Khi nhắc đến động kinh nhiều người thường nghĩ ngay đến cảnh người bệnh chân tay co quắp, giật, sùi bọt mép và nhầm tưởng đây là bệnh tâm thần nhưng không phải. Bệnh động kinh không phải bệnh tâm thần và có thể chữa khỏi. Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh động kinh là gì? Nguyên nhân nào gây bệnh động kinh?
1.1 Bệnh động kinh là gì?
Động kinh là sự rối loạn hệ thống thần kinh trung ương (não) khiến các hoạt động của não bị thay đổi, gây hiện tượng co giật hoặc có những hành vi, cảm giác bất thường, đôi khi mất ý thức trong thời gian ngắn.
1.2 Nguyên nhân gây bệnh động kinh
Hiện nay, gần một nửa số bệnh nhân bị động kinh không rõ nguyên nhân. Số còn lại do một số nguyên nhân sau đây gây ra:
Do di truyền
Theo nghiên cứu có một số gen khiến một người có nguy cơ mắc động kinh cao hơn người không mang gen đó. Tuy nhiên chưa thể khẳng định rằng người mang gen di truyền đó sẽ bị động kinh.
Do tai nạn (chấn thương sọ não)
Động kinh có thể xảy ra sau tai nạn. Sau khi tai nạn một số người có thể bị co giật, đây có thể là dấu hiệu của bệnh động kinh sau sang chấn sọ não gây ra hay còn gọi là động kinh triệu chứng. Bởi lẽ sau sang chấn sọ, có thể sẽ có những vùng dập não, chảy máu trong não và những chấn động khác trong não, những vấn đề này sẽ gây nên động kinh.
Do các bệnh lý về não
U não, đột quỵ não, … gây tổn thương tế bào não dẫn tới rối loạn hệ thống thần kinh trung ương gây ra động kinh. Đặc biệt, đột quỵ chính là nguyên nhân chính gây động kinh ở người lớn trên 35 tuổi.
Do bệnh truyền nhiễm
Một số bệnh lý truyền nhiễm điển hình như viêm màng não, AIDS, viêm não virus,… có thể gây bệnh động kinh.
Do chấn thương trước khi sinh
Não của em bé khi nằm trong bụng mẹ và khi mới chào đời còn rất “non nớt” và nhạy cảm với những tổn thương gây ra chẳng hạn như nhiễm trùng ở mẹ, dinh dưỡng kém hoặc thiếu oxy não. Hoặc trong quá trình sinh nở não của trẻ bị vô tình bị chấn thương do một nguyên nhân nào đó, điều này có thể gây ra chứng động kinh hoặc bại não ở trẻ.
Do rối loạn phát triển (chứng tự kỷ)
Mặc dù chưa có kết luận chính xác nhưng theo một số nghiên cứu từ các nhà khoa học phát hiện được mối liên hệ giữa bệnh động kinh và chứng tự kỷ.
Cụ thể là người mắc bệnh động kinh có nguy cơ cao bị tự kỷ và ngược lại.
– Người bị động kinh đặc biệt là tái phát nhiều lần khiến hoạt động phóng điện quá mức trong não gây ra các bất thường về nhận thức, ngôn ngữ và hành vi tương tự như chứng tự kỷ. Hơn nữa, khi bị động kinh người bệnh thường bị bạn bè/những người xung quanh trêu trọc, kinh thường, xa lánh khiến họ cảm thấy tự ti, cô lập, khép mình, làm gia tăng chứng tự kỷ.
– Ngược lại, dựa theo kết quả đã được nghiên cứu các chuyên gia cũng nhận định rằng một số bất thường của não ở người mắc hội chứng tự kỷ như sự mất cân bằng giữa các chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là sự thiếu hụt các chất ức chế khiến não bộ trong trạng thái kích thích dễ làm xuất hiện các cơn co giật.
Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh động kinh và tự kỷ như gen di truyền, giới tính (phụ nữ có tỉ lệ cao hơn nam giới),..
2. Động kinh không phải bệnh tâm thần
Rất nhiều người nhầm lẫn bệnh động kinh là bệnh tâm thần nên nhiều người thường có xu hướng xa lánh, kỳ thị, coi thường người bệnh động kinh. Tuy nhiên, động kinh không phải bệnh tâm thần.
Người bệnh động kinh hoàn toàn có thể tỉnh táo, hoạt động như bình thường khi cơn động kinh không xuất hiện. Họ vẫn có khả năng kiểm soát hành vi của mình và thực hiện các công việc bình thường nếu cơn động kinh không tái phát.
3. Bệnh động kinh có chữa được không?
Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 50 triệu người mắc bệnh động kinh. Đây là một trong những bệnh lý thần kinh mạn tính thường gặp nhất. Bệnh động kinh hoàn toàn có thể chữa được, nhiều người được chữa khỏi hoặc có thể kiểm soát hoàn toàn và lâu dài cơn co giật mà không gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.
Hiện nay, điều trị bệnh động kinh chủ yếu là sử dụng thuốc chống động kinh, đơn trị liệu hoặc đa trị liệu. Bên cạnh đó có thể kết hợp sử dụng các phương pháp điều trị động kinh không dùng thuốc như phẫu thuật, kích thích não sâu, chế độ ăn nhiều Ketone. Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với tình trạng bệnh lý và sức khỏe của người bệnh.
4. Người bệnh động kinh có thể sống bình thường
Nếu được kiểm soát cơn động kinh một cách ổn định có thể bằng thuốc, phẫu thuật hoặc kích thích não sâu,… thì người bệnh động kinh hoàn toàn có thể sống bình thường, làm việc như một người bình thường. Khi cơn co giật không tái phát người bệnh hoàn toàn tỉnh táo, không giống như người bệnh tâm thần khó kiểm soát hành vi và hầu như phải phụ thuộc vào người chăm sóc.
Nếu người nhà hoặc người quen bị động kinh, bạn không nên xa lánh hay kỳ thị mà nên cảm thông và đối xử với họ như một người bình thường, lắng nghe và giúp đỡ họ để họ không cảm thấy bị tự ti, cố gắng hoàn thành các công việc và hoạt động như người thường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.