Ung thư vú là một trong những bệnh lý phổ biến và gây tử vong cao nhất ở nữ giới. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để chữa trị kịp thời là rất quan trọng. Bên cạnh thông tin về các triệu chứng và cách chữa ung thư vú, mỗi người cũng cần trang bị kiến thức về cách phòng bệnh hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Ung thư vú và các giai đoạn của bệnh
Ung thư vú là dạng u vú ác tính, do các tế bào tăng sinh không kiểm soát. Phần lớn trường hợp ung thư có nguồn gốc từ các ống dẫn sữa. Ung thư phát triển ở túi sữa hoặc các tiểu thùy chiếm tỉ lệ thấp hơn.
Khoảng 80% trường hợp có thể chữa khỏi ung thư vú nếu phát hiện bệnh ở những giai đoạn đầu. Ngược lại, nếu phát hiện muộn, ung thư vú có thể di căn vào xương và các bộ phận khác, việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Bệnh lý ung thư này phát triển qua các giai đoạn như sau:
1.1. Ung thư vú giai đoạn 0 – Giai đoạn đầu của bệnh
Khối u có đường kính dưới 2cm, chưa di căn tới các hạch bạch huyết. Ung thư cũng chưa lan ra ngoài vú. Người bệnh thường chỉ cần cắt bỏ khối u và kết hợp xạ trị để chữa khỏi ung thư vú.
1.2. Ung thư vú giai đoạn 1
– Giai đoạn 1A: Khối u có kích thước nhỏ từ 2cm, chưa lan đến các hạch bạch huyết.
– Giai đoạn 1B: Khối u di căn từ vú đến các hạch bạch huyết ở nách.
Đây vẫn là giai đoạn sớm của bệnh ung thư vú. Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật kết hợp một số liệu pháp khác trong điều trị.
1.3. Ung thư vú giai đoạn 2
Khối u ở giai đoạn này có kích thước từ 2 – 5cm, được chia thành 2 giai đoạn nhỏ:
– Giai đoạn 2A: Chưa xuất hiện u nguyên phát và chưa lan đến 4 hạch bạch huyết. Hoặc khối u nhỏ hơn 2cm và chưa xâm lấn đến 4 hạch bạch huyết. Hoặc khối u từ 2 – 4cn, chưa di căn tới hạch bạch huyết và hạch dưới cánh tay.
– Giai đoạn 2B: Khối u có kích thước 2 – 4cm, cụm tế bào ung thư tìm thấy trong hạch bạch huyết, 1 – 3 hạch bạch huyết ở nách hoặc gần xương ức. Hoặc khối u lớn hơn 5cm và chưa lan đến các hạch bạch huyết.
Ở giai đoạn 2, người bệnh có thể được kết hợp điều trị phẫu thuật với các liệu pháp xạ trị, hóa trị và kích thích tố.
1.4. Ung thư vú giai đoạn 3
Các khối u lan rộng từ 4 – 9 hạch bạch huyết ở nách hoặc phù các hạch bạch huyết trong vú. Liệu pháp điều trị ở giai đoạn này cũng giống với giai đoạn 2. Trường hợp có khối u nguyên phát lớn, người bệnh cần tiến hành hóa trị để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật.
1.5. Ung thư vú giai đoạn 4
Tế bào ung thư vú lúc này lan rộng và di căn đến nhiều cơ quan trong cơ thể người bệnh. Xương, não, phổi và gan là những cơ quan chính chịu sự xâm lấn của tế bào ung thư. Người bệnh thường được chỉ định điều trị toàn thân tích cực ở giai đoạn cuối của ung thư vú.
2. Triệu chứng ung thư vú
Trước khi tìm hiểu cách chữa ung thư vú, hãy cùng điểm qua các dấu hiệu cảnh báo bệnh. Ung thư vú thường có các biểu hiện như sau:
– Đau âm ỉ vùng ngực, nóng rát, không có quy luật rõ ràng. Đây là một trong những dấu hiệu ung thư vú ác tính giai đoạn sớm. Người bệnh cần kiểm tra ngay khi có triệu chứng này, đặc biệt khi cơn đau xuất hiện liên tục hoặc ngày càng dữ dội.
– Thay đổi màu sắc và tính chất da vùng ngực: Vùng da ngực có thể bị lõm xuống, xuất hiện nhiều nếp nhăn, có mụn nước, ngứa lâu không dứt.
– Sưng hoặc nổi hạch vùng vú: Khối u hoặc vết sưng đau dưới da kéo dài trong vài ngày không rõ nguyên nhân.
– Đau lưng hoặc vai gáy: Người bệnh thường đau phía trên lên hoặc giữa 2 bả vai. Triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với tình trạng giãn dây chằng hoặc các bệnh lý cột sống.
