Cách nhận biết vi khuẩn HP kháng thuốc

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa
Vi khuẩn Helicobacter Pylori với cách gọi thân thuộc là HP vốn không còn xa lạ trong cộng đồng. Ước tính tại Việt Nam, có khoảng 70% người trưởng thành bị nhiễm HP. Đây được xem là nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày – tá tràng và ung thư dạ dày. Vì thế việc điều trị kịp thời vi khuẩn HP là rất cần thiết để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm này. Tuy nhiên một vấn đề mới lại phát sinh, gây đau đầu cho các bác sĩ, khiến người bệnh không chỉ phiền não mà còn tốn kém trăm bề là hiện tượng vi khuẩn HP kháng thuốc. Cùng tìm hiểu về hiện tượng này và cách xử lý để tìm ra phác đồ điều trị chuẩn, xử lý triệt để con vi khuẩn “cứng đầu” HP.
cách nhận biết vi khuẩn HP kháng thuốc
Vi khuẩn HP kháng thuốc là vấn đề y tế đáng báo động hiện nay.

Nguyên nhân dẫn đến vi khuẩn HP kháng thuốc

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng rất phổ biến dẫn tới tình trạng vi khuẩn HP kháng thuốc như sau:

Không tuân thủ phác đồ điều trị HP: không ít bệnh nhân khi điều trị các bệnh lý dạ dày do vi khuẩn HP tự ý ngừng sử dụng thuốc khi triệu chứng đã hết (nhưng vi khuẩn HP vẫn chưa hết) hoặc vì một lý do khách quan nào đó mà quên uống. Chính những điều này đã tạo cơ hội cho vi khuẩn HP tồn tại và kháng thuốc. Ở trẻ em, phác đồ kháng sinh điều trị vi khuẩn HP kháng thuốc thường gây ra rối loạn tiêu hóa, mất vị giác, mệt mỏi, đắng miệng…khiến trẻ bị nôn trớ sau khi uống, làm phụ huynh vô cùng lo lắng. Hậu quả là trẻ không theo được phác đồ kháng sinh đúng như lộ trình các bác sĩ đưa ra khiến tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở trẻ em ngày càng trở nên phổ biến. Uống không đúng giờ, uống không đúng liều lượng, uống sai cách cũng là những nguyên nhân khiến vi khuẩn HP kháng thuốc.

Lạm dụng thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh khác: trong quá trình điều trị các bệnh thông thường như viêm họng, cảm cúm,… người bệnh đã sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn HP tiếp xúc với các loại kháng sinh mà lẽ ra có thể tiêu diệt được chúng. Tuy nhiên, để tiêu diệt vi khuẩn Hp trong dạ dày thì thuốc đó phải sử dụng với liều cao hơn, kéo dài hơn so với điều trị nhiễm khuẩn thông thường. Dần dần theo thời gian, vi khuẩn Hp đã tiếp xúc với loại kháng sinh đó sẽ phát triển cơ chế để “né” tránh tác động của kháng sinh và đề kháng hoàn toàn với loại kháng sinh đó.

Vi khuẩn HP kháng thuốc nguy hiểm như thế nào?

Trước khi vi khuẩn HP kháng thuốc thì việc điều trị nó vốn dĩ cũng đã khó khăn. Bản thân vi khuẩn HP trong dạ dày khó bị tiêu diệt với 1 loại thuốc cho nên phác đồ điều trị gồm ít nhất là 2 loại thuốc kháng sinh kết hợp với 1 thuốc giảm tiết axit dạ dày giúp gia tăng hiệu quả của kháng sinh. Chỉ cần vi khuẩn kháng lại một loại kháng sinh trong phác đồ thì việc điều trị đã thất bại.

Cứ tưởng tượng đến một lúc nào đó, vi khuẩn HP kháng được mọi loại thuốc kháng sinh, chúng ta sẽ phải chung sống với nó cả đời. Những người may mắn có được khả năng miễn nhiễm với loại vi khuẩn này sẽ không có vấn đề gì nhưng tỷ lệ này là rất ít. Vi khuẩn HP khi không được điều trị sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày.

Người bệnh sẽ không bao giờ thoát khỏi những triệu chứng rối loạn tiêu hóa khó chịu, các ổ viêm loét ở dạ dày không được kiểm soát sẽ dẫn tới xuất huyết phải cấp cứu ngoại khoa và cuối cùng là ung thư hóa.

cách nhận biết vi khuẩn HP kháng thuốc
Vi khuẩn HP nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như viêm loét dạ dày – trá tràng, ung thư dạ dày… đe dọa sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Cần nhận biết sớm tình trạng vi khuẩn HP kháng thuốc

Để nhận biết vi khuẩn HP kháng thuốc, người bệnh phải thực hiện kháng sinh đồ. Quy trình cụ thể như sau:

  • Nội soi dạ dày và lấy mảnh sinh thiết dạ dày có chứa vi khuẩn HP.
  • Nuôi cấy vi khuẩn HP trong mảnh sinh thiết ở môi trường đặc biệt cho vi khuẩn phát triển.
  • Tiến hành thử tính nhạy của vi khuẩn HP với các loại kháng sinh khác nhau để tìm ra vi khuẩn kháng loại kháng sinh nào. Nếu vi khuẩn vẫn phát triển được trong môi trường đã cấy kháng sinh thì chứng tỏ chúng đã kháng loại kháng sinh đó và không nên sử dụng thuốc này trong quá trình điều trị nữa.

Hiện nay tại Hà Nội, chỉ có một vài bệnh viện đủ khả năng thực hiện kháng sinh đồ vi khuẩn HP, trong đó có Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc.

Lợi ích khi làm kháng sinh đồ vi khuẩn HP

Làm kháng sinh đồ vi khuẩn HP mang lại cho người bệnh nhiều lợi ích:

  • Xây dựng được phác đồ điều trị vi khuẩn HP chuẩn, hiệu quả cao.
  • Tiết kiệm thời gian và tiền bạc vì sử dụng đúng loại thuốc kháng sinh, không cần phải sử dụng đi sử dụng lại những thuốc kháng sinh đã vô tác dụng.
  • Ngăn chặn kịp thời những biến chứng nguy hiểm của vi khuẩn HP đối với sức khỏe.
cách nhận biết vi khuẩn HP kháng thuốc
Làm kháng sinh đồ vi khuẩn HP giúp người bệnh tìm ra phác đồ hiệu quả nhất, rút ngắn thời gian điều trị, tiết kịệm thời gian và tiền bạc.

Khi nào phải làm kháng sinh đồ vi khuẩn HP?

Theo lời khuyên của các bác sĩ, với tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh phổ biến như hiện nay, người bệnh nên làm kháng sinh đồ vi khuẩn HP ngay lần điều trị đầu tiên để kiểm tra xem loại vi khuẩn HP bệnh nhân đang mắc phải có thể bị tiêu diệt bởi kháng sinh gì, từ đó đưa ra phác đồ phù hợp, rút ngắn thời gian điều trị.

Ở những vùng có tỷ lệ vi khuẩn HP kháng thuốc cao như khu vực miền Nam, người bệnh cũng nên làm kháng sinh đồ vi khuẩn HP trước khi điều trị.

Những trường hợp mắc vi khuẩn HP đã điều trị nhiều phác đồ nhưng không hiệu quả nên làm kháng sinh đồ để xác định vi khuẩn HP có kháng thuốc hay không. Trường hợp vi khuẩn HP đã kháng thuốc, cần ngừng ngay phác đồ cũ và chuyển sang phác đồ mới theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital