Thời tiết trở lạnh, sức đề kháng suy giảm nên chúng ta rất dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp quấy rầy như cảm cúm, các bệnh về phổi, phế quản. Vì thế chúng ta cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết nhằm phòng ngừa các bệnh thường gặp ở đường hô hấp hiệu quả, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em.
Bệnh thường gặp ở đường hô hấp
Cảm cúm
Cảm cúm thường khởi phát khi thời tiết thay đổi đột ngột. Bệnh dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, nhất là trong các phòng kín, tập trung đông người như phòng học, phòng họp, nhà ga, bến xe, chợ, siêu thị…
Nguyên nhân gây cảm cúm là do nhiễm virus đường hô hấp trên, mũi và cổ họng. Các triệu chứng của cảm cúm thường xuất hiện khoảng 1 – 3 ngày sau khi tiếp xúc với virus cảm cúm. Các triệu chứng của cảm cúm thường là:
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
- Ngứa hoặc đau họng.
- Ho, hắt hơi, chảy nước mắt
- Cơ thể đau nhức hoặc đau đầu nhẹ.
- Mệt mỏi, sốt
Để phòng bệnh cảm cúm khi thời tiết thay đổi cần:
- Đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi công cộng, cơ quan, trường học.
- Thường xuyên rửa tay mỗi khi tiếp xúc với đồ vật như tay cầm chốt cửa, vòi nước, trao đổi tiền khi mua bán, dụng cụ lao động…
- Giữ ấm cơ thể: cần mặc quần áo ấm, chú ý giữ ấm vùng cổ ngực bằng cách quàng khăn khi trời lạnh, tránh bị ướt, tránh dầm nước trong thời tiết lạnh.
- Súc miệng, họng bằng nước sát khuẩn hàng ngày
- Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ. Không uống nhiều rượu bia vì sẽ làm giảm sức đề kháng.
- Tránh thức khuya, bổ sung vitamin C hằng ngày qua ăn uống hoặc uống vitamin C tổng hợp.
Khi có triệu chứng: sổ mũi hắt hơi, đau khắp cơ thể, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các bệnh phổi, phế quản
Với yếu tố thời tiết như: độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm nên các vi khuẩn gây bệnh, virus, nấm, ký sinh trùng phát triển mạnh. Khi cơ thể nhiễm lạnh, đường hô hấp trên bị tổn thương gây ra viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, từ đó nhiễm khuẩn lan xuống dưới gây viêm phế quản, viêm phổi.
Hen phế quản: bệnh nhân hen rất nhạy cảm với các kích thích như nhiệt độ lạnh, khói, bụi, nấm mốc, vi khuẩn, các yếu tố gây dị ứng như thức ăn, thuốc chữa bệnh…Vì thế để phòng hen phế quản cần tránh bị nhiễm lạnh, tránh hít thở phải bụi, ký sinh vật, nấm mốc… bằng cách đeo khẩu trang. Khi cơn hen đã xảy ra, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, nhanh chóng cắt cơn hen, ngăn ngừa cơn hen phát triển thành ác tính.
Viêm phế quản cấp: Nguyên nhân gây bệnh thường là do các loại virus. Khi bị bệnh cơ thể giảm sức đề kháng nên dễ bị các loại vi khuẩn gây bệnh ở đường hô hấp. Khi đã mắc bệnh phải điều trị tích cực bằng kháng sinh chống bội nhiễm, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân để phòng tránh các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết.
Giãn phế quản: Thường được biểu hiện bằng những cơn ho khạc nhiều đờm, nguyên nhân thường do vi khuẩn. Nhiệt độ lạnh là yếu tố kích thích phế quản xuất tiết, niêm dịch gây ứ đọng trong các phế quản tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Để phòng giãn phế quản, người bệnh cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển mùa, ăn uống đầy đủ, đảm bảo giấc ngủ hằng ngày, giữ vệ sinh răng miệng, tai mũi họng bằng cách nhỏ nước muối sinh lý ngày 2-3 lần vào mắt, mũi.
Các bệnh thường gặp ở đường hô hấp gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi. Vì thế chúng ta cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết nhằm phòng tránh nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp khi thời tiết thay đổi.
Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, nếu bạn đọc còn băn khoăn cần được giải đáp có thể liên hệ bệnh viện theo số 1900 55 88 92 để được tư vấn hỗ trợ.