3. Nguyên nhân gây bệnh và đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Hiện nay, y học vẫn chưa kết luận được nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ung thư nói chung cũng như ung thư vú nói riêng. Tuy nhiên, vẫn có các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh được xác định như sau:
– Phụ nữ sinh con muộn, phụ nữ không có khả năng sinh sản hoặc không cho con bú.
– Gen di truyền: Người có thành viên trong gia đình mắc ung thư vú có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.
– Phụ nữ có kinh nguyệt sớm hoặc phụ nữ mãn kinh muộn.
– Người có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến vú như: u xơ tuyến vú, xơ nang tuyến vú,…
– Những người sinh sống trong môi trường độc hại, ô nhiễm.
– Người mắc bệnh béo phì.
– Thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh: Chế độ ăn thiếu hụt vitamin, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu, lười vận động,…
Từ các yếu tố nói trên, có thể thay những trường hợp có nguy cơ cao mắc ung thư vú gồm:
– Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú.
– Người gặp vấn đề về sinh sản như: vô sinh, hiếm muộn, sinh con đầu lòng sau 35 tuổi,…
– Người có tiền sử các bệnh u nang tuyến vú, u xơ tuyến vú, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng,…
– Người phải tiếp xúc thường xuyên với tia bức xạ và các hóa chất độc hại.
4. Cách điều trị ung thư vú
4.1. Phẫu thuật – Cách chữa ung thư vú thường gặp
Phẫu thuật bóc tách sẽ được chỉ định thực hiện đối với khối u nhỏ. Nếu ung thư đã lan rộng, bác sĩ sẽ thực hiện cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú (bao gồm phần da, núm vú và tuyến sữa). Kỹ thuật này được gọi là “đoạn nhũ”.
Các bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện đoạn nhũ tiết kiệm da nhằm tạo thuận lợi cho việc tái tạo tuyến nhũ. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ có thể nạo hạch sinh thiết để phân tích tế bào. Từ đó bác sĩ sẽ xác định ung thư đã di căn tới hạch hay chưa.
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể lựa chọn đoạn nhũ dự phòng – cắt bỏ tuyến vú bên lành. Kỹ thuật này được thực hiện nếu người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao như: tiền sử gia đình mắc ung thư vú hoặc mang gen đột biến có liên quan đến bệnh.
4.2. Liệu pháp xạ trị
Các chùm tia năng lượng cao như tia X và proton sẽ được dùng để tiêu diệt các tế bào ung thư vú. Phương pháp nào có thể thực hiện sau khi đoạn nhũ nhằm đảm bảo loại bỏ hết các tế bào ung thư.
4.3. Cách chữa ung thư vú bằng liệu pháp hoá trị
Đây là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư vú bằng các loại thuốc. Trường hợp tế bào ung thư có nguy cơ cao tái phát hoặc lan rộng thường được áp dụng hóa trị.
Liệu pháp này có thể được thực hiện trước tiên nằm thu gọn khối u lớn để quá trình phẫu thuật thuận lợi hơn. Hóa trị thường được chỉ định khi tế bào ung thư đã lan rộng nhằm kiểm soát tốt hơn các triệu chứng của bệnh.
5. Cách phòng tránh ung thư vú
Khám sàng lọc ung thư vú và kiểm tra sức khỏe định kỳ là giải pháp phòng bệnh hiệu quả. Thời kỳ tiền lâm sàng của bệnh kéo dài từ 8 đến 10 năm. Do đó, việc tầm soát có giá trị cao trong phát hiện và điều trị ung thư vú. Tỉ lệ chữa khỏi có thể lên tới 80% nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn 1. Nếu phát hiện ở giai đoạn 2, tỉ lệ này là 60% và vú được bảo tồn đồng thời. Giai đoạn 3 của bệnh có khả năng chữa khỏi tất thấp. Với ung thư vú giai đoạn 4, việc điều trị chỉ nhằm kéo dài thời gian sống và giảm bớt đau đớn.
Mỗi người cũng cần tăng hiểu biết về bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo bệnh. Từ đó, người bệnh có thể chủ động kiểm tra và được điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần xây dựng lối sống lành mạnh để phòng ngừa ung thư vú:
– Bổ sung rau xanh và thực phẩm giàu phytoestrogens (như đậu nành).
– Cẩn trọng khi sử dụng các loại thuốc có khả năng tăng nguy cơ ung thư vú như: thuốc chống trầm cảm, lợi tiểu,…
– Cân nhắc điều trị bằng hormone ở giai đoạn mãn kinh, bởi việc tăng lượng hormone estrogen có thể làm tăng sự phân chia tế bào vú, tăng nguy cơ phát triển các tế bào bất thường gây ung thư.
– Sinh hoạt điều độ, khoa học; vận động và thể dục – thể thao hợp lý.
6. Kết luận
Bài viết của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đã nêu rõ cách chữa ung thư vú, các yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa. Hy vọng bạn đọc đã nắm được thông tin về bệnh lý này, từ đó kiểm soát hiệu quả sức khỏe của bản thân, phòng bệnh hiệu quả.