Bệnh đường ruột rất phổ biến, tấn công mọi đối tượng và không phân biệt tuổi tác. Nhận biết triệu chứng các bệnh đường ruột thường gặp sẽ giúp bạn dễ dàng điều trị và phòng ngừa chúng hơn.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao bệnh đường ruột lại rất phổ biến
Theo cấu tạo, đường ruột bao gồm hai phần chính là ruột non và ruột già. Đường ruột đảm nhiệm vai trò tiêu hóa, hấp thu dưỡng chất, đồng thời lưu trữ và đào thải chất cặn bã ra khỏi cơ thế. Do là cơ quan tiếp xúc với nhiều thức ăn và chất thải nên đường ruột có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.
2. 4 căn bệnh đường ruột thường gặp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe
2.1. Viêm đường ruột – bệnh lý tiêu hóa thường thấy
Viêm đường ruột là tình trạng viêm ở ruột do vi khuẩn và virus gây ra. Căn bệnh này được chia làm 2 dạng chính là viêm ruột kết (đại trực tràng) gây loét và bệnh crohn (thường xảy ra ở ruột non). Trong đó, crohn là bệnh khá nguy hiểm khi các vết viêm loét có thể ăn sâu vào thành ruột.
Khi bị viêm ruột, người bệnh thường có các biểu hiện:
– Tiêu chảy kéo dài 2 đến 3 ngày hoặc hơn tùy theo mức độ bệnh.
– Số lần đi ngoài rất nhiều (>10 lần/ngày) dẫn đến cơ thể mất nước, tụt huyết áp, tim đập nhanh…
– Người bệnh cũng có thể bị táo bón, đây có thể là kết quả của sự tắc nghẽn trong ruột.
– Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng như ăn kém, sốt, sụt cân, mệt mỏi…
2.2. Nhiễm trùng đường ruột – bệnh liên quan chặt chẽ đến thói quen ăn uống
Nhiễm trùng đường ruột là căn bệnh đường tiêu hóa rất phổ biến, có nguyên nhân phần lớn đến từ thói quen ăn uống không đảm bảo hoặc sử dụng phải thực phẩm chứa vi khuẩn gây bệnh.
Khi bị nhiễm trùng đường ruột, người bệnh có biểu hiện
– Xuất hiện rối loạn tiêu hóa, lúc tiêu chảy lúc táo bón. Có thể bị tiêu chảy nặng gây ra mất nước với biểu hiện mệt mỏi, môi khô, mắt trũng sâu…
– Người bệnh bị đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, có cảm giác đau co thắt ở bụng.
– Cảm giác chán ăn, buồn nôn, ăn không ngon miệng do các rối loạn tiêu hóa gây ra.
2.3. Viêm đại tràng co thắt – bệnh đường ruột có xu hướng gia tăng
Đây là tình trạng rối loạn chức năng đại tràng nhưng không tìm thấy tổn thương khi nội soi. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Khi bị viêm viêm đại tràng co thắt, người bệnh thường có các biểu hiện:
– Người bệnh bị đau bụng, cơn đau có thể đau âm ỉ hoặc đau dữ dội, không kéo dài quá lâu. Cơn đau bụng có thể giảm đi sau khi đi đại tiện.
– Gặp phải các rối loạn đại tiện: thường là tiêu chảy hoặc táo bón, hai triệu chứng này đan xen xuất hiện.
– Ngoài ra người bệnh bị chướng bụng, đầy hơi, có cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng nên dễ nhầm lẫn với các bệnh dạ dày.
2.4. Viêm loét dạ dày tá tràng – Bệnh đường ruột rất phổ biến
Viêm loét dạ dày tá tràng được đặc trưng bởi các tổn thương ở niêm mạc dạ dày. Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh là do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) hoặc do lạm dụng thuốc kháng sinh và thói quen ăn uống, sinh hoạt không phù hợp.
Khi bị viêm loét dạ dày tá tràng người bệnh có biểu hiện:
– Vùng thượng vị có cảm giác bỏng rát, đau âm ỉ nhất là vào ban đêm hoặc khi bụng đói. Cơn đau thượng vị có thể kéo dài trong vài giờ, vài ngày hoặc lâu hơn.
– Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện một số triệu chứng khác như ợ nóng, ợ hơi, đầy bụng, nôn và buồn nôn, chán ăn…
Khi nào bị bệnh đường ruột bạn cần đến gặp bác sĩ?
Bạn nên đến bệnh viện ngay nếu nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu:
– Người bệnh xuất hiện triệu chứng tiêu chảy 3-4 ngày không đỡ dẫn đến mất nước với biểu hiện khô miệng, tiểu ít, da nhăn nheo…
– Cơ thể sốt cao hơn 39 độ C.
– Đi ngoài quan sát thấy máu lẫn trong phân.
3. Cách điều trị bệnh đường ruột hiệu quả là gì?
Với các trường hợp rối loạn tiêu hóa nhẹ, người bệnh có thể điều chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt để cải thiện các triệu chứng của bệnh
Tuy nhiên, nếu các triệu chứng nghiêm trọng, liên quan đến các bệnh lý về đường ruột như nhiễm khuẩn, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng co thắt… thì bạn nên nhanh chóng thăm khám chuyên khoa tiêu hóa. Sau khi được chẩn đoán chính xác bệnh, nguyên nhân gây ra bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp điều trị phù hợp.
Thông thường đối với các bệnh đường ruột, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc để tiêu diệt vi khuẩn HP (nếu có), điều trị viêm và ngăn ngừa các triệu chứng.
Lưu ý: Bạn tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc thay đổi liều lượng thuốc dùng để tránh gây kháng thuốc hoặc các tác dụng phụ không mong muốn.
4. Phòng ngừa và các thiện các bệnh đường ruột
Các bệnh đường ruột hầu hết có nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn HP hoặc xuất phát từ thói quen và chế độ ăn uống không phù hợp. Do đó, muốn phòng ngừa bệnh, chúng ta cần:
– Bổ sung vào thực đơn nhiều rau củ quả tươi, giàu chất xơ, sữa chua để giúp kích thích tiêu hóa, làm sạch đường ruột
– Xây dựng bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, hạn chế sử dụng thực phẩm cay nóng, nhiều đường, nhiều muối hoặc nhiều dầu mỡ.
– Không nên ăn quá no, không nên nhịn ăn sáng, không nên ăn đêm, nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, nhai kỹ ăn chậm, đảm bảo uống đủ nước trong ngày.
– Không nên tiêu thụ đồ uống chứa cồn hay chất kích thích như rượu bia, nước ngọt có ga.
– Có thể làm sạch đại tràng định kỳ bằng nước ép táo, nước chanh, tẩy giun…
– Ngủ đủ giấc, đúng giờ, tăng cường vận động, rèn luyện thể chất, tránh xa căng thẳng.
– Thực hiện nội soi tiêu hóa định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ.
Đường ruột là một trong những cơ quan dễ gặp vấn đề nhất của cơ thể chỉ đứng sau đường hô hấp. Bệnh đường ruột cũng gây ra nhiều phiền toái và cả những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng. Do vậy, trang bị thông tin về các bệnh đường ruột giúp bạn có cách xử lý phù hợp để bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa.