Rối loạn nhịp tim là một bất ổn tim mạch tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người bệnh. Trong nhiều biện pháp để kiểm soát nhịp tim, chế độ ăn có vai trò quan trọng trong việc cải thiện nhịp tim tức thời và lâu dài. Vậy bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì để sớm đưa nhịp tim về mức bình thường, cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Rối loạn nhịp tim và vai trò của dinh dưỡng đối với việc điều trị bệnh
Nhịp tim của một người bình thường dao động từ 60 – 100 nhịp/phút. Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập quá chậm (dưới 60 nhịp/phút), quá nhanh (trên 100 nhịp/phút) hoặc không đều, lúc nhanh lúc chậm.
Các rối loạn nhịp có thể chỉ là phản ứng sinh lý nhất, ít gây nguy hiểm, nhưng cũng có thể xuất phát từ những bất ổn bệnh lý và gây biến chứng suy tim, nhồi máu cơ tim,…
Việc thiếu hụt các dưỡng chất hoặc lạm dụng các chất kích thích, ăn nhiều thực phẩm khó tiêu là những nguyên nhân quan trọng khiến nhịp tim của bạn bất thường và khó hồi phục. Trong những trường hợp nhẹ, việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt kết hợp với tập thể dục có thể giúp ích cho việc cải thiện nhịp tim. Đối với những trường hợp nặng, việc duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cũng giúp tăng hiệu quả của các loại thuốc, nhờ đó hỗ trợ đắc lực cho việc điều trị bệnh.
2. Người bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì?
Một số loại thực phẩm được khuyên dùng cho các bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim gồm:
2.1 Vitamin và khoáng chất
Canxi, natri, kali, magie,… là các khoáng chất vô cùng cần thiết giúp duy trì các hoạt động của cơ thể. Đặc biệt, magie là khoáng chất có vai trò quan trọng trong dẫn truyền tín hiệu thần kinh, điều khiển hoạt động co của cơ tim. Thiếu hụt magie có thể gây rối loạn nhịp tim. Các thực phẩm chứa nhiều khoáng chất tốt cho nhịp tim có thể kể đến như các loại đậu, hạt điều, đậu đen, ngũ cốc, bơ, chuối, cải bó xôi, rau lá có màu xanh, sữa đậu nành và sữa ít béo, …
2.2 Bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì? Thực phẩm giàu omega-3 có tác dụng điều hòa nhịp tim hay không?
Thực phẩm giàu omega-3 là 1 nhóm không thể thiếu trong các thực phẩm dành cho người bị rối loạn nhịp tim. Vì omega-3 tác động trực tiếp lên khả năng co bóp của cơ tim, giúp ổn định nhịp tim, giữ cho nhịp tim không tăng quá cao khi vận động.
Các nghiên cứu cho thấy omega-3 có nhiều công dụng tốt với sức khỏe nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng. Cụ thể là làm giảm nhịp tim, hạ triglycerid máu, chống viêm, chống oxy hóa, ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Từ đó giảm nguy cơ tử vong do các bệnh lý về tim như đột quỵ và đau tim,…
Các thực phẩm giàu omega-3 được khuyến cáo gồm các loại cá biển (cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ…), các loại hạt (hạt óc chó, hạt chia, hạt bí ngô…), các loại rau quả (việt quất, súp lơ, cải bó xôi…). Các chuyên gia khuyến cáo người bị rối loạn nhịp tim nên ăn 2 – 3 bữa cá/ tuần. Bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu nên lưu ý khi sử dụng omega-3 vì chất này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
2.3 Các loại thực phẩm có hàm lượng chất xơ và vitamin cao
Nguồn chất xơ dồi dào có trong trái cây và rau quả giúp hấp thu lượng cholesterol xấu, giảm các yếu tố nguy cơ gây rối loạn nhịp và bệnh tim mạch nói chung.
Các nghiên cứu cho thấy, nếu tiêu thụ 800g rau củ, trái cây mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh tim mạch có thể giảm 28% và nguy cơ tử vong sớm cũng giảm tới 31%. Các loại rau và trái cây nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày gồm: cải bó xôi, măng tây, cà chua, cà rốt, ớt chuông, táo, cam quýt, táo, nho, việt quất… Đặc biệt, quả việt quất có chứa nhiều chất chống oxy hóa anthocyanin. Chất này có tác dụng hạ huyết áp, cải thiện tuần hoàn mạch máu nên góp phần làm giảm nguy cơ mắc tim mạch.
2.4 Bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì tốt? Thực phẩm giàu vitamin A, C
Tăng huyết áp, mỡ máu cao là nguyên nhân quan trọng gây tổn thương mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, tác động xấu đến nhịp tim. Do đó, bổ sung các loại thực phẩm giúp tăng độ bền mạch máu là rất quan trọng đối với người bị rối loạn nhịp tim. Các thực phẩm này bao gồm:
– Thực phẩm giúp giảm stress, chống oxy hóa và chống viêm: thực phẩm giàu vitamin C, vitamin A
– Thực phẩm giúp giữ tỉ lệ kali/natri trong giới hạn để ổn định huyết áp: nước cam, chuối và cà chua,…
Ngoài ra, người bệnh nên giảm muối trong chế độ ăn, loại bỏ chất béo có hại, giảm đường và tinh bột tinh chế.
2.5 Thịt trắng
Thực phẩm chứa chất đạm có thời gian tiêu hóa lâu hơn so với tinh bột hay các thực phẩm khác. Chất đạm có trong hầu hết các loại thịt nhưng ngoài đạm, thịt đỏ chứa một lượng lớn chất béo bão hòa. Việc tiêu thụ thực phẩm này thường xuyên sẽ khiến cholesterol máu tăng cao, làm tình trạng bệnh nặng hơn. Vì vậy người có tim đập nhanh nên hạn chế thực phẩm này trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đặc biệt là những người đang mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, cường giáp. Thay vào đó, người bệnh nên ăn nhiều thịt trắng như cá, thịt gà bỏ da.
2.6 Đậu phụ
Rối loạn chất điện giải như canxi, magie, kali là một trong những nguyên nhân khiến tim đập bất thường. Việc bổ sung chất điện giải là một trong những biện pháp quan trọng giúp ổn định nhịp tim. Các nghiên cứu cho thấy đậu phụ là một trong những thực phẩm giàu canxi và vitamin nên đây cũng là thực phẩm tốt cho người bị rối loạn nhịp.
Trên đây là một số thực phẩm người bệnh rối loạn nhịp tim nên ăn để điều hòa nhịp đập của tim những lưu ý khi bổ sung. Bên cạnh việc lựa chọn những thực phẩm nên ăn, người bệnh cũng cần tránh những yếu tố làm tăng nhịp tim như chất kích thích, thực phẩm nhiều muối và dầu mỡ kết hợp với tập thể dục vừa sức và đều đặn. Khi thấy có các dấu hiệu bất thường về nhịp tim, nên thăm khám chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.