Hôn mê đái tháo đường là một biến chứng đe dọa tính mạng của bệnh đái tháo đường, trong đó bệnh nhân rơi vào trạng thái bất tỉnh. Nếu không được chữa trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong với tỷ lệ lên tới 50%. Hôn mê đái tháo đường chủ yếu là do đường huyết biến động nghiêm trọng và liên tục.
Menu xem nhanh:
Hôn mê đái tháo đường là gì?
Hôn mê do đái tháo đường phát sinh là do hậu quả của bệnh đái tháo đường không thể kiểm soát. Thườn có 3 trường hợp dẫn đến hôn mê là hôn mê do nhiễm toan ceton, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu và hôn mê do hạ đường huyết đột ngột. Các triệu chứng cụ thể của hôn mê đái tháo đường phụ thuộc phần lớn vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nhưng nhìn chung người bệnh thường mệt đột ngột, vã mồ hôi, khó thở, nhịp tim nhanh, chóng mặt, nhìn mờ, kiệt sức, lả đi rồi ngất, đi vào hôn mê. Hôn mê đái tháo đường là một biến chứng nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Triệu chứng của hôn mê do nhiễm toan ceton
Hôn mê do nhiễm toan ceton thường gặp ở những người bị đái tháo đường tuýp 1. Đây là biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều ceton trong máu. Toan ceton phát triển khi có quá ít insulin trong cơ thể. Insulin đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa đường – nguồn năng lượng cho cơ bắp và các mô khác. Nếu không có đủ insulin, cơ thể sẽ chuyển sang phân hủy chất béo như một nguyên liệu thay thế. Đổi lại quá trình này sản xuất ra axit độc hại trong máu là ceton, cuối cùng dẫn tới nhiễm toan ceton nếu không được điều trị.
Các triệu chứng của hôn mê do nhiễm toan ceton bao gồm mệt mỏi, khát nước, buồn nôn, lú lẫn, khó thở, nôn mửa, đau bụng, đi tiểu thường xuyên và hơi thở có mùi trái cây.
Triệu chứng của hôn mê do hạ đường huyết đột ngột
Lượng đường trong máu thấp hay hạ đường huyết có thể dẫn hôn mê đái tháo đường nếu không được điều trị. Tình trạng này xảy ra có thể do người bệnh mắc sai lầm trong điều trị, họ sử dụng thuốc hạ đường huyết quá nhiều hoặc ở giai đoạn đầu, đường huyết chưa ổn định. Đặc biệt nếu người bị đái tháo đường nhịn ăn quá mức, hoạt động thể lực nhiều, có kèm theo các bệnh như suy thận, bệnh tim mạch (dùng thuốc chẹn beta và giãn mạch vành). Các triệu chứng của biến thể này là mệt mỏi, ra mồ hôi, đói cồn cào, lú lẫn, đánh trống ngực, run rẩy, thay đổi hành vi và buồn ngủ.
Triệu chứng của hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu
Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu là tình trạng ngược lại với hôn mê do hạ đường huyết đột ngột. Nguyên nhân là do đường huyết quá cao và mất nước nghiêm trọng. Thông thường hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu xảy ra khi bệnh nhân đái tháo đường mắc các bệnh khác như viêm phổi hoặc cúm, điều trị không đúng liều (quên uống thuốc) hay tiêu thụ nhiều đồ ăn thức uống có chứa đường laten. Các triệu chứng bao gồm đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi, khát nước, buồn nôn, nôn, đau dạ dày, tim đập nhanh và hơi thở có mùi trái cây.
Phòng ngừa hôn mê do đái tháo đường
Tốt nhất nên kiểm tra đường huyết thường xuyên để phát hiện đái tháo đường sớm và điều trị kịp thời. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đái tháo đường cần nhanh chóng đi khám.
Người đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường cần kiểm soát đường huyết chặt chẽ, tuân thủ đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, dùng thuốc đúng liều, đúng giờ. Ngoài ra cần có chế độ ăn uống và vận động phù hợp. Nên ăn đúng giờ, đúng tiêu chuẩn hợp với chế độ dinh dưỡng dành riêng cho người bệnh đái tháo đường, không nên hoạt động thể lực quá mức.