Bệnh tay chân miệng có lây không và lây nhiễm qua con đường nào?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Bệnh tay chân miệng có lây không là mối bận tâm lớn của nhiều ông bố, bà mẹ. Bởi lẽ đây là căn bệnh phổ biến và thường gặp ở trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh tay chân miệng sẽ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm cho trẻ.

1. Giải đáp thắc mắc của các bậc phụ huynh: Bệnh tay chân miệng có lây không?

Tay chân miệng là bệnh lý truyền nhiễm gây ra bởi virus gây bệnh Coxsackievirus và Enterovirus. Hai loại virus này có đặc điểm sinh sôi, phát triển, gây bệnh và phân bổ khác nhau. Điểm chung của chúng là có thể lây lan và bùng phát thành dịch bệnh. Tuy nhiên, chủng virus Enterovirus có khả năng gây ra nhiều biến chứng nặng nề và mức độ lây lan cũng khá nhanh.

Theo các nghiên cứu, bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở những trẻ dưới 3 tuổi. Bởi lẽ ở giai đoạn này, bé bắt đầu biết trườn, bò, tập ăn dặm, đi,… nên con sẽ tiếp xúc rất nhiều với môi trường xung quanh. Tới lúc đi học mẫu giáo, trẻ sẽ sinh hoạt cùng với những bạn đồng trang lứa nên nguy cơ lây nhiễm bệnh tay chân miệng cũng sẽ tăng nhanh hơn. Đây chính là lý do tại sao bệnh tay chân miệng bị bùng phát mỗi năm.

Nhìn chung, khả năng mắc bệnh tay chân miệng của trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi và bé lớn hơn 5 tuổi ít hơn. Bởi lẽ những trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi còn đang bú sữa mẹ nên nhận được kháng thể chống bệnh tay chân miệng từ miệng. Còn những trẻ lớn hơn 5 tuổi thì hệ miễn dịch của con đã phát triển tương đối hoàn thiện.

Bệnh tay chân miệng có lây không là thắc mắc của nhiều bố mẹ

Bệnh tay chân miệng có lây nhiễm không là thắc mắc của nhiều bố mẹ

2. Bệnh tay chân miệng lây nhiễm qua những con đường nào?

Tay chân miệng ở trẻ nhỏ xảy ra quanh năm nhưng từ tháng 2 – 4 và từ tháng 9 – 12 là hai mốc thời gian bệnh xuất hiện nhiều hơn. Vào thời điểm này, nhiều ổ dịch bùng phát và nhiều ca bệnh tay chân miệng có biến chứng nặng.

2.1. Lây lan qua đường hô hấp

Virus gây ra bệnh tay chân miệng có thể tồn tại trong dịch sổ mũi, hắt hơi, nước bọt, dịch nước trên niêm mạc và da,… Bên cạnh đó, khi mắc bệnh tay chân miệng, những loại virus này phát triển mạnh mẽ và khiến cơ thể của trẻ tiết ra nhiều dịch hơn. Vì vậy, việc trẻ ngậm mút đồ chơi chung, chảy mũi hoặc hắt hơi khiến bệnh tay chân miệng lây lan nhanh chóng.

2.2. Lây lan qua đường tiêu hóa

Virus gây bệnh tay chân miệng có trong dịch tiết nước bọt bám vào thìa, bát hoặc tay khi bé ăn. Do đó, việc sử dụng chung đồ vật ăn uống hoặc tiếp xúc gần sẽ khiến nguy cơ lây nhiễm bệnh tay chân miệng ở trẻ tăng rất cao.

2.3. Một số con đường khác

Con đường khác khiến tay chân miệng có tốc độ lây nhiễm vô cùng nhanh chóng là virus gây bệnh có thể sống và tồn tại ở môi trường bên ngoài khá lâu. Do đó, chúng có thể bám vào đồ chơi, quần áo và đồ dùng của con.

Vì vậy, những trẻ không mắc bệnh nếu sinh hoạt trong cùng không gian nhỏ với bé nhiễm bệnh tay chân miệng cũng sẽ rất dễ bị lây bệnh. Hơn nữa, bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ còn có khả năng lây sang người trưởng thành qua việc tiếp xúc với nguồn virus khi chăm sóc bé.

Bệnh tay chân miệng lây lan qua nhiều con đường khác nhau

Bệnh tay chân miệng lây lan qua nhiều con đường khác nhau

3. Cách phòng ngừa căn bệnh tay chân miệng

Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị chuyên biệt. Do đó, phương pháp điều trị chính của căn bệnh này chính là làm thuyên giảm các triệu chứng. Điều này có nghĩa là việc phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ nhỏ và các thành viên trong gia đình rất quan trọng. Theo đó, bố mẹ nên lưu ý đặc biệt những điều sau:

– Tập cho bé thói quen rửa tay với xà phòng diệt khuẩn dưới vòi nước sạch trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh.

– Bố mẹ nên thay quần áo và tắm gội cho trẻ mỗi ngày.

– Cho trẻ ăn những món ăn được chế biến sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh và uống nước đun sôi để nguội.

– Dạy trẻ không được ngậm đồ chơi hoặc cho tay vào miệng.

– Những đồ dùng của trẻ như quần áo, khăn lau, chén bát, đồ chơi, dụng cụ học tập,… phải được ngâm rửa với dung dịch khử khuẩn và phơi khô sạch sẽ dưới ánh nắng mặt trời.

– Cần chủ động quan sát tình trạng sức khỏe của con hàng ngày. Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh tay chân miệng, bố mẹ cần nhanh chóng đưa con tới cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và theo dõi.

– Khi trẻ phát bệnh tay chân miệng, bố mẹ cần khử khuẩn nhà cửa sạch sẽ và cách ly con ở trong nhà để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm sang những trẻ khác.

Bố mẹ nên đưa trẻ đi khám khi thấy con có dấu hiệu tay chân miệng

Bố mẹ nên đưa trẻ đi khám khi thấy con có dấu hiệu tay chân miệng

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp các bạn giải đáp thắc mắc “Bệnh tay chân miệng có lây không và con đường lây nhiễm”. Để được tư vấn kỹ hơn về căn bệnh này, bố mẹ hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế uy tín khi con xuất hiện triệu chứng tay chân miệng nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital