Sỏi bàng quang là một bệnh lý thuộc hệ tiết niệu. Bệnh gặp ở cả hai giới nam và nữ nhưng thống kê cho thấy, nam giới có tỷ lệ bị sỏi cao hơn phụ nữ. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh như thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Bệnh sỏi bàng quang là bệnh gì?
Những mảnh khoáng chất cứng xuất hiện trong bàng quang được gọi là sỏi bàng quang. Các chất khoáng cứng này được hình thành từ thận, niệu quản hay tạo ra từ ngay trong bàng quang. Hình dáng sỏi bàng quang thường tròn, mịn hoặc lởm chởm và nhọn. Về kích thước, sỏi có loại bé như hạt ngô, có những viên sỏi to như quả trứng gà. Có những trường hợp sỏi có thể lấp đầy bàng quang. Viên sỏi càng lớn và số lượng sỏi càng nhiều thì sẽ gây ra những biến chứng phức tạp và nguy hiểm hơn.
Thành phần hóa học của sỏi bàng quang chủ yếu là chất canxi và một số hợp chất khác. Nhưng thông thường thành phần sỏi thường hỗn hợp và được bao quanh bởi một lớp nhân tơ huyết – bạch cầu.
2. Nhận biết bệnh sỏi bàng quang qua những dấu hiệu nào?
Sỏi là một khối cứng và rắn tích tụ lại trong bàng quang. Tùy thuộc vào số lượng và kích thước viên sỏi bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những triệu chứng khó chịu như sau:
Người bệnh bị đau bụng dưới: Khi sỏi di chuyển qua lại trong lòng bàng quang khiến cho người bệnh cảm thấy bị đau bụng dưới. Cảm giác đau sẽ đi từ đau âm ỉ đến đau dữ dội.
Ở nam giới, sẽ xuất hiện cảm giác đau và khó chịu ở dương vật.
Người bệnh bị tiểu khó, tiểu buốt, đôi khi bị gián đoạn dòng nước tiểu. Đây là hiện tượng nước tiểu bị tắc lại, khi đó người bệnh bị đau buốt bộ phận sinh dục. Tình trạng bệnh sẽ tăng lên khi người bệnh vận động, đi lại nhiều và triệu chứng này giảm khi người bệnh nghỉ ngơi.
Người bệnh gặp triệu chứng tiểu rắt, tiểu nhiều lần: Sự xuất hiện của sỏi trong bàng quang có thể gây bít tắc đường tiểu. Chính vì đó sẽ gây lên hiện tượng tiểu són, tiểu rắt nhiều lần trong ngày. Ban đêm tình trạng tiểu nhiều sẽ gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe như mất ngủ, căng thẳng…
Người bệnh tiểu màu sậm hoặc tiểu ra máu: Tình trạng nhiễm trùng tại thận khiến cho nước tiểu có màu sậm. Những viên sỏi nhỏ có thể theo đường nước tiểu ra bên ngoài, trên đường đi cọ xát vào đường tiểu gây ra hiện tượng chảy máu khi đi tiểu.
3. Bệnh sỏi bàng quang gây ra bởi những nguyên nhân nào?
Bàng quang là nơi lưu trữ nước tiểu cho đến khi ra khỏi cơ thể. Nước tiểu được tạo ra khi thận lọc máu, hấp thu các chất cần thiết cho cơ thể. Các chất lỏng dư thừa và chất thải được bài tiết gọi là nước tiểu. Từ đây, nước tiểu thông qua hai ống niệu quản đi vào bàng quang. Nếu bàng quang không trống rỗng hoàn toàn, nước tiểu tích tụ được giữ lại có thể bắt đầu hình thành các tinh thể, lâu dần tạo thành sỏi. Việc dẫn đến bàng quang không trống rỗng hoàn toàn có thể được gây ra bởi các nguyên nhân dưới đây.
3.1. Phì đại u xơ tuyến tiền liệt ở nam giới, sa bàng quang ở nữ giới gây sỏi bàng quang
Nguyên nhân phổ biến gây sỏi ở nam giới là sự phì đại của tuyến tiền liệt. Khi tuyến tiền liệt lớn, nó chèn ép vào niệu đạo gây cản trở nước tiểu di chuyển, làm ứ đọng nước tiểu tại bàng quang.
Ở phụ nữ, thành bàng quang có thể bị suy yếu và sa xuống âm đạo. Đây là nguyên nhân chặn dòng nước tiểu, khiến nước tiểu không thoát hết khỏi bàng quang gây ra sỏi.
3.2. Hội chứng thần kinh bàng quang
Dây thần kinh truyền tín hiệu từ não đến cơ bàng quang, chỉ đạo cơ này thắt chặt hoặc mở. Vì một lý do nào đó khiến dây thần kinh bàng quang bị tổn thương, việc truyền tín hiệu không được trơn tru khiến cho nước tiểu đọng lại tại bàng quang gây sỏi.
Túi thừa bàng quang cũng có thể là nguyên nhân gây sỏi
Các túi thừa là khu vực yếu trong thành bàng quang. Túi thừa có thể là hệ quả của việc tuyến tiền liệt tăng sản lành tính gây ra.
3.3. Một số nguyên nhân khác gây sỏi bàng quang
Do viêm. Viêm bàng quang, nhiễm trùng đường tiểu có thể gây ra sỏi.
Các thiết bị y tế như ống thông được đưa vào niệu đạo giúp thông nước tiểu. Các thiết bị như vòng tránh thai hoặc stent khiến các tinh thể khoáng có xu hướng bám trên bề mặt của các thiết bị này.
Nguyên nhân đến từ sỏi thận. Sỏi thận có thể đi xuống niệu quản để vào bàng quang và phát triển thành sỏi tại đây.
4. Phòng ngừa hiệu quả bệnh bằng cách nào?
Mỗi ngày nên uống từ 2 lít nước trở lên (bao gồm nước lọc, nước trái cây, nước canh…). Cơ thể đủ nước sẽ đào thải những chất độc, chất cặn bã ra khỏi thận và bàng quang. Tránh được nguy cơ kết tủa tạo thành sỏi.
Bổ sung vào thực đơn bữa ăn hàng ngày các loại thực phẩm trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo. Hạn chế chế biến món ăn theo cách chiên xào. Không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, dưa muối, cà muối, thịt muối…
Những người bị tăng axit uric trong máu hạn chế ăn thức ăn giàu đạm. Vì thức ăn giàu đạm như các loại thịt đỏ làm tăng tích tụ axit uric trong máu. Các tinh thể muối urat dễ hình thành và tích tụ tại bàng quang gây ra sỏi.
Các hóa chất độc hại từ thuốc lá, rượu bia tích tụ trong cơ thể cũng gây ra sỏi, nên hạn chế hoặc không sử dụng.
Khi đi tiểu bạn nên đợi thêm 10 đến 20 giây ở mỗi lần đi. Việc làm này giúp nước tiểu không bị sót lại tại bàng quang.
Sỏi là một quá trình hình thành và tích tụ lâu dài. Không có một cách phòng tránh cụ thể và hoàn toàn đối với căn bệnh này. Tuy nhiên để hạn chế thì những gợi ý trên rất thiết thực.
Đồng thời, khi có bất cứ dấu hiệu nào bất thường ở hệ tiết niệu, người bệnh cần đến bệnh viện uy tín để được thăm khám sớm tìm chính xác nguyên nhân và chữa trị kịp thời.