Ù tai là biểu hiện của nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh lý nguy hiểm và bệnh lý không nguy hiểm. Vậy, khi nào bệnh ù tai là dấu hiệu nhận biết một bệnh lý nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe, hay khi nào thì người ù tai nên thăm khám với bác sĩ. Câu trả lời chi tiết cho câu hỏi đó được Thu Cúc TCI chia sẻ trong bài viết sau, nếu quan tâm đọc ngay bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Bệnh ù tai là gì?
Bệnh ù tai là tình trạng mà khi có, trong một hoặc cả hai tai người bệnh, có tiếng ồn nhưng tiếng ồn đó không phát sinh từ bên ngoài, mà phát sinh từ bên trong, từ chính hệ thống thính giác hoặc các cơ quan lân cận của người bệnh.
Tiếng ồn người bệnh nghe thấy có thể giống tiếng gió thổi, tiếng huýt sáo, tiếng ve kêu… Người bệnh có thể ù tai liên tục hoặc theo đợt. Tình trạng ù tai tăng mạnh vào những lúc yên tĩnh. Đi kèm ù tai, người bệnh có thể hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.
2. Đâu là nguyên nhân gây bệnh ù tai?
2.1. Tuổi tác gây bệnh ù tai
Bệnh ù tai là một vấn đề sức khỏe phổ biến ở người cao tuổi. Ở họ, số lượng các sợi thần kinh hoạt động trong tai suy giảm, đi kèm với sự xuất hiện nhiều vấn đề về thính lực, trong đó, tất nhiên có ù tai.
2.2. Ô nhiễm tiếng ồn gây bệnh ù tai
Những người sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn cũng có thể phát sinh tình trạng ù tai. Tình trạng ù tai cũng có thể phát sinh ở những người thường xuyên sử dụng các thiết bị nghe nhạc di động. Tiếng ồn lớn làm tổn thương các tế bào lông nhỏ ở tai trong là nguyên nhân khiến những người này bị ù tai.
2.3. Các bệnh lý gây bệnh ù tai
Có rất nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến não, hệ thống cơ – xương – khớp, hệ thống hô hấp có thể gây ù tai. Dưới đây là các vấn đề tiêu biểu như thế:
2.3.1. Viêm tai giữa
Viêm tai giữa là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ù tai. Bệnh lý này được xác định khi tai giữa, bao gồm vòi nhĩ và xương chũm, bị nhiễm trùng. Viêm tai giữa thường phát sinh do vi khuẩn hoặc virus. Ngoài ù tai, bệnh lý này còn khiến người bệnh sốt, đau đầu,…
2.3.2. Bệnh Meniere
Bệnh Meniere hay tình trạng rối loạn thính lực, phát sinh do sự tăng đột ngột một cách bất thường của ion nội mô và dịch nhầy trong tai. Chóng mặt, nhức đầu cũng là những dấu hiệu phổ biến của bệnh lý này. Bệnh Meniere cần nhanh chóng được điều trị, nếu không, người bệnh có thể mất thính lực vĩnh viễn.
2.3.3. Chấn thương đầu, cổ
Một số chấn thương đầu, cổ có thể tác động đến tai trong, dây thần kinh thính giác và phần não liên quan đến thính giác, từ đó gây ra tình trạng ù tai.
2.3.4. Rối loạn khớp thái dương hàm
Khớp thái dương hàm là khớp động, có chức năng chỉ đạo các hoạt động hàm. Khi khớp thái dương hàm rối loạn, các cơ nhai chèn vào tai giữa, gây đau đầu, đau nhức xung quanh tai, ù tai, thậm chí là mất thính lực.
2.3.5. Bệnh mạch máu
Ở người có các bệnh mạch máu như huyết áp cao, xơ vữa động mạch…, máu lưu thông mạnh trong động mạch và tĩnh mạch. Đây là nguyên nhân khiến những người này bị ù tai.
2.3.6. Suy giảm chức năng thận
Theo nghiên cứu, người bệnh suy giảm chức năng thận có nguy cơ ù tai cao gấp 3 lần so với bình thường. Sở dĩ thận suy giảm chức năng lại có thể khiến tai bị ù là bởi khi đó dây thần kinh thính giác bị độc tố tích tụ trong thận làm tổn thương.
3. Bị bệnh ù tai, khi nào cần thăm khám với bác sĩ?
Bệnh ù tai có thể chỉ là biểu hiện của tuổi tác, cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm. Nếu chỉ bị ù tai thoáng qua, bạn có thể yên tâm. Tuy nhiên, nếu rơi vào một trong những trường hợp sau, bạn nên thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán nguyên nhân và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, tránh những biến chứng đáng tiếc:
– Ù tai kéo dài
– Tình trạng ù tai không cải thiện, dù bạn đã nghỉ ngơi đầy đủ.
– Ù tai đi kèm các triệu chứng khác như chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi
– Tiếng ồn trong tai từ lớn đến rất lớn, đặc biệt là về đêm, gây mất ngủ.
– Ngoài ù tai, bạn còn suy giảm hoặc mất thính lực.
4. Điều trị bệnh ù tai ra sao?
Tình trạng ù tai phát sinh do các vấn đề sức khỏe liên quan đến não, hệ thống cơ – xương – khớp, hệ thống hô hấp… chỉ có thể được cải thiện hiệu quả khi bạn điều trị triệt để các vấn đề sức khỏe đó. Các vấn đề sức khỏe đó có thể được điều trị nội khoa hoặc điều trị ngoại khoa, tùy thuộc tính chất và mức độ cụ thể của từng vấn đề.
Tình trạng ù tai phát sinh do các nguyên nhân còn lại như tuổi tác, ô nhiễm tiếng ồn thì có thể cải thiện bằng một số lưu ý trong sinh hoạt như sau, bạn có thể tham khảo và áp dụng:
– Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn lớn: Nếu sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn, bạn có thể sử dụng nút bịt tai để hạn chế sự tiếp xúc giữa tai và tiếng ồn. Giảm tần suất sử dụng các thiết bị nghe nhạc di động cũng rất cần thiết để cải thiện tình trạng ù tai nếu hiện tại, bạn có thói quen này.
– Giữ tâm trạng thoải mái.
– Cố gắng vận động ít nhất 30 phút/ngày, giúp nâng cao thể trạng cơ thể, hạn chế những tác động tiêu cực của tuổi tác cũng như các yếu tố nguy cơ khác lên tai.
– Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng (đạm, chất béo, tinh bột, Vitamin và khoáng chất). Tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu kẽm, kali, magie bởi đây là 3 khoáng chất rất tốt cho sức khỏe thính giác. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm quá mặn hoặc quá nhiều dầu mỡ.
– Không uống rượu bia, không hút thuốc lá hay không sử dụng bất cứ chất kích thích nào khác.
Trong trường hợp không xác định được nguyên nhân gây ù tai, đã áp dụng những lưu ý trong sinh hoạt phía trên nhưng tình trạng ù tai vẫn không cải thiện, bạn nên cố gắng “sống chung với lũ”. Lúc này, để thoải mái hơn, bạn có thể nghe tiếng ồn trắng, như tiếng mưa, tiếng sóng biển…
Phía trên là thông tin về những trường hợp bệnh ù tai nên thăm khám với bác sĩ. Hy vọng rằng với chúng, bạn sẽ sớm thoát khỏi tình trạng rất khó chịu này.