Trong xét nghiệm máu các chỉ số men gan cảnh báo sức khỏe gan mật không phải ai cũng biết. Dưới đây là các chỉ số men gan bạn cần biết.
Menu xem nhanh:
1. Men gan và những vai trò của men gan
1.1 Định nghĩa về men gan
Ở trong gan tồn tại hệ thống những enzyme hoàn chỉnh. Trong đó bao gồm ALT, AST, GGT, … Tất cả có chức năng hỗ trợ gan trong quá trình lọc bỏ những độc tố trong cơ thể. Từ đó, cơ thể sẽ được hỗ trợ hoàn thiện tổng hợp, chuyển hóa chất. Và các enzyme này được gọi chung với tên là men gan.
1.2 Những vai trò của men gan
Trong quá trình chuyển hóa thức ăn, gan đóng một vai trò rất quan trọng. Đồng thời, đây cũng là cơ quan thanh lọc và đào thải độc tố của cơ thể. Cụ thể, những chất dinh dưỡng từ thức ăn sẽ được đưa về gan. Sau đó, nhiệm vụ của gan là thanh lọc và chuyển hóa những dưỡng chất cần thiết, phù hợp với cơ thể. Những độc tố từ đó cũng sẽ được loại bỏ.
Đặc biệt, khi tình trạng cơ thể có vấn đề, bộ phận chịu ảnh hưởng nhiều nhất cũng thường là gan. Khi đó, chỉ số men gan sẽ có những thay đổi báo hiệu bất ổn. Những enzyme trong tế bào sẽ được giải phóng, hòa tan trong máu. Do đó, trong máu sẽ có một lượng men gan nhất định. Càng ngày, khối lượng này sẽ càng tích tụ nhiều thêm. Thậm chí, nếu tình trạng cơ thể không cải thiện, chỉ số này có thể tăng cao bất thường.
2. Các chỉ số men gan bạn cần biết
2.1 Có bao nhiêu loại chỉ số men gan?
Thông thường có 4 loại men gan (enzym) bao gồm: AST (Aspart transaminase) hay còn gọi là SGOT; ALT (Alanin transaminase) hay còn gọi là SGPT (Serum glutamic pyruvic transaminase); Alkaline phosphatase; GGT (Gama glutamyl transpeptidase).
Trong 4 loại men gan thì AST (SGOT) và ALT (SGPT) đóng vai trò chủ yếu phản ánh tình trạng của tế bào gan.
2.2 Chỉ số men gan thông thường
Kết quả chỉ số men gan bình thường khi không có thông số vượt mức cho phép. Cụ thể:
– Chỉ số GPT (ALT) có mức giới hạn <= 40 IU/I.
– Chỉ số GOT (AST) có mức giới hạn từ <= 37 IU/I.
– Chỉ số GGT có mức giới hạn là 7 – 32 IU/I.
– Chỉ số ALP có mức giới hạn là 30 – 110 IU/I.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các chỉ số men gan như ALT hay AST có thể nhỉnh hơn mức bình thường. Nhưng sự chênh lệch này sẽ không quá cao, chỉ gấp từ 2 – 3 lần. Đối với chỉ số GGT sẽ có thể cao hơn từ 1 – 2 mức.
3. Chỉ số men gan cao và những vấn đề liên quan
Chỉ số men gan tăng cao là dấu hiệu ban đầu cảnh báo bệnh lý tổn thương gan và các cơ quan khác trong cơ thể. Cụ thể như:
3.1 Viêm gan virus cấp
– GOT, GPT đều tăng rất cao so với bình thường (có thể > 1000 IU/l), nhưng mức độ tăng của GPT cao hơn so với GOT, tăng sớm trước khi có vàng da, ở tuần đầu vàng da (tăng kéo dài trong viêm gan mạn tiến triển).
– Hoạt độ GOT, GPT tăng hơn 10 lần, điều đó cho biết tế bào nhu mô gan bị hủy hoại mạnh. GOT tăng >10 lần bình thường cho biết tế bào nhu mô gan bị tổn thương cấp tính. Nếu tăng ít hơn thì có thể xảy ra với các dạng chấn thương gan khác.
GOT, GPT tăng cao nhất ở 2 tuần đầu rồi giảm dần sau 7- 8 tuần.
3.2 Viêm gan do nhiễm độc
– GOT, GPT đều tăng nhưng chủ yếu tăng GPT, có thể tăng gấp 100 lần vo với bình thường. Đặc biệt tăng rất cao trong nhiễm độc rượu cấp có mê sảng, nhiễm độc tetrachlorua carbon (CCl4), morphin hoặc nhiễm độc chất độc hóa học… Mức độ của LDH cao hơn các enzym khác: LDH > GOT > GPT.
– Tỷ lệ GOT/GPT > 1, với GOT tăng khoảng 7 – 8 lần so với bình thường, thường gặp ở người bị bệnh gan và viêm gan do rượu.
3.3 Viêm gan mạn, xơ gan do rượu và các nguyên nhân khác
– GOT tăng từ 2- 5 lần, GPT tăng ít hơn, mức độ tăng GOT nhiều hơn so với GPT.
– Tắc mật cấp do sỏi gây tổn thương gan
– GOT, GPT có thể tăng tới 10 lần, nếu sỏi không gây tổn thương gan thì GOT, GPT không tăng.
3.4 Vàng da tắc mật
GOT, GPT tăng nhẹ, mức độ tăng không đáng kể kết hợp với alkaline phosphatase tăng hơn 3 lần so với bình thường. GOT, GPT tăng chậm đều đến rất cao (có thể hơn 2000 U/l), sau đó giảm đột ngột trong vòng 12 – 72h thì được coi như là một tắc nghẽn đường dẫn mật cấp tính.
3.5 Một số trường hợp khác
GOT còn tăng trong nhồi máu cơ tim cấp và trong các bệnh về cơ, nhưng GPT bình thường.
Ngoài ra GOT, GPT tăng nhẹ còn gặp trong một số trường hợp có điều trị như dùng thuốc tránh thai, thuốc chống đông máu.
4. Chỉ số men gan tăng cao phải làm gì?
Khi có kết quả chỉ số men gan tăng cao, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
– Khi được chẩn đoán men gan cao, người bệnh cần được bác sĩ chỉ định một số kiểm tra cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây men gan cao để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
– Xây dựng cho mình một chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Không nên thực hiện các chế độ ăn kiêng không có cơ sở khoa học. Bổ sung chất đạm, các loại vitamin và khoáng chất.
– Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho gan như: oliu, chanh, bơ, tỏi, rau xanh lá, hạt ngũ cốc, …
– Không ăn những thực phẩm bị ôi thiu, không vệ sinh, không rõ nguồn gốc.
– Tránh sử dụng những loại đồ ăn nhiều chất béo như đồ chiên rán, đường, muối, …
– Rượu, bia là những đồ uống cấm kỵ đối với người bị men gan cao.
– Bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày để giúp gan đào thải độc tố.
– Có chế độ làm việc hợp lý, cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Tránh tình trạng bị căng thảng, làm việc quá sức gây ảnh hưởng tới gan.
– Tập thể dục đều đặn mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng, đẩy lùi bệnh tật.
– Sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tránh sử dụng nhiều loại thuốc cùng một lúc tạo gánh nặng cho gan. Không tự ts sử dụng các loại thuốc điều trị.
Ngoài ra, người có chỉ số men gan cao cần thăm khám sức khỏe định kỳ để được bác sĩ theo dõi chẩn đoán điều trị hiệu quả.