Cách chữa chửa ngoài dạ con là những phương pháp nào, cách thực hiện chúng ra sao và cần lưu ý điều gì,…chắc hẳn đều là những câu hỏi được rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm và muốn tìm hiểu. Cùng Thu Cúc TCI giải đáp các vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về bệnh lý chửa ngoài tử cung ở phụ nữ
Thai ngoài tử cung hay còn được gọi là chửa ngoài dạ con, là một rủi ro sản khoa nghiêm trọng đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Nếu thai ngoài tử cung không được sớm phát hiện và có biện pháp điều trị, thì chúng sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng khi khối thai bị vỡ ra. Theo thống kê, đa số các trường hợp thai ngoài tử cung đều làm tổ tại vị trí vòi trứng (chiếm hơn 90%). 10% còn lại thai có thể sẽ làm tổ tại một số vị trí khác như: buồng trứng, ổ bụng hoặc phần thấp tử cung,…
Cấp cứu vỡ thai ngoài tử cung cũng được xem là một biến chứng sản khoa và ca phẫu thuật nguy hiểm trong số các bệnh lý của phụ nữ. Bởi ca phẫu thuật này đòi hỏi cần bác sĩ có chuyên môn cao, kinh nghiệm xử lý nhanh các tình huống khẩn cấp. Nếu thai ngoài tử cung bị vỡ ra mà không được điều trị mổ cấp cứu, chúng sẽ gây chảy máu ồ ạt bên trong ổ bụng, từ đó gây ra những phản ứng nguy hiểm như: các phản ứng sốc, choáng, hạ huyết áp,…thậm chí đe dọa tới tính mạng.
2. Những nguyên nhân chính nào dẫn tới bệnh lý thai ngoài tử cung?
Mặc dù chưa có tài liệu chính xác và đầy đủ nào tổng kết tất cả các nguyên nhân có thể gây ra bệnh lý thai ngoài tử cung, tuy nhiên theo nghiên cứu của các chuyên gia, một số nguyên nhân thường gặp sau đây có thể làm tăng tỉ lệ phụ nữ bị chửa ngoài:
– Việc phụ nữ bị mắc các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa như: nấm Chlamydia, nấm vùng kín, nấm âm đạo,…là nguyên nhân chính khiến phụ nữ bị thai ngoài tử cung. Các bệnh lý phụ khoa không được chữa trị triệt để sẽ gây ra phản ứng viêm lâu ngày, làm bít tắc đường đi của phôi thai khi đã được thụ tinh.
– Những người có tiền sử bị mắc bệnh lý thai ngoài tử cung trước đây cũng sẽ có nhiều nguy cơ sẽ bị tái lại bệnh ở lần mang thai kế tiếp.
– Những ca phẫu thuật có liên quan tới tử cung, vòi trứng, triệt sản,…cũng có khả năng tạo thành sẹo, vết thương, làm ảnh hưởng tới sự di chuyển, làm tổ của phôi thai.
– Tỉ lệ phụ nữ bị thai ngoài tử cung sau khi thực hiện quá trình chuyển phôi sau IVF cũng ngày càng tăng cao. Do đó, chị em cũng cần lưu ý trước khi quyết định sử dụng biện pháp thụ tinh ống nghiệm này.
– Một số bệnh lý ngoại sản nguy hiểm như: u nang, u xơ, nang lạc nội mạc tử cung,…cũng được đánh giá là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ phụ nữ bị thai ngoài tử cung lên gấp nhiều lần.
– Ngoài ra, một số lý do khác có thể làm phụ nữ dễ bị thai ngoài tử cung đó là: hút nhiều thuốc lá, sử dụng nhiều các loại thuốc tránh thai, nhất là tránh thai khẩn cấp, phụ nữ mang bầu khi đã nhiều tuổi (hơn 35 tuổi),…
Bên cạnh các lý do kể trên, có hơn 50% các trường hợp không rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng thai ngoài tử cung. Do đó, chị em phụ nữ cần để tâm và tìm hiểu về các biện pháp chữa trị cũng như kiểm soát bệnh lý, tránh gây xảy ra trường hợp xấu đó là vỡ khối thai ngoài.
3. Thai ngoài tử cung có các phương pháp điều trị như thế nào?
3.1. Cách chữa chửa ngoài dạ con cần dựa vào chẩn đoán bệnh chính xác
Thông thường, sau khoảng 5 – 7 ngày có phát sinh quan hệ tình dục không an toàn, trứng và tinh trùng đã có thể gặp nhau và tạo thành phôi thai. Ở quá trình sau đó, phôi thai sẽ có quá trình di chuyển và làm tổ. Nếu như hiện tượng làm tổ và mang thai bình thường diễn ra, phôi thai sẽ nằm tại buồng tử cung của người mẹ. Tuy nhiên đối với hiện tượng thai ngoài tử cung, phôi thai lúc này sẽ “cư trú” tại các vị trí khác bên ngoài tử cung. Mặc dù vậy, người mẹ vẫn sẽ có một số triệu chứng báo hiệu việc mang thai như: chậm kinh nguyệt, thử que thử thai lên 2 vạch, mệt mỏi như ốm nghén, căng tức ngực,…
Lúc này, để có thể chẩn đoán chính xác xem mẹ có bị thai ngoài tử cung hay không thì cần kết hợp một số yếu tố như sau:
– Thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra chỉ số beta HCG. Chỉ số beta tăng cao báo hiệu bạn đã có thai. Tuy nhiên với trường hợp thai ngoài tử cung, chỉ số này có thể tăng chậm hoặc tăng giảm thất thường.
– Siêu âm đầu dò là một bước làm không thể thiếu để kiểm tra sức khỏe thai kỳ cho mẹ. Khi thai ngoài tử cung xảy ra, các bác sĩ sẽ không thể quan sát thấy hình ảnh túi thai bên trong tử cung. Lúc này, bác sĩ cần kết hợp với chỉ số beta HCG để có căn cứ đưa ra chẩn đoán bệnh lý.
– Trong các trường hợp khó hơn, bác sĩ sẽ có thể chỉ định bệnh nhân làm MRI, nội soi ổ bụng hoặc kiểm tra phần vùng chậu.
3.2. Chi tiết về những cách chữa chửa ngoài dạ con
Tùy vào độ nặng nhẹ của bệnh lý cũng như sức khỏe và mong muốn của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện 1 trong 3 cách điều trị đó là: theo dõi xem thai ngoài tử cung có thoái triển không, điều trị nội khoa bằng cách tiêm thuốc, diều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật.
3.2.1. Theo dõi tình hình thai ngoài tử cung thoái triển
Đây được coi là một biện pháp điều trị như không điều trị đối với thai ngoài tử cung. Lúc này phôi thai sẽ tự dừng phát triển và lớn lên, đồng nghĩa với việc thai lưu hay còn gọi là tự sảy thai. Kết thúc quá trình này, cơ thể sẽ thực hiện nhiệm vụ đào thải khối thai ra bên ngoài. Chị em sẽ gặp phải tình trạng xuất huyết âm đạo tương tự như một chu kỳ kinh nguyệt. Lúc này, lượng máu xuất ra sẽ có xu hướng nhiều hơn kinh nguyệt bình thường, các hiện tượng đau bụng dưới cũng âm ỉ và kéo dài hơn. Chị em sẽ cần theo dõi sức khỏe và lượng máu tiết ra cho tới khi không còn xuất huyết. Sau đó, chị em vẫn cần đi tái khám lại để kiểm tra nồng độ beta HCG đã về mức an toàn chưa, cũng như siêu âm xem còn sót nhau thai hay không.
3.2.2. Phương pháp điều trị tiêm thuốc nội khoa Methotrexate
Thuốc Methotexate (MTX) là một loại thuốc được sử dụng qua đường tiêm, có tác dụng làm ngăn chặn sự phát triển của các tế bào, cũng như giúp chấm dứt thai kỳ của phụ nữ. Sau khi tiêm thuốc vào cơ thể, khối thai ngoài tử cung sẽ hấp thụ thuốc và từ từ ngừng phát triển. Quá trình này thông thường sẽ mất khoảng 4 tới 6 tuần.
Phương pháp tiêm thuốc nội khoa này sẽ giúp chị em phụ nữ bảo toàn được ống dẫn trứng, không phải can thiệp phẫu thuật và gây mê. Tuy nhiên, trong trường hợp sức khỏe của bạn không đảm bảo cho quá trình điều trị, hay bạn đang ở trong giai đoạn cho con bú thì cũng không thể lựa chọn biện pháp này.
Ngoài ra, chị em khi sử dụng biện pháp này cũng cần theo dõi sát sao chỉ số beta HCG cho tới khi chúng đạt mức an toàn (âm tính). Nếu sau khi tiêm liều thuốc đầu tiên, kết quả không đạt lộ trình mong muốn thì chị em sẽ cần tiêm thêm liều thuốc thứ 2.
3.2.3. Biện pháp sử dụng phẫu thuật điều trị thai ngoài tử cung
Trong số các trường hợp mà bệnh nhân không đạt đủ điều kiện điều trị nội khoa, các bác sĩ sẽ buộc phải chỉ định bệnh nhân can thiệp bằng phẫu thuật. Nếu khối thai ngoài tử cung chưa vỡ ra thì thường các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân làm phẫu thuật nội soi. Với một đầu nội soi có gắn camera, bác sĩ sẽ đưa chúng vào bên trong ổ bụng chỉ với một vết rạch tương đương 0,5 – 1cm. Phương pháp này có tác dụng loại bỏ khối thai ngoài tử cung mà không gây mất thẩm mĩ cho phụ nữ.
Bên cạnh phẫu thuật nội soi thì biện pháp phẫu thuật mổ mở (mổ hở) cũng là một biện pháp điều trị thai ngoài tử cung cần lưu ý. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng khi khối thai đã bị vỡ ra, gây chảy máu nhiều và nguy hiểm.
Hi vọng qua những thông tin kể trên, chị em sẽ có cho mình những hiểu biết về chửa ngoài dạ con cũng như các biện pháp chữa trị. Nếu chị em đang cần tư vấn hay đặt lịch khám với bác sĩ, vui lòng gọi tới tổng đài của chúng tôi ngay hôm nay.