Bệnh viêm bờ mi mắt không hiếm gặp, tuy nhiên bệnh có nguy hiểm không và cách chữa viêm bờ mi như thế nào là thắc mắc của không ít người hiện đang mắc bệnh. Đây là căn bệnh không quá nghiêm trọng nhưng nếu không được điều trị đúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt của bạn.
Menu xem nhanh:
1. Những thông tin cần biết về viêm bờ mi mắt
Viêm bờ mi là tình trạng vùng mi mắt trên hoặc dưới hoặc cả hai bị sưng và viêm, tình trạng này có thể lan rộng lên cả vùng lông mi và lan sang các khu vực lân cận. Bệnh khiến cho người mắc có cảm giác ngứa và rát rất khó chịu. Viêm bờ mi có thể xảy ra đối với tất cả mọi người nhưng thường phổ biến ở những đối tượng trẻ hơn.
Căn bệnh này thường được chia thành hai cấp độ là mạn tính và cấp tính với các triệu chứng cũng như nguyên nhân khác nhau.
1.1. Bệnh viêm mi mắt cấp
Vi khuẩn Staphylococcal là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm bờ mi cấp tính khi khuẩn xâm nhập vào gốc của lông mi gây ra viêm nang lông và các tuyến có liên quan. Cũng có một số tác nhân gây bệnh khác như herpes hoặc varicella zoster. Nguyên nhân gây bệnh viêm bờ mi cấp tính là virus thì thời gian khỏi bệnh sẽ nhanh hơn và không bị nhiều gỉ mắt như tác nhân là vi khuẩn.
Với những trường hợp dị ứng sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây ra bệnh viêm bờ mi cũng được coi là bệnh cấp tính.
Bệnh viêm bờ mi cấp tính có những biểu hiện như:
– Ngứa, bỏng rát ở mí mắt
– Nhạy cảm với ánh sáng
– Chảy nước mắt nhiều
– Xuất hiện những mụn nhỏ li ti ở chân lông mi, bên trong mụn có thể chứa dịch mủ, khi mụn vỡ ra có thể để lại hố lõm nhỏ
– Màng tiết tố dính chặt ở bờ mi, nếu bóc màng này ra có thể làm chảy máu hoặc ngứa rát
– Bệnh khi khỏi có thể để lại sẹo và lông mi mọc ngược còn gọi là lông quặm
1.2.Viêm bờ mi mạn tính
Chức năng tuyến meibomius bị rối loạn dẫn đến tắc nghẽn tuyến ở mí mắt. Có nhiều trường hợp bị viêm bờ mi mạn tính là do tăng tiết bã nhờn, do lên chắp, lẹo, mụn trứng cá ở nang lông mi.
Bệnh viêm bờ mi khi đã chuyển thành mạn tính có thể thấy các triệu chứng như lỗ tuyến tại bờ mi mắt bị giãn, có dịch màu vàng hơi đặc và bịt kín các nang lông. Có thể thấy dịch dạng sáp chảy ra nếu ấn vào và có lớp vảy dễ bóc ra trên bờ mi mắt. Ngoài ra người bệnh bị mãn tính sẽ có cảm giác mắt bị khô, nổi cộm, nhìn mờ và mỏi mắt.
2.Viêm bờ mi liệu có nguy hiểm?
Bệnh viêm bờ mi mắt là bệnh khá phổ biến, mặc dù bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và có thể làm giảm tầm nhìn, ảnh hưởng đến thị lực nhưng bệnh không được xếp vào dạng nguy hiểm. Tuy nhiên, người mắc bệnh cũng nên được đi khám và điều trị đúng cách để tránh các biến chứng có thể xảy ra như: bệnh viêm kết mạc, giác mạc, bệnh lẹo mắt, chắp mắt…
Bên cạnh đó, viêm bờ mi còn ảnh hưởng đến các nang lông mi khiến cho lông mi dễ bị mọc ngược vào trong mặc dù bệnh đã khỏi hoàn toàn. Việc lông mi mọc ngược có thể làm người bệnh cảm thấy ngứa và đau rát, nếu không được xử lý kịp thời có thể khiến cho giác mạc bị cọ xát gây nên xước giác mạc.
Chính vì vậy, tuy không phải bệnh nguy hiểm nhưng người bệnh cũng cần được đi khám khám và xử trí kịp thời.
3. Nguyên nhân và triệu chứng của viêm bờ mi
Để xác định chính xác nguyên nhân của bệnh viêm bờ mi không phải việc dễ dàng. Có thể có những nguyên nhân gây bệnh như sau:
– Do vi khuẩn: nguyên nhân chủ yếu gây ra những phần sưng viêm chính là do vi khuẩn xâm nhập vào các tuyến nhờn nằm trên mi mắt.
– Do rối loạn chức năng của tuyến nhờn. Khi tuyến nhờn bị rối loạn khiến cho mắt bị khô, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm mí mắt.
– Do bệnh lý trứng cá và ve lông mi
– Do dị ứng với những tác nhân như mỹ phẩm hoặc thuốc, lông mi giả…cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm bờ mi
Khi bị viêm bờ mi, sẽ có những triệu chứng như sau:
– Vùng mắt và mi sẽ có cảm giác đau rát
– Có vảy bị bong ra ở vùng lông mi và mí mắt
– Mắt bị cảm giác ngứa và cộm như có dị vật bên trong mắt
– Bờ mi bị sưng tấy hoặc bị đỏ mọng
– Mắt có cảm giác nhạy cảm khi gặp ánh sáng
– Chảy nước mắt nhiều
– Thị lực bị giảm đi một phần, mắt nhìn mờ
4. Cách chữa bệnh viêm bờ mi
4.1. Cách chữa viêm bờ mi khi mới phát bệnh nhẹ
Nếu viêm bờ mi mới chớm, tình trạng còn nhẹ có thể chữa viêm bờ mi theo những cách sau:
– Chườm ấm vào mi mắt giúp hóa lỏng những dịch tiết bị đặc lại đồng thời thúc đẩy việc lưu thông máu trên tuyến và làm vùng sưng viêm nhanh khỏi hơn. Ngâm khăn sạch trong nước ấm rồi chườm lên vùng mắt bị bệnh. Khi khăn hết ấm, làm ấm lại và tiếp tục chườm liên tục trong thời gian từ 5- 10 phút. Mỗi ngày nên chườm từ 2- 4 lần cho đến khi khỏi bệnh.
– Vệ sinh sạch mi mắt bằng miếng gạc sạch và ấm. Thao tác rửa nhẹ nhàng để loại bỏ hết những phần dịch và mủ trong mắt. Hạn chế tiếp xúc với phần trong của mắt.
– Massage vùng mi mắt có tác dụng làm cải thiện sự bài tiết. Nên thực hiện massage ngay sau khi chườm ấm sẽ mang đến hiệu quả cao hơn. Thao thác massage là dùng ngón tay sạch để xoa hình vòng tròn bờ mi về phía mắt.
– Nhỏ nước mắt nhân tạo để giảm tình trạng khô mắt.
4.2. Cách chữa viêm bờ mi khi đã nặng
Trong trường hợp người bệnh không điều trị sớm để tình trạng nặng hơn hoặc đã điều trị từ khi bệnh còn nhẹ nhưng không đáp ứng thì buộc phải đi khám để được bác sĩ đưa ra liệu trình điều trì phù hợp. Cụ thể bác sĩ có thể kê kháng sinh tại chỗ hoặc kháng sinh uống. Trong đó ưu tiên dùng kháng sinh tại chỗ trước.
Nếu đã điều trị kháng sinh tại chỗ rồi mà vẫn không đáp ứng thuốc thì có thể chuyển sang kháng sinh đường uống. Việc điều trị bằng kháng sinh có thể có những tác dụng phụ không mong muốn, nhưng là việc cần thiết để có thể chấm dứt tình trạng sưng viêm bờ mi mắt.
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm bờ mi và cách chữa viêm bờ mi dành cho những ai đang mắc phải căn bệnh này có thêm thông tin để điều trị nhanh chóng, hiệu quả.