Menu xem nhanh:
1. Bệnh tiểu đường type 2 là gì?
Bệnh tiểu đường type 2 (hay còn gọi là đái tháo đường type 2) là một rối loạn chuyển hóa lâu dài được đặc trưng bởi đường huyết cao, kháng insulin và thiếu hụt insulin tương đối. Lúc này cơ thể của bạn không thể tạo ra hoặc sử dụng tốt insulin. Insulin là một hormone giúp cho glucose (đường) có thể đi vào và nạp năng lượng cho các tế bào.
Phần lớn bệnh nhân bị bệnh tiểu đường là mắc tiểu đường type 2. Bệnh tiểu đường type 2 thường khởi phát ở người lớn, ở độ tuổi từ 40 tuổi trở lên. Tuy nhiên, ngày càng nhiều trẻ em và người trẻ tuổi mắc phải bệnh tiểu đường type 2 do mắc bệnh béo phì.
2. Dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường type 2
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 thường không xuất hiện hoặc khá nhẹ nên bạn không nhận ra trong nhiều năm ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng thông thường có thể bao gồm:
- Nhìn mờ
- Mệt mỏi
- Ăn nhiều nhưng vẫn mau đói.
- Uống nước nhiều nhưng vẫn mau khát.
- Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm.
- Vết thương lâu lành.
- Đau và tê ở chân hoặc tay.
- Sụt cân không rõ lý do.
3. Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2
Bác sĩ có thể chẩn đoán đái tháo đường type 2 thông qua các xét nghiệm máu sau:
- Xét nghiệm nồng độ đường huyết lúc đói;
- Xét nghiệm dung nạp Glucose;
- Xét nghiệm Hemoglobin A1C;
- Xét nghiệm máu ngẫu nhiên (lúc không đói).
4. Biện pháp hạn chế diễn tiến của bệnh tiểu đường type 2
Bệnh tiểu đường type 2 nếu không được điều trị kịp thời, hiệu quả, bệnh có thể tiến triển gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như: biến chứng tim mạch, hoại tử chi, suy thận, tổn thương da, mờ mắt, tổn thương võng mạc,… Vì vậy, để ngăn ngừa những biến chứng của bệnh, người bệnh cần tích cực điều trị đúng phác đồ và kiên trì điều trị hiệu quả. Ngoài ra, người bệnh cần chú ý một số lưu ý dưới đây nhằm hạn chế sự tiến triển của bệnh hiệu quả như:
- Kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, giữ mức đường huyết ở mức gần mức bình thường;
- Tập thể dục thể thao vừa sức thường xuyên 30-45 phút mỗi ngày và ăn uống điều độ;
- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức bình thường;
- Ăn đủ bữa;
- Ăn uống lành mạnh: các loại thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và protein chất lượng cao. Tránh các loại thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều chất béo và bột mì trắng;
- Hạn chế tối thiểu việc sử dụng chất có cồn;
- Kiểm tra mắt định kì hằng năm và kiểm tra răng miệng mỗi 6 tháng;
- Bỏ thuốc lá;
- Gọi cho bác sĩ nếu bạn sốt hoặc nôn mửa và không thể ăn uống;
- Không hút thuốc;
- Tái khám định kỳ thường xuyên để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn cụ thể.