Biến chứng nhồi máu não có tỷ lệ tử vong cao. Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não gồm hai dạng là nhồi máu não và xuất huyết não, trong đó tỷ lệ nhồi máu não chiếm đến 85%. Đừng chủ quan với căn bệnh nguy hiểm này.
Menu xem nhanh:
1. Nhồi máu não nguy hiểm thế nào?
Nhồi máu não là tình trạng động mạch não bị tắc nghẽn, lúc này một bộ phận não bị suy giảm chức năng và hoạt động bị rối loạn.
Khi bị nhồi máu não, khoảng thời gian cấp cứu vô cùng quan trọng. Nếu không được chữa trị kịp thời thì nguy cơ hoại tử cao. Khi đó, phần não bị hoại tử do bị nhồi máu khó hồi phục, có trường hợp không thể hồi phục. Vùng não bị tổn thương sẽ quyết định người bệnh tàn phế hoặc tử vong.
Nhồi máu não sẽ gây ra những tổn thương cho tế bào thần kinh. Các biến chứng nhồi máu não thường gặp là: liệt, méo miệng, nói ngọng, lở loét do nằm lâu,…Nhồi máu não không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh mà còn có thể là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
2. Biến chứng nguy hiểm của nhồi máu não
Biến chứng của nhồi máu não rất đa dạng và phụ thuộc vào vị trí mạch máu não bị tắc nghẽn. Trong đó có các triệu chứng điển hình như: liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn nhận thức,…
2.1 Biến chứng nhồi máu não: liệt vận động
Người trải qua cơn đột quỵ nhồi máu não có thể xảy ra các biến chứng làm hạn chế khả năng vận động. Ví dụ như: liệt mặt, liệt nửa người, liệt tay, liệt chân. Những bệnh nhân này với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tắm giặt,…phải cần đến sự giúp đỡ của gia đình. Theo thống kê, có đến 90% người bị nhồi máu não sẽ bị liệt nửa người và giảm khả năng vận động. Đây là di chứng nặng nhất sau tai biến nhồi máu não.
– Liệt mặt: Thường thì bệnh nhân sẽ bị liệt một nửa dưới mặt, miệng méo sang một bên, nhân trung bị lệch. Người bệnh khi ăn uống rất khó vì miệng không thể khép chặt được. Còn nếu liệt nửa trên của mặt thì biểu hiện là mắt không nhắm kín được.
– Liệt chân, tay: Bệnh nhân sẽ có biểu hiện là yếu tay và chân. Khi yếu tay, người bệnh không thể giữ được lâu khi đưa tay ra phía trước. Ngoài ra, người bệnh không thể tự đi lại, nếu bị liệt hoàn toàn thì không cử động được.
Biến chứng liệt nửa người sẽ khiến bệnh nhân thường bị viêm loét ở những vị trí bị tì đè lâu. Có thể kể đến như xương cụt, ụ ngồi, gót chân,… Ngoài ra, khi nằm một chỗ quá lâu, không vận động có thể dẫn đến các bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp, tiết niệu. Người nhà và bệnh nhân cần hết sức lưu ý với những biến chứng này.
2.2 Biến chứng nhồi máu não: rối loạn ngôn ngữ
Chứng bệnh thường gặp nhất sau cơn đột quỵ là người bệnh mất tiếng hoặc nói ngọng. Đây là một di chứng rất phổ biến và thường gặp. Bệnh nhân nói được rất ít từ, không thể nói thành câu hoàn chỉnh. Nếu tình trạng nghiêm trọng nhiều người bệnh không thể nói được. Nguyên nhân là do vùng não đảm nhận chức năng ngôn ngữ đã bị tổn thương và không được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, người bệnh còn không thể nói chính xác sự vật hay sự việc mà họ muốn diễn tả. Họ nói bập bẹ như trẻ đang tập nói, nói lắp, mất nhịp điệu, âm ngữ bị biến đổi,…
2.3 Suy giảm nhận thức
Người bệnh sau khi bị nhồi máu não sẽ bị suy giảm nhận thức, nghiêm trọng hơn là mất trí nhớ. Nhiều trường hợp phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hồi phục được. Tuy nhiên, người bệnh khó có thể quay trở lại công việc phức tạp và yêu cầu trí tuệ minh mẫn như trước đây.
2.4 Thị lực giảm
Dấu hiệu thị lực sau khi bị nhồi máu não là nhìn mờ một bên hoặc cả hai bên mắt. Đây là biến chứng rối loạn thị giác.
2.5 Rối loạn tiểu tiện
Người bệnh khi này sẽ không tự chủ được tiểu tiện và đại tiện. Người nhà cần phải để ý và chăm sóc kỹ càng, nếu không được vệ sinh sạch sẽ có thể dẫn đến viêm đường tiết niệu.
Ngoài ra, nhồi máu não cũng có thể xảy ra một vài biến chứng phổ biến khác. Ví dụ như mất cảm giác, khó nuốt, đau đầu, buồn nôn, co giật, đi lại khó khăn,…
3. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh
Những người có nguy cơ cao bị nhồi máu não là người có tiền sử bệnh huyết áp cao, tiểu đường, máu đông, bệnh mạch máu não,… Đây là những yếu tố làm tăng khả năng hình thành các huyết khối bất thường, làm tổn thương động mạch dẫn đến nhồi máu não.
Ngoài ra, những người thường xuyên hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, sử dụng chất kích thích cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. Người bị béo phì, người hay căng thẳng lo lắng, lười vận động,…cũng là các đối tượng có nguy cơ cao.
4. Lời khuyên của chuyên gia
Để phòng ngừa bệnh nhồi máu não, bạn cần hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Bên cạnh đó, hãy xây dựng một lối sống tích cực, lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, từ bỏ rượu bia và thuốc lá.
– Ăn nhiều rau xanh và trái cây: Bổ sung vitamin và chất xơ, rất hiệu quả trong việc phòng ngừa đột quỵ. Giảm ăn mặn, các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol, hạn chế đồ uống có cồn. Giữ trọng lượng cơ thể ổn định ở mức cho phép, tránh tăng cân, béo phì.
– Uống nhiều nước: Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể có thể làm loãng nồng độ trong máu. Do đó, làm thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, giúp cơ thể đào thải những chất độc hại ra ngoài. Đặc biệt, nên uống một cốc nước vào buổi sáng sau khi thức dậy. Việc này có thể ngăn ngừa tắc nghẽn mạch máu và thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
– Tập thể dục đều đặn mỗi ngày để tăng cường sức khỏe, lưu thông mạch máu. Giữ cho tâm trạng luôn thoải mái, tránh căng thẳng mệt mỏi.
– Xây dựng lối sống lành mạnh, nói không với tất cả các chất kích thích.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý nguy cơ. Nhất là đối với các bệnh nguy cơ cao như tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch, béo phì,…