Dẫu bác sĩ đã cho mẹ biết về ngày dự sinh em bé, nhưng nhiều mẹ vẫn không khỏi lo lắng, hồi hộp trong những tuần cuối thai kỳ vì việc sinh đẻ thường khó theo kế hoạch và con có thể chào đời bất cứ khi nào. Do vậy, các mẹ nên ghi nhớ những dấu hiệu chuyển dạ chúng tôi chia sẻ dưới đây để chuẩn bị tinh thần gặp con yêu nhé!
Menu xem nhanh:
1. Sa bụng bầu, bụng bầu tụt xuống là các dấu hiệu chuyển dạ dễ nhận biết
Vào giai đoạn cuối của thai kỳ, em bé trong bụng thường sẽ dịch chuyển dần vào vùng khung xương chậu để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Tình trạng này có thể xảy ra trước vài tuần hoặc vài giờ khi mẹ có dấu hiệu chuyển dạ thực sự. Nếu đây không phải là lần đầu tiên mẹ sinh nở, thì dấu hiệu này có thể bị bỏ qua. Bởi lẽ nhiều mẹ thường không để ý tới hình dạng hoặc vị trí bụng bầu của mình.
Khi có dấu hiệu sa bụng bầu, mẹ có thể sẽ cảm thấy dễ thở hơn vì con yêu trong bụng không còn chèn ép lên phổi. Tuy nhiên, thai nhi tụt xuống khung xương chậu sẽ gây áp lên cổ tử cung và chèn ép bàng quang, khiến mẹ bầu muốn đi tiểu nhiều hơn.
2. Các cơn co thắt tử cung
Các cơn co thắt tử cung thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong thời gian mẹ mang thai. Tuy nhiên, những cơn co thắt này thường xuất hiệu thưa thớt và không đều. Hiện tượng này được gọi là dấu hiệu sắp sinh giả hay co thắt sinh lý Braxton Hicks.
Trong khi đó, những cơn co thắt chuyển dạ thực sự sẽ rất mạnh và đau khiến mẹ bầu cảm thấy vô cùng khó chịu. Hơn nữa, dù đã thay đổi tư thế thì những cơn co thắt này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Thêm vào đó, tần suất của những cơn cơ thắt sẽ diễn ra liên tục và đều đặn hơn, cứ 5 – 7 phút mẹ sẽ thấy một cơn co thắt tử cung kéo dài từ 30 – 60 giây. Vì vậy, các bạn có thể dễ dàng phân biệt được cơn co thắt sinh lý và cơ thắt chuyển dạ thật.
Ngoài ra, tần suất của những con gò tử cung diễn ra liên tục và mạnh mẽ khiến mẹ cảm thấy run rẩy dù không cảm thấy lạnh. Trên thực tế, tình trạng này có thể xảy ra trong hoặc sau sinh, nhưng mẹ cũng đừng lo lắng, bởi lẽ tình trạng run rẩy là biểu hiện tự nhiên của cơ thể, giúp mẹ giảm căng thẳng và lo âu. Để bớt run rẩy, mẹ có thể ngâm mình trong bồn nước ấm hoặc nhờ chồng mát xa.
3. Dịch nhầy cổ tử cung thay đổi
Dịch nhầy tích tụ ở cổ tử cung trong thời gian mang thai sẽ tạo nên nút nhầy cổ tử cung. Vào khoảng tuần thứ 37 – 40 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ thấy vùng kín của mình tiết ra nhiều dịch nhầy hơn. Hiện tượng này được gọi là mất nút nhầy cổ tử cung có tác dụng “dọn đường” cho con yêu chào đời.
Lúc này, dịch nhầy của mẹ có màu trong suốt, hồng, sẫm màu hoặc lẫn một ít máu. Dấu hiệu này cho thấy rằng chỉ một vài ngày tới, con yêu sẽ chào đời. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ này, một số mẹ bầu phải chờ 1 – 2 tuần sau mới thực sự chuyển dạ.
Nếu con yêu đã đủ ngày, đủ tháng nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để được áp dụng phương pháp kích thích chuyển dạ. Mẹ cũng nên lưu ý là nếu dịch nhầy lẫn nhiều máu (gần giống như khi có kinh nguyệt), đây có thể là dấu hiệu sắp sinh nguy hiểm và phải đến bệnh viện ngay.
4. Cổ tử cung giãn nở
Cổ tử cung sẽ bắt đầu giãn ra và mỏng đi trong vài tuần hoặc vài ngày trước khi chuyển dạ nhằm “dọn đường” cho con yêu ra đời. Khi mẹ đi khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ thăm khám âm đạo để đo lường, theo dõi độ giãn và xóa mở của cổ tử cung.
5. Tiêu chảy
Những thay đổi trong chế độ dinh dưỡng, hormone nội tiết tố và việc sử dụng thuốc… đều có thể là thủ phạm khiến mẹ bầu gặp phải hiện tượng tiêu chảy khi mang thai. Tuy nhiên, khi gần tới ngày dự sinh, tiêu chảy có thể là triệu chứng cho thấy mẹ bầu nên chuẩn bị tinh thần để chào đón con yêu chào đời.
Điều này có thể khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi vì bị mất nước. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng không phải lo lắng quá mức vì đây là một phản ứng tự nhiên của cơ thể. Trong thời gian chuyển dạ, mẹ cũng có thể muốn đi vệ sinh. Cách tốt nhất để giải quyết tình trạng này là uống nhiều nước để cơ thể tránh bị mất nước. Nếu hiện tượng tiêu chảy quá nghiêm trọng, mẹ nên nhanh chóng đi khám để được bác sĩ kiểm tra và có biện pháp xử lý thích hợp.
6. Ngừng tăng cân hoặc giảm cân
Vào những tuần cuối của thai kỳ, cân nặng của mẹ thường ổn định, có thể ngừng tăng cân hoặc thậm chí là giảm cân. Đây là điều vô cùng bình thường và mẹ bầu không cần lo lắng vì nó sẽ không ảnh hưởng tới cân nặng của em bé trong bụng. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do lượng nước ối của mẹ giảm đi để chuẩn bị cho bé yêu ra đời.
7. Cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ nhiều hơn
Bụng bầu ngày càng lớn sẽ chèn ép lên bàng quang khiến mẹ bầu phải đi tiểu thường xuyên hơn nên khó có thể ngủ ngon giấc mỗi đêm. Vì vậy, nếu cảm thấy buồn ngủ, mẹ nên tranh thủ chợp mắt để có giữ sức khỏe cho giai đoạn quan trọng sắp tới.
8. Bị đau lưng và chuột rút nhiều hơn
Khi sắp sinh con, mẹ bầu có thể sẽ cảm thấy bị chuột rút thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, tình trạng đau mỏi lưng hoặc hai bên háng trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt nếu đây là lần mang thai đầu tiên, các triệu chứng này có thể sẽ rõ ràng hơn. Nguyên nhân của hiện tượng chuột rút và đau lưng thường xuyên là do các cơ khớp ở xương chậu và tử cung ở những tuần cuối thai kỳ bị kéo căng ra chuẩn bị cho bé yêu ra đời.
9. Vỡ nước ối
Thai nhi sẽ phát triển trong túi ối và túi ối vỡ có nghĩa là em bé đã sẵn sàng chào đời. Thế nhưng, không phải mẹ bầu nào cũng gặp phải triệu chứng này. Theo nhiều nghiên cứu, chỉ có 8 –10% mẹ bầu vỡ ối trước khi sinh.
Tùy từng mẹ bầu mà lượng nước ối chảy ra nhiều hay ít, thành dòng hay nhỏ giọt. Bình thường, nước ối có màu trong suốt hoặc vàng nhạt. Khi túi ối vỡ, mẹ bầu nên ghi lại thời gian vỡ ối, màu sắc và lượng nước ối rồi tới bệnh viện ngay lập tức. Các bác sĩ cũng khuyên các mẹ bầu nên thận trọng hơn nếu bị vỡ ối trước tuần thứ 37 của thai kỳ.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp các mẹ nắm rõ được các dấu hiệu chuyển dạ chính xác nhất. Chúc các mẹ có một thai kỳ trọn vẹn, mẹ tròn con vuông.