Bệnh thoát vị bẹn ở trẻ em đừng để đến khi “nghẹt” rồi cấp cứu

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Lê Tú Anh

Bác sĩ Ngoại Tiêu Hóa

Bệnh thoát vị bẹn ở trẻ em hoàn toàn có thể xử trí sớm, để lâu thoát vị bẹn dễ biến chứng “nghẹt” hay còn gọi là thoát vị bẹn nghẹt đe dọa trực tiếp đến tính mạng của trẻ. Cùng tìm hiểu bệnh lý thoát vị bẹn ở trẻ em để có cái nhìn tổng quát và cho con đi thăm khám, điều trị kịp thời.

1. Thoát vị bẹn là gì? Đối tượng hay gặp phải

Thoát vị bẹn là tình trạng thành phần trong ổ bụng (ruột) sa xuống vùng bẹn – bìu thông qua ống phúc tinh mạc (ở bé trai) hoặc ống Nuck (ở bé gái). Thoát vị bẹn “nghẹt” là tình trạng các cơ quan nội tạng (ruột) trong túi thoát vị bị siết chặt ở cổ túi, không thể di chuyển về lại vị trí ban đầu và thiếu máu nuôi. Lúc này cơ quan nội tạng trong túi thoát vị sẽ bị hoại tử, nhiễm trùng, nhiễm độc, viêm phúc mạc và tử vong.

Bệnh thoát vị bẹn ở trẻ em là bệnh lý thường gặp, chiếm tỷ lệ khoảng 0,8-4,4% các bệnh lý ở trẻ em. Bệnh gặp nhiều ở bé trai hơn bé gái từ 3-10 lần. Thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi, trẻ nhỏ. Đặc biệt trẻ sinh non gặp với tần suất cao hơn, chiếm khoảng 30% tùy theo tuổi thai.

bệnh thoát vị bẹn ở trẻ em

Thoát vị bẹn là bệnh lý do còn tồn tại ống phúc tinh mạc, khiến tạng từ ổ bụng chui xuống vùng bẹn, bìu (ở bé trai) hoặc vùng gần âm môi (ở bé gái).

2. Biểu hiện bệnh thoát vị bẹn ở trẻ em

2.1 Biểu hiện trẻ bị thoát vị bẹn

Các bậc phụ huynh có thể nhận diện bệnh thoát vị bẹn ở trẻ bằng cách quan sát vùng bẹn – bìu của con mình. Nếu thấy có khối phồng ở vùng bẹn bìu của bé trai (vùng gần âm môi ở bé gái) thì có thể đó là khối thoát vị bẹn. Thông thường khối phồng này sẽ xuất hiện to hơn khi em bé khóc, rặn đại tiện hay sau khi con vận động mạnh như chạy nhảy, thể dục,… Khi con nghỉ ngơi hay nằm thì khối phồng này xẹp xuống như không có (lúc này khối thoát vị có thể tự chui và ổ bụng trở lại), lúc này nhìn bé lại như bình thường.

2.2 Biểu hiện của trẻ bị thoát vị bẹn nghẹt

Khi khối thoát vị bị “nghẹt” (thoát vị bẹn nghẹt) thì bé sẽ có một hoặc một số các triệu chứng sau đây:

– Đau dữ dội hoặc khóc thét.

– Bỏ bú, nôn ói

– Vùng bẹn của trẻ có khối phồng căng cứng, sờ đau và có thể bé không cho sờ.

– Có thể xuất hiện đỏ và bầm tím xung quanh vị trí phồng.

– Trẻ có thể có sốt, đi ngoài phân có máu,…

biểu hiện của bệnh lý thoát vị bẹn ở trẻ em

Trẻ bị thoát vị bẹn nghẹt thường quấy khóc do đau đớn, có thể nôn ói, bỏ bú, nếu thấy dấu hiệu này cần đưa trẻ đến viện ngay.

3. Chẩn đoán và điều trị

3.1 Chẩn đoán bệnh thoát vị bẹn ở trẻ em

Để chẩn đoán thoát vị bẹn hay thoát vị bẹn nghẹt, trẻ sẽ được thăm khám với bác sĩ ngoại khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa nhi. Tiếp đó, trẻ sẽ được siêu âm vùng bẹn bìu để xem có khối thoát vị không và đánh giá tình trạng thoát vị, cũng như vị trí thoát vị bẹn (thoát vị bẹn 1 bên trái/phải hay thoát vị bẹn ở cả 2 bên). Một số trường hợp khó có thể phải chụp X-quang hoặc chụp CT-scan. Xét nghiệm máu cơ bản, chụp X quang phổi sẽ được thực hiện khi trẻ có chỉ định phẫu thuật thoát vị bẹn.

