Nhiệm vụ của điểm vàng là giúp chúng ta nhìn được chi tiết hình ảnh. Bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt là một bệnh lý nhãn khoa nguy hiểm, đe dọa đến thị lực trung tâm. Bài viết này chia sẻ với bạn đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, dấu hiệu nhận biết bệnh và cách xử trí đúng đắn khi mắc thoái hóa điểm vàng.
Menu xem nhanh:
1. Thoái hóa điểm vàng là gì?
Điểm vàng là nơi tập trung hàng triệu tế bào cảm quan, đóng vai trò không thể thay thế trong thu nhận hình ảnh, giúp chúng ta nhìn rõ ràng màu sắc và đường nét của vật thể. Chính vì vậy, đối với thị lực trung tâm, điểm vàng là bộ phận tối quan trọng.
Theo đó, thoái hóa điểm vàng là sự thoái hóa các tế bào cảm quan tại điểm vàng. Bệnh lý này có 2 dạng là: Thoái hóa điểm vàng thể khô và thoái hóa điểm vàng thể ướt.
– Thoái hóa điểm vàng thể khô: Chiếm 85 – 90%, thoái hóa điểm vàng thể khô phổ biến hơn thể ướt. Dạng thoái hóa này phát triển từ từ, trong khoảng 5 – 10 năm trước khi bệnh nhân bắt đầu bị suy giảm thị lực. Bệnh khởi nguồn từ việc các tế bào nuôi dưỡng võng mạc chết dần chết mòn, kéo theo sự tiêu biến của các tế bào võng mạc.
– Thoái hóa điểm vàng thể ướt: Chỉ chiếm 10 – 15% nhưng được đánh giá là nguy hiểm hơn thể khô. Bởi nó khiến thị lực của bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng một cách đột ngột. Thoái hóa điểm vàng thể ướt phát sinh do tình trạng rỉ dịch các mạch máu tăng trưởng bất thường bên dưới võng mạc, khiến võng mạc tổn thương và các tổn thương này phát triển thành sẹo.
2. Làm sao để nhận biết thoái hóa điểm vàng?
Dấu hiệu nhận biết bệnh lý thoái hóa điểm vàng thể khô là: Suy giảm thị lực trung tâm, khiến người bệnh gặp khó khăn khi làm những việc đòi hỏi tính chính xác cao như: Đọc sách, lái xe,… Tình trạng này thường biến mất khi người bệnh được cung cấp nguồn sáng “chất lượng” hơn.
Đối với thoái hóa điểm vàng thể ướt: Người bệnh sẽ nhìn đường thẳng thành đường cong đồng thời ngay tại thị lực trung tâm của người bệnh cũng có thể xuất hiện điểm mù nhỏ.
3. Đâu là những đối tượng có nguy cơ mắc thoái hóa điểm vàng cao?
Tuổi tác là yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt (10 – 12% người trên 65 tuổi mắc bệnh lý này, tỷ lệ đó ở người trên 75 tuổi là 30%). Ngoài ra, cũng có thể kể đến các yếu tố nguy cơ khác là:
– Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc thoái hóa điểm vàng cao gấp 2 lần nam giới. Trong đó, những người mãn kinh sớm có nguy cơ thoái hóa điểm vàng cao hơn những người còn lại.
– Chủng tộc: Những người có da màu sáng dễ mắc bệnh lý này hơn những người có da màu tối
– Tiền sử gia đình:
– Hút thuốc: Làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc thoái hóa điểm vàng
– Béo phì
– Mức độ tiếp xúc với ánh nắng và tần suất sử dụng thiết bị điện tử
4. Xử trí thoái hóa điểm vàng như thế nào?
Khi các dấu hiệu thoái hóa điểm vàng kể trên xuất hiện, người bệnh cần thăm khám và điều trị với chuyên gia nhãn khoa ngay.
4.1. Thăm khám
Để phát hiện chính xác thoái hóa điểm vàng, chuyên gia nhãn khoa sẽ kiểm tra mắt toàn diện cho người bệnh. Kiểm tra bao gồm:
– Kiểm tra thị lực: Sử dụng bảng đo thị lực để đánh giá khả năng nhìn của mắt ở các khoảng cách khác nhau.
– Kiểm tra đáy mắt: Bác sĩ sẽ nhỏ thuốc mở rộng (giãn) đồng từ. Sau đó, dùng kính lúp đặc biệt kiểm tra võng mạc và dây thần kinh thị giác để tìm kiếm các dấu hiệu trực quan của bệnh lý thoái hóa điểm vàng.
– Đo nhãn áp
– Sử dụng lưới Amsler: Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân che một mắt và dùng mắt còn lại để nhìn vào một tờ giấy kẻ ô bàn cờ.
4.2. Điều trị
Ở thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn thoái hóa điểm vàng. Người mắc bệnh lý này chỉ có thể sử dụng thuốc để kìm hãm sự phát triển của bệnh.
Người bệnh thoái hóa điểm vàng thể khô: Có thể sẽ được chuyên gia nhãn khoa đề nghị thuốc bổ sung kẽm, Beta Carotene và Vitamin C, E liều cao.
Người bệnh thoái hóa điểm vàng thể ướt: Có thể sẽ được:
– Tiêm thuốc – Liệu pháp chống VEGF: Phương pháp này giúp ức chế tăng trưởng mạch máu bất thường.
– Liệu phát quang động học: Sử dụng laser lạnh kết hợp thuốc cảm quang nhẹ để đóng vết rỉ dịch tại các mạch máu bất thường mà không để lại sẹo.
– Quang đông: Sử dụng laser năng lượng cao để phá hủy các mạch máu bất thường.
– Phẫu thuật
Trước khi các thủ thuật điều trị tạm thời thoái hóa điểm vàng thể ướt phía trên được thực hiện, chuyên gia nhãn khoa sẽ xác định đâu là mạch máu bất thường đang rỉ dịch bằng cách chụp mạch máu võng mạc. Theo đó, thuốc nhuộm đặc biệt sẽ được tiêm vào cánh tay bệnh nhân. Hình ảnh được chụp khi thuốc nhuộm đi qua hệ thống mạch máu dưới võng mạc sẽ chỉ ra đâu là những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Phía trên là những thông tin cơ bản về bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt. Nếu còn băn khoăn, liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được giải đáp chi tiết mọi thắc mắc, bạn nhé!