Bệnh mí mắt sụp, nguyên nhân gây mất thẩm mỹ và giảm thị lực

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Mí mắt sụp là một bệnh, tuy không gây ra nguy hiểm đến tính mạng người mắc nhưng nếu không được phát hiện sớm và xử trí đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của đôi mắt sau này.

1.Những thông tin về sụp mí

1.1. Mí mắt sụp là gì?

Mí mắt bị sụp là hiện tượng mí khó mở lên như bình thường mà bị kéo lại khiến cho hai mắt thường không đồng đều nhau. Nguyên nhân gây ra tình trạng này khá nhiều như: do bẩm sinh, do tuổi già, do các chấn thương ở mắt, do tai nạn hoặc do các bệnh lý về thần kinh, bệnh liên quan đến cơ mắt hoặc bệnh do tiểu đường…

Trong số những nguyên nhân trên thì sụp mi do bẩm sinh là thường gặp nhất, chiếm đa phần các nguyên nhân gây sụp mí. Giải phẫu những trường hợp sụp mí bẩm sinh có thể thấy số lượng các sợi cơ nâng mi bị giảm đi và thay bằng các tổ chức xơ. Điều này làm cho việc nâng mí mắt lên gặp khó khăn hơn.

mí mắt sụp

Sụp mí do bẩm sinh là nhiều nhất

Những dấu hiệu cho thấy mi mắt đang bị sụp đó là:

– Khó khăn khi mở mắt, phải nhăn trán hoặc ngẩng đầu lên mới có thể nhìn thấy những vật ngang tầm mắt.

– Mi bị trễ, che phủ qua cả đồng tử (chấm đen nhỏ giữa lòng đen), che tầm nhìn thẳng của mắt.

– Mi có nhiều nếp nhăn

1.2. Phân loại nguyên nhân gây nên mí mắt sụp

Có nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng sụp mi, trong đó sẽ phân loại ra như sau:

– Mi sụp do yếu tố bẩm sinh

Đây là nguyên nhân chiếm phần lớn các trường hợp bị mí sụp. Sụp mí bẩm sinh tức là từ khi sinh ra đã bị, nhưng có thể dấu hiệu chưa rõ rệt. Đến khi lớn dần, có thể nhận thấy mí mắt bên cao bên thấp, càng lớn càng thấy sự chênh lệch này rõ rệt hơn, dễ nhận ra hơn.

– Do lão hóa

Những người cao tuổi sẽ có nhiều da chùng nhão trên mí mắt. Đồng thời tổ chức cơ trên mắt cũng bị lão hóa, không giúp mí mắt được nâng đỡ tốt, khiến cho chúng bị sụp xuống khá nhiều. Trong những người cao tuổi bị bệnh này, phần trăm rơi vào những người bị béo phì và có làn da khô ráp, thiếu đàn hồi sẽ nhiều hơn.

– Do nguyên nhân bệnh lý

Có một số bệnh lý liên quan đến mắt cũng làm cho mí bị sụp xuống như hội chứng đỉnh hốc mắt, xoang hang…Hoặc sụp mí cũng có thể do các bệnh lý khác như nhược cơ mắt, bệnh về dây thần kinh điều khiển mắt…

– Người bệnh bị tai nạn tổn thương đến mắt

Những người gặp tai nạn làm chấn thương vùng mắt, ảnh hưởng đến cơ điều khiển có thể là nguyên nhân gây ra sụp mí.

– Phẫu thuật vùng mắt gây ra xâm lấn thất bại

mí mắt sụp

Cũng có một số nguyên nhân khác ngoài bẩm sinh gây ra sụp mí

Việc phẫu thuật vùng mắt trong các các lấu mỡ thừa hoặc cắt mi mắt đều là phẫu thuật xâm lấn, vì vậy luôn có những nguy cơ có thể xảy ra, tuy không nhiều nhưng việc sụp mí cũng có thể là hậu quả của việc phẫu thuật thẩm mỹ không thành công.

1.3 Ảnh hưởng của bệnh mí mắt sụp

Khi bị sụp mí, người bệnh sẽ cảm thấy tầm nhìn bị che khuất một phần. Những người bị nặng sẽ bị che phần lớn do mí mắt trùm xuống che phủ con ngươi mắt. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được chữa trị thì có khả năng gây ra nhược thị cho người bệnh. Tình trạng ban đầu của bệnh sụp mí là mắt không mở to được, mức độ sụp không thay đổi theo thời gian.