3.2 Điều trị bệnh thoát vị bẹn ở trẻ em

Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn không thể tự khỏi, vì vậy trẻ bị thoát vị bẹn cần phải được điều trị càng sớm càng tốt để tránh biến chứng thoát vị bẹn nghẹt. Hiện nay, điều trị nội khoa chỉ là giải pháp tạm thời và không mấy có hiệu quả nên trẻ bị thoát vị bẹn hiện nay thường được chỉ định can thiệp ngoại khoa để thắt lại ống phúc tinh mạc (ở bé trai) hoặc ống nuck (ở bé nữ).

Phẫu thuật hiện nay có 2 kỹ thuật là mổ mở (phanh) hoặc mổ nội soi.

– Mổ phanh: tìm và thắt ống phúc tinh mạc (hay còn gọi là bao thoát vị)

– Mổ nội soi: bác sĩ sẽ rạch một lỗ nhỏ (vài mm) qua rốn và/hoặc thành bụng, sau đó dùng một ống soi có gắn camera ở đầu và sử dụng các dụng cụ đặc biệt để đẩy tạng thoát vị trở lại ổ bụng và khâu đóng kín ống phúc tinh mạc (ở bé trai) hoặc ống nuck (ở bé gái). Mổ nội soi có dạng mổ nội soi 1 lỗ, 2 lỗ hoặc 3 lỗ.

Hiện nay, ưu tiên phẫu thuật nội soi vì các ưu điểm như: ít xâm lấn, độ chính xác và an toàn cao, ít gây ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của trẻ, có thể tầm soát được bên đối diện xem có bị thoát vị không nếu có thì có thể xử trí ngay trong cùng 1 cuộc mổ, thời gian phục hồi nhanh và trẻ mau chóng được xuất viện về nhà.

Thoát vị bẹn nghẹt

Thoát vị bẹn nghẹt là trường hợp cấp cứu y tế khẩn cấp. Nên cha mẹ thấy trẻ có biểu hiện trên các bậc phụ huynh cần phải đưa con đến cơ sở y tế ngay lập tức để trẻ được các bác sĩ xử trí kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng và chức năng sinh sản sau này của con (mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép do nội tạng bị nghẹt dẫn tới tổn thương tinh hoàn).

Phương pháp điều trị thoát vị bẹn nghẹt hiện nay là mổ cấp cứu để cắt bỏ đoạn ruột bị thối (hoại tử), sau đó khâu lại và tiếp xúc xử trí như phẫu thuật thoát vị bẹn nêu trên. Mổ phanh hay mổ nội soi còn tùy thuộc vào tình trạng biến chứng và bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp thích hợp.

điều trị bệnh lý thoát vị bẹn ở trẻ em bằng phẫu thuật nội soi 1 lỗ

Một ca phẫu thuật thoát vị bẹn bằng phương pháp mổ nội soi tại bệnh viện.

4. Khi nào thì nên cho trẻ điều trị thoát vị bẹn?

Đối với trẻ hoàn toàn khỏe mạnh không có bệnh lý đi kèm thì các chuyên gia khuyến cáo nên cho trẻ phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn càng sớm càng tốt. Bởi vì càng để lâu khối thoát vị dễ có nguy cơ bị nghẹt gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm ruột, hoại tử ruột, viêm phúc mạc, tổn thương tinh hoàn (teo tinh hoàn), xoắn và/hoặc hoại tử buồng trứng, thậm chí có thể tử vong.

Tuy nhiên trên thực tế còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi bé vì mỗi trẻ có một thể trạng khác nhau, bệnh lý đi kèm (nếu có), cân nặng,…. khi thăm khám cho con bác sĩ sẽ tư vấn và có chỉ định cụ thể.

5. Chăm sóc sau điều trị bệnh thoát vị bẹn ở trẻ em

Sau phẫu thuật thoát vị bẹn, trẻ cần uống thuốc theo đơn bác sĩ kê (chủ yếu là thuốc giảm đau, không có thuốc kháng sinh). Giữ băng sạch sẽ, thay băng mỗi 2 ngày hoặc khi băng ướt (cha mẹ nên cho con đến cơ sở y tế gần nhất để được thay băng). Chỉ khâu là chỉ tự tiêu nên không cần phải cắt chỉ. Cho trẻ ăn, uống bình thường. Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital