Trĩ là bệnh do có sự dãn quá mức các tĩnh mạch ở hậu môn – trực tràng, đặc biệt có sự phình tĩnh mạch các đám rối tĩnh mạch trĩ. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm. Vậy bệnh trĩ điều trị thế nào phù hợp?
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây bệnh trĩ
Bệnh trĩ có bản chất là các đám rối mạch máu trong ống hậu môn – trực tràng bị giãn dần do máu không được lưu thông, bị ứ đọng tại tĩnh mạch hình thành các búi trĩ. Tình mạch căng phồng khiến niêm mạc bị giãn, dễ gây đau, chảy máu, viêm nhiễm. Nếu không được điều trị, mức độ giãn nặng hơn khiến búi trĩ sa ra ngoài, ảnh hưởng đến sự tự tin và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các nguyên nhân gây bệnh trĩ thường gặp có thể kể đến như:
– Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài, rặn mạnh khi đại tiện làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch gây căng giãn và ứ máu.
– Chế độ ăn ít chất xơ làm tăng nguy cơ bệnh trĩ.
– Thừa cân và béo phì cũng là yếu tố làm gia tăng tần suất bệnh.
– Gia tăng áp lực ổ bụng gặp ở những người thường xuyên lao động nặng (như khuân vác, vận động viên cử tạ,…), phải đứng lâu, ngồi nhiều (nhân viên văn phòng, thợ may, nhân viên bán hàng,…). Áp lực ổ bụng gia tăng gây cản trở sự hồi lưu máu về tim dẫn đến giãn tĩnh mạch hậu môn.
– U vùng tiểu khung (bao gồm u đại trực tràng, u ở tử cung) và mang thai những tháng cuối gây chèn ép làm giãn tĩnh mạch hậu môn – trực tràng.
2. Triệu chứng của bệnh trĩ
Đảm bảo bệnh trĩ điều trị kịp thời ngay từ những dấu hiệu của bệnh giúp tăng hiệu quả đẩy lùi bệnh. Sau đây là các triệu chứng điển hình của bệnh trĩ.
2.1. Triệu chứng cơ năng
– Đại tiện ra máu là triệu chứng thường gặp và dễ nhận biết, giúp người bệnh chủ động thăm khám. Máu thường có màu đỏ tươi, chảy nhỏ giọt hoặc thành tia ở cuối bãi phân như “cắt tiết gà”. Đôi khi tình trạng chảy máu xảy ra khi va chạm nhẹ, vận động. Máu chảy kéo dài và thường xuyên là nguyên nhân dẫn đến thiếu máu.
Lưu ý rằng, chảy máu khi đại tiện có thể là triệu chứng của nhiều bệnh ở đại tràng, trực tràng, thậm chí có bệnh nguy hiểm là ung thư trực tràng. Vì thế rất cần thăm khám, nội soi để xác định chính xác bệnh, từ đó mới có chỉ định điều trị cụ thể, hiệu quả.
– Sa búi trĩ ra ngoài ống hậu môn khi đại tiện, đi bộ hoặc ngồi xổm lâu. Lúc đầu búi trĩ có thể tự co lên, về sau phải đẩy mới lên. Cuối cùng búi trĩ sẽ sa thường xuyên ra ngoài.
– Ngứa hoặc kích thích ở vùng hậu môn do niêm mạc ống hậu môn bài tiết dịch nhầy.
– Đau hoặc khó chịu với các mức độ từ không đau, đau ít đến rất đau do nứt hậu môn, tắc hoặc nghẹt.
– Sưng vùng quanh hậu môn.
2.2. Triệu chứng thực thể
Kiểm tra trực tràng là động tác bắt buộc khi khám trĩ nói riêng và khám hậu môn – trực tràng nói chung. Qua thăm khám trực tràng, bác sĩ có thể sờ thấy búi trĩ (mềm, ấn vào xẹp). Đồng thời thao tác này còn đánh giá sơ bộ trương lực cơ thắt hậu môn, phát hiện các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự bệnh trĩ , ví dụ như ung thư trực tràng.
– Người bệnh có thể được chỉ định ngồi xổm rặn đại tiện để xem mức độ sa và chảy máu của trĩ.
– Nội soi hậu môn trực tràng: Giúp xác định loại trĩ, tình trạng bệnh trĩ và sàng lọc phát hiện các bệnh lý khác tại trực tràng.
– Ngoài ra, bác sĩ có thể tư vấn khám toàn thân để phát hiện các bệnh khác mà trĩ chỉ là một biểu hiện.
3. Bệnh trĩ điều trị như thế nào đạt hiệu quả cao?
3.1. Nguyên tắc điều trị trĩ
– Việc điều trị không áp dụng với trĩ triệu chứng, trừ khi có biến chứng.
– Tiến hành điều trị trĩ khi có những rối loạn ảnh hưởng tới cuộc sống, lao động và sức khỏe. Các phương pháp điều trị sẽ được lựa chọn thích hợp tùy theo thương tổn cụ thể của trĩ.
3.2. Bệnh trĩ điều trị bằng phương pháp nội khoa
Điều trị nội khoa được áp dụng cho bệnh trĩ giai đoạn nhẹ, trĩ nội độ I và đa số là trĩ độ II.
– Xây dựng chế độ ăn nhiều chất xơ (rau củ quả, ngũ cốc) và các chất làm mềm phân; uống nhiều nước mỗi ngày.
– Tránh rặn khi đại tiện giúp hạn chế sự sa trĩ.
– Ngâm hậu môn trong nước ấm ngày 2-3 lần, mỗi lần 10 phút. Dùng các thuốc đặt hậu môn, các thuốc tăng cường thành mạch theo chỉ định của bác sĩ.
– Lưu ý rằng chảy máu hậu môn – trực tràng không phải bao giờ cũng do trĩ. Cần phải bằng chụp và soi đại tràng nhằm loại trừ ung thư.
– Thuốc điều trị trĩ: Có 2 loại thuốc dùng trị trĩ là thuốc viên dùng uống và loại cho tác dụng tại chỗ là thuốc mỡ dùng bôi hoặc thuốc đạn đặt vào trong hậu môn. Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định, dùng đủ và đúng thuốc, đặc biệt, kiên trì dùng thuốc kéo dài đủ thời gian. Không được tự ý ngừng thuốc hoặc thay đổi đơn thuốc khi chưa có chỉ định cụ thể của bác sĩ.
– Người bệnh có thể tham khảo các bài thuốc Đông y, y học cổ truyền chính thống, có kiểm chứng để chữa trĩ.
3.3. Bệnh trĩ điều trị bằng phương pháp ngoại khoa
Các can thiệp thủ thuật
Các can thiệp thủ thuật cần được thực hiện với bác sĩ chuyên khoa và cần được thực hiện tại bệnh viện uy tín.
– Thắt dây chun: Là phương pháp tốt nhất cho trĩ nội độ I và II (không dùng cho trĩ ngoại).
– Tiêm xơ: Áp dụng cho trĩ độ I và độ II, nhất là cho bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh đông máu. Thủ thuật tiêm xơ sẽ thực hiện bằng cách bơm 1-2 ml chất làm xơ dưới lớp niêm mạc của búi trĩ.
– Quang đông hồng ngoại: Chỉ định cho trĩ độ I, II.
– Đốt laze búi trĩ: Chỉ định cho trĩ độ II.
Các can thiệp phẫu thuật
Trường hợp thể nặng, trĩ độ 3, độ 4 thì có thể được chỉ định điều trị ngoại khoa. Phương pháp này cần có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ, được thực hiện tại các bệnh viện có đủ trang thiết bị y tế và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giỏi.
– Phẫu thuật kinh điển: Cắt búi trĩ trực tiếp theo các phương pháp Milligan – Morgan, Ferguson. Đây là các phương pháp loại bỏ hiệu quả búi trĩ, tuy nhiên có thể gây đau nhiều do tác động vào các đầu mút thần kinh vùng ống hậu môn.
– Phẫu thuật theo phương pháp Longo: Giải pháp ít xâm lấn, phẫu thuật dựa trên nguyên lý kéo búi trĩ trở lại vị trí bình thường, cắt và khâu phần mạch máu cung cấp làm búi trĩ co nhỏ lại. Vết cắt và khâu nằm trên vùng vô cảm của ống hậu môn giúp giảm đau đáng kể cho người bệnh. Thời gian nằm viện ngắn (khoảng 1 – 2 ngày), người bệnh sớm trở lại sinh hoạt bình thường.
4. Lưu ý sau điều trị bệnh trĩ
Để hạn chế bệnh trĩ tái phát, người bệnh cần vệ sinh sạch sẽ vùng kín bằng phương pháp ngâm nước ấm 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút. Nên ăn thức ăn mềm, lỏng, nhiều rau xanh, uống nhiều nước trong ngày để nhuận tràng, không ăn nhiều gia vị cay nóng, hạn chế các chất kích thích (rượu, bia,…). Người bệnh trĩ cần tránh tình trạng táo bón làm gia tăng áp lực lên đại trực tràng, sẽ khiến bệnh trĩ ngày càng nặng hơn.
Bài viết đã trả lời câu hỏi bệnh trĩ điều trị như thế nào. Người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa ngay khi có những dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán và có phác đồ xử lý hiệu quả.