Bệnh sụp mí tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu để lâu không chữa trị có thể gây nên những ảnh hưởng không nhỏ cho người bệnh, nhất là trẻ em. Cụ thể như:

– Do trẻ bị che khuất tầm nhìn nên phải ngước lên liên tục để nhìn, từ đó gây ra vẹo cột sống và các cơ quanh cổ. Không những thế, thị lực của trẻ còn bị suy giảm, lâu dần có thể dẫn đến nhược thị, loạn thị, lác…

– Đối với người cao tuổi, không quá ảnh hưởng đến cột sống như của trẻ, nhưng chắc chắn thị lực sẽ bị suy giảm dần.

2.Làm sao khi bị mí mắt sụp

Việc điều trị sụp mí là cần thiết và cần phải làm càng sớm càng tốt, nhất là đối với trẻ em vì nó không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến thị lực của trẻ. Cần tìm nguyên nhân gây ra sụp mí là gì để có phương hướng điều trị bệnh. Trẻ em nếu bị sụp mí độ 3 độ 4 cần phải được điều trị, tránh khả năng nhược thị sau này.

Cần tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng sụp mí để điều trị được hiệu quả. Cụ thể như:

– Dùng thuốc tra mắt và để mắt nghỉ ngơi nếu nguyên nhân sụp mí do các bệnh lý về mắt.

Nếu mắt bị sụp do các bệnh như viêm đau mắt, viêm bờ mi, lên chắp, lẹo mắt kèm theo các tình trạng như ngứa mỏi mắt…thì cần dùng thuốc tra mắt để điều trị dứt điểm các tình trạng bệnh lý trên. Khi bệnh đã khỏi, tình trạng mi mắt có thể trở lại như bình thường

Nếu mắt bị sụp mí, hơi sưng do thời gian làm việc của mắt trong các môi trường không thuận lợi quá dài. Mí mắt bị sưng là dấu hiệu cho thấy bạn cần để mắt được nghỉ ngơi và hồi phục lại. Nhất là những đối tượng hay phải làm việc cường độ cao với máy tính, điện thoại thì việc cho mắt được nghỉ ngơi 15-12 phút sau mỗi 2-3 tiếng là việc rất cần thiết.

– Sử dụng phương pháp phẫu thuật để điều trị sụp mí.
Với những trường hợp bị sụp mí do bẩm sinh, không quy định độ tuổi nên phẫu thuật mà bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để đưa ra thời gian phẫu thuật thích hợp nhất.

mí mắt sụp

Cần khám bác sĩ để xác định thời điểm nên phẫu thuật

Ngoài ra, việc phẫu thuật còn phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của sụp mí đối với thị lực của người bệnh như thế nào. Đối với trẻ em, khi phát hiện những dấu hiệu của sụp mí, cha mẹ cần phải đưa trẻ đi thăm khám kiểm tra càng sớm càng tốt, tốt hơn cả là trước 2 tuổi, tránh ảnh hưởng đến thị lực trẻ sau này.

Với những người lớn bị sụp mí, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ phẫu thuật dựa trên tình trạng bệnh. Nếu nhẹ có thể chỉ cần cắt bỏ phần da chùng thừa ở mí mắt. Nếu nặng hơn thì sẽ phải phẫu thuật tác động vào phần cơ nâng mi, cơ mi vòng sẽ được cắt bỏ một phần và làm ngắn cơ nâng mi.

– Với những người bị sụp mi do ảnh hưởng của bệnh toàn thân thì cần điều trị bệnh toàn thân. Trong trường hợp điều trị khỏi rồi mà vẫn bị sụp mi thì vẫn được chỉ định phẫu thuật như bình thường. Đây là biện pháp hiệu quả nhất trong việc điều trị bệnh sụp mi.

Bài viết trên đây cung cấp những thông tin về tình trạng mí mắt sụp. Đây là một bệnh lý về mắt không hiếm người mắc phải nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể mang đến nhiều nguy cơ sau này.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital