Hiện nay, cách chữa viêm phế quản chủ yếu bằng thuốc, có thể kết hợp với các biện pháp chăm sóc và dự phòng sau điều trị. Việc dùng thuốc nào với liều lượng ra sao cần có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ. Do đó người bệnh nên tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và điều trị sớm bệnh.
Viêm phế quản là tình trạng lớp niêm mạc các ống phế quản bị viêm, với biểu hiện là hiện tượng niêm mạc phế quản bị sưng và phù nề. Đồng thời khi niêm mạc phế quản bị kích thích sẽ làm tăng tiết dịch nhầy gây bít tắc phế quản cũng như tổn thương lông mao.
Hiện nay, có nhiều cách chữa viêm phế quản như bằng thuốc và thay đổi chế độ sinh hoạt.
Menu xem nhanh:
1. Cách chữa viêm phế quản bằng thuốc
Tùy vào tình trạng viêm phế quản mà bác sĩ sẽ tư vấn loại thuốc chữa bệnh phù hợp. Người bệnh có thể được chỉ định dùng các thuốc như:
– Hạ sốt, giảm đau: Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ > 38.5 độ C. Không nên dùng thuốc hạ sốt chia đều trong ngày, do sẽ làm mất triệu chứng sốt của người bệnh, gây khó khăn cho việc theo dõi diễn biến bệnh. Các thuốc hạ sốt thường hay sử dụng là những chế phẩm có chứa paracetamol như: Paracetamol, panadol, efferalgan…Uống nhiều nước để tránh bị mất nước.
– Ho khan, dùng thuốc giảm ho bằng các thuốc terpin – codein, dextromethorphan. Ho có đờm, dùng thuốc giảm ho long đờm như acetylcystein, guaifenesin, eprazinon dichlorhydrat (dùng cho người lớn).
– Khi có biểu hiện khó thở bạn có thể dùng thuốc giãn phế quản như theophylin, salbutamol, thở oxy nếu cần.
– Người bệnh có thể dùng thuốc kháng sinh trong trường hợp viêm phế quản cấp nghi do vi khuẩn với biểu hiện như: khạc đờm mủ, đờm màu xanh, đờm màu vàng. Bệnh đã diễn biến quá 10 ngày. Xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi tăng cao > 10Giga/ lít.
Những trường hợp bệnh nhân có sốt, đau đầu, đau mỏi người, đau rát họng, ho khan hoặc có khạc đờm trắng, thường là viêm phế quản cấp do virus không cần dùng kháng sinh.
2. Cách chữa viêm phế quản bằng việc thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt
Ngoài việc tuân thủ theo đúng đơn thuốc chỉ định của bác sĩ, người bệnh viêm phế quản cần:
– Bù nước và điện giải: Do người bệnh bị sốt nên có thể gây mất nước. Bệnh nhân nên uống oresol hoặc nước hoa quả (có pha thêm muối).
– Tránh tiếp xúc với chất kích thích, chẳng hạn như khói thuốc lá, không hút thuốc. Mang khẩu trang khi không khí bị ô nhiễm hoặc nếu đang tiếp xúc với chất kích thích, chẳng hạn như sơn hay chất tẩy rửa gia dụng với hơi mạnh.
– Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng. Không khí ấm áp, ẩm giúp giảm ho và làm lỏng chất nhờn ở đường hô hấp.
– Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là vùng mũi họng, cổ, chân, tay.
Người bệnh viêm phế quản cần theo dõi tình trạng sức khỏe tại nhà và đi khám khi thấy dấu hiệu bệnh không thuyên giảm hoặc có chiều hướng nặng hơn.
Chữa viêm phế quản tại chuyên khoa Hô hấp – Bệnh viện Thu Cúc, người bệnh được bác sĩ giỏi trực tiếp điều trị. Với hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại, sẽ giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Từ đó có hướng điều trị hiệu quả, nhanh chóng.
Hiện nay, Bệnh viện Thu Cúc có áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế và bảo hiểm phi nhân thọ, giúp hỗ trợ tối đa chi phí khám chữa bệnh cho mọi người bệnh.