Bệnh viêm tiểu phế quản do virut gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng sốt cao, nôn chớ, ho, chán ăn, mất nước…Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, các bậc cha mẹ cần có cách chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản phù hợp. Có như vậy mới giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nên việc điều trị và chăm sóc đúng cách rất quan trọng
Bạn cần cho bé uống thuốc theo đơn của bác sĩ (nếu có) và chú ý hút mũi, đờm dãi, hạ sốt, giảm ho, tăng cường dinh dưỡng…cho bé.
Thường xuyên cho bé uống nước: Cho trẻ uống nước lọc hoặc nước quả. Trẻ có thể uống chậm hơn bình thường do sung huyết. Khi được cung cấp nước, đờm dãi của bé sẽ loãng ra, giảm nguy cơ tắc nghẽn, đồng thời cũng dễ tống thoát đờm ra ngoài hơn.
Làm ẩm không khí: Sử dụng máy làm ẩm và mát không khí hoặc máy bay hơi nước để làm ẩm không khí, giúp làm giảm sung huyết và ho. Cha mẹ cần giữ phòng ấm nhưng không quá nóng vì quá nóng có thể làm không khí bị khô.
Bế đứng trẻ: Giữ trẻ ở tư thế đứng thường làm trẻ dễ thở hơn. Có thể đặt trẻ ngồi ghế có đai giữ.
Giữ môi trường không khí sạch sẽ: Cần tránh để trẻ hít phải khói thuốc, bụi bẩn… vì các tác nhân này có thể khiến tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn.
Làm thông thoáng mũi bé: Cha mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý (NaCl 0,9%), sau đó lau hay hút sạch mũi cho bé. Nếu bé ngạt mũi quá nặng, mũi đặc bạn có thể hỗ trợ bé bằng cách rửa mũi.
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng: Cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn, tăng số lần cho ăn nhưng giảm lượng thức ăn/ lần ăn. Nếu bé đang bú, bạn nên cho bé bú thành nhiều lần, chú ý không cho bé bú nằm vì bé sẽ bị ngạt mũi, và bỏ bú.
Nếu bé đã ăn dặm, bạn nên chế biến thức ăn lỏng và mềm hơn ngày thường. Cho bé ăn lúc còn ấm. Nếu bé nôn chớ, bạn nên bổ sung ngay để đảm bảo đủ năng lượng cho bé.
Vệ sinh tay sạch sẽ khi chăm sóc bé: Người trực tiếp gần gũi và chăm sóc bé cũng cần giữ vệ sinh cá nhân, tay và cơ thể sạch sẽ để hạn chế nguồn lây nhiễm cho bé.
Đưa đến khám bác sĩ: Khi thấy các triệu chứng thể hiện bệnh chuyển biến nặng hơn (như nôn nhiều, bỏ bú, bỏ ăn, thở nông và mạch rất nhanh, da tím tái…) thì cha mẹ cần đưa đến bác sĩ ngay để được điều trị tốt nhất. Bệnh viêm tiểu phế quản đa phần không cần dùng đến thuốc kháng sinh. Do vậy, không được lạm dụng thuốc kháng sinh nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi (do dễ bị bội nhiễm), xẹp phổi, viêm tai giữa. Chính vì thế, các bậc cha mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ và điều trị càng sớm càng tốt bệnh cho trẻ để cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh.