị kịp thời.

– Bạch hầu cấp (ác tính): Ở giai đoạn sớm của bệnh, người bệnh sốt cao từ 39 – 40 độ C, kèm theo nhiễm trùng và nhiễm độc nặng ở vùng cổ họng. Lớp giả mạc màu trắng ngà lan ra diện rộng, xuất hiện hạch sưng to, làm biến dạng vùng cổ, tạo hình cổ bạnh.

1.2. Bạch hầu da

Thể bệnh này khá hiếm gặp nơi xứ lạnh. Nó phổ biến hơn ở các nước có vùng khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là nơi đông dân cư, môi trường sống ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém. Đặc trưng của thể này là các vết phát ban ngoài da, kèm theo tình trạng lở loét, mụn nước.

Biểu hiện này có thể xuất hiện ở mọi vùng da trên cơ thể. Nó khá dễ nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh thủy đậu, tuy nhiên vết tổn thương thường nông hơn nhưng lâu lành. Một số trường hợp có thể bị đau và sưng tấy quanh vết thương ngoài da, có thể có lớp màng giả tại vị trí vết thương.

2. Cách chẩn đoán, điều trị

2.1. Chẩn đoán bệnh

Ngay khi phát hiện triệu chứng bệnh, bạn cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán ngay. Để xác định chính xác nhất, bên cạnh việc khám lâm sàng, bác sĩ cần tiến hành một vài xét nghiệm để kiểm tra sự tồn tại của vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Các xét nghiệm đó gồm:

Để xác định chính xác thể bệnh bạch hầu, cần làm một số xét nghiệm

Để xác định chính xác thể bệnh bạch hầu, cần làm một số xét nghiệm

– Xét nghiệm nhuộm Gram: Sử dụng dịch hầu họng để sàng lọc vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Xét nghiệm này nhằm đánh giá sơ bộ hình thể vi khuẩn, góp phần xác định nguyên nhân của bệnh.

– Xét nghiệm nuôi cấy: Bằng cách nuôi cấy phân lập và định danh, người ta phân tích được căn nguyên vi khuẩn gây nhiễm trùng và đặc tính kháng thuốc của căn nguyên. Từ đó cho biết căn nguyên gây bệnh ở mức độ nào…

– Xét nghiệm PCR: Được chỉ định trong trường hợp cần đánh giá tình trạng kháng độc tố của kháng thể.

2.2. Điều trị bạch hầu

Hiện nay đã có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh này. Người bệnh được xác định dương tính với khuẩn bạch hầu nên đến cơ sở y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý ngay.

– Dùng huyết thanh kháng độc tố SAD (tiêm trực tiếp): Có thể sử dụng ngay khi nghi ngờ mắc bệnh. Liều dùng huyết thanh không phụ thuộc vào cân nặng, lứa tuổi hay loại bệnh, mức độ bệnh. Ở người bệnh nặng, có thể truyền SAD theo tĩnh mạch. Lúc này bệnh nhân cần được theo dõi kỹ các dấu hiệu phản vệ và sẵn sàng cấp cứu nếu có phản vệ.

– Dùng kháng sinh: Bệnh nhân có thể được tiêm Penicillin G liên tục 2 tuần (cho đến khi hết giả mạc). Mỗi ngày tiêm 2 lần với liều lượng từ 50 – 100 nghìn đơn vị/kg/ngày. Bên cạnh đó còn có thể dùng Erythromycin đường uống hoặc Azithromycin với liều lượng riêng do bác sĩ chỉ định.

Ngoài thuốc kháng độc tố và kháng sinh đặc hiệu, bệnh nhân có thể được hỗ trợ hô hấp (dùng máy thở, thở oxy, mở khí quản) nếu bị suy hô hấp. Đồng thời bệnh nhân được truyền nước điện giải theo nhu cầu để cân bằng điện giải.

Đối với người bệnh bị rối loạn nhịp tim, cần dùng máy tạo nhịp tạm thời. Trường hợp bị biến chứng viêm cơ tim cần, điều trị theo phác đồ viêm cơ tim. Nếu bệnh nhân bị suy thận, có thể xem xét lọc máu liên tục. Nếu bị phù nề nhiều có thể dùng thuốc chứa corticoid.

Penicillin G là kháng sinh đặc hiệu điều trị bệnh này

Penicillin G là kháng sinh đặc hiệu điều trị bệnh này

4. Lưu ý khi điều trị bạch hầu

Bệnh bạch hầu diễn tiến nhanh chóng và rất dễ biến chứng, dẫn đến tử vong. Vì vậy, người bệnh cần phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

Trong quá trình điều trị, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường như sốc phản vệ, bệnh nhân ngừng thở… người nhà cần gọi chuyên viên y tế ngay lập tức.

Đối với bệnh nhân có tiến triển tốt, có thể tự chủ ăn uống, sinh hoạt, cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất để nâng cao đề kháng cho cơ thể. Chú ý giữ vệ sinh cá nhân và tự giác cách ly với người xung quanh để hạn chế lây lan.

Bạch hầu được chia làm nhiều loại, trong đó loại phổ biến và nguy hiểm bậc nhất là thể ác tính, còn thể bạch hầu da hiếm gặp nhưng phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới. Bạn không được chủ quan với bất kỳ thể bệnh nào. Tốt nhất, hãy tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh từ trước. Vắc xin bạch hầu hiện có khá nhiều loại, được tích hợp trong các mũi 3 in 1, 4 in 1, 6 in 1. Trẻ em từ 2 tháng tuổi, phụ nữ có thai và mọi đối tượng đều có thể chích ngừa. Đăng ký chích ngừa tại Phòng tiêm chủng TCI ngay hôm nay để bảo vệ bản thân và gia đình